Văn bản 'cấm nhập lúa mì' khiến doanh nghiệp hoảng loạn

10/10/2018 - 14:00

PNO - Việc Cục BVTV ra văn bản buộc tái xuất các lô lúa mì - loại nông sản không thể trồng được tại Việt Nam - nếu phát hiện nhiễm hạt cỏ dại cirsium arvense (cỏ kế đồng) khiến các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì hoảng loạn.

Trong cuộc họp khẩn ngày 8/10, đại diện một nhà nhập khẩu lúa mì tại TP.HCM chia sẻ, doanh nghiệp của ông nhận được văn bản của Chi cục Kiểm dịch thực vật TP.HCM, thông báo từ ngày 1/11 tới, theo quy định của Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhiễm cỏ dại cirsium arvense sẽ bị buộc tái xuất.

Thông báo cũng nêu rằng, Cục BVTV báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể nhiễm loại cỏ dại này.

Van ban 'cam nhap lua mi' khien doanh nghiep hoang loan
Văn bản 'cấm nhập lúa mì' khiến doanh nghiệp hoảng loạn

Ông nhận được văn bản từ giữa tháng Chín, trong khi giữa tháng Mười, một lô bột mì trị giá hơn 300 tỷ đồng từ Úc sẽ lên đường về Việt Nam theo đơn đặt hàng đã ký trước đó. Ông lo ngại rằng, hàng sẽ về sau ngày 1/11 và chắc chắn không tránh khỏi việc nhiễm cỏ kế đồng vì theo ông, ở Úc, Mỹ, Canada hay bất cứ quốc gia trồng lúa mì nào cũng có hạt cỏ dại này lẫn vào hạt lúa mì.

Ở các nước, lúa mì được thu hoạch bằng máy, chuyển vào kho, ra cảng, không qua công đoạn sàng lọc như đối với lúa gạo nên còn lẫn cỏ.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) - cho biết, những ngày qua, bà liên tục nhận được điện thoại “cầu cứu” của các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa mì và bột mì. Rất nhiều doanh nghiệp trong số đó có hàng đang trên đường nhập về Việt Nam, đối diện với nguy cơ tái xuất theo quy định mới. Giá trị những lô hàng này lên đến vài trăm tỷ đồng/lô.

Đại diện Công ty Việt Quang - một đầu mối nhập khẩu lúa mì về phân phối cho các doanh nghiệp trong nước - cho biết, bình quân mỗi chuyến tàu, có từ 30.000-50.000 tấn lúa mì nhập về, trị giá khoảng 20 triệu USD (gần 500 tỷ đồng). 

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 3,98 triệu tấn lúa mì, trị giá 952 triệu USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường xuất khẩu lúa mì lớn nhất vào Việt Nam là Nga, Úc và Canada với thị phần lần lượt là 52,9%, 25,3% và 8,5%. 

Theo FFA, thiệt hại sẽ rất khủng khiếp không chỉ với doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì và sản xuất bột mì mà là toàn xã hội, nếu áp dụng quy định của Cục BVTV, vì rất nhiều nhà máy chế biến thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là bột mì (bánh mì, bánh bao, kẹo, mì tôm, thức ăn nhanh, thức ăn chăn nuôi…) với hàng chục ngàn lao động sẽ bị ảnh hưởng; người tiêu dùng cũng bị vạ lây vì chắc chắn giá các loại thực phẩm trên cũng có thể tăng do khan hiếm.

Cục BVTV ra quy định này là do từ đầu năm đến nay, cơ quan này phát hiện 1,2 triệu tấn lúa mì nhập khẩu từ Nga, Mỹ và Canada nhiễm loại cỏ kế đồng; lượng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng chiếm khoảng 30% tổng lượng lúa mì nhập khẩu.

Rủi ro mà Cục BVTV lo ngại là loại cỏ này lây lan ra môi trường có thể ảnh hưởng rất lớn tới năng suất cây trồng trong nước. Cỏ kế đồng chưa có trên lãnh thổ Việt Nam, thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm I, nhóm sinh vật có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật và sản phẩm thực vật.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC - loại cỏ kế đồng hoàn toàn không có độc tố gây hại cho con người mà chỉ có đặc tính cạnh tranh về dinh dưỡng đối với các loại cây trồng trên cánh đồng. Lúa mì đã được các doanh nghiệp nhập khẩu từ hàng chục năm nay nhưng hiện chưa có báo cáo ghi nhận về sự sinh trưởng của loại cỏ này tại Việt Nam.

Vì vậy, lẽ ra, trước khi ban hành quy định trên, Cục BVTV cần có những nghiên cứu xem, với khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, loại cỏ dại này có dễ sinh trưởng ở Việt Nam hay không. Cục BVTV cũng chỉ nên cấm nhập lúa mì lẫn cỏ đối với những lô hàng nhập về làm giống, không nên cấm đối với lúa mì nhập về để chế biến. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI