Vài lát cắt ẩm thực tết Sài Gòn

10/02/2021 - 11:21

PNO - Khẩu vị Sài Gòn vậy đó, rất dễ mà cũng rất khó. Dễ đón nhận món lạ món mới nhưng nếu không ngon thì dù nổi tiếng cỡ nào cũng… cho qua.

Tôi nhớ có một cái tết khá xa, hơn 10 năm trước, tôi cùng vài người bạn rủ nhau du lịch Thái Lan rồi về trước tết. Hôm đó là 24 hay 25 tháng Chạp gì đó, tôi hạ cánh Tân Sơn Nhất, ra khỏi sân bay là thấy không khí tết “ập” vào mặt.

Đi giữa Sài Gòn, nhìn đường phố đủ sắc màu xanh đỏ vàng của lá, hoa, câu đối, nhìn người người hối hả mua sắm mới cảm giác tết đã cận kề. Nhất là khi đi ngang qua ngã ba Ông Tạ, con đường Cách Mạng Tháng Tám những ngày này như được khoác lên chiếc áo xanh, nhìn rất xuân. 

Đó là phiên chợ lá dong độc đáo tại Sài Gòn, mỗi năm chỉ mở ra khoảng 10 ngày, từ 20 đến 30 tháng Chạp. Từ ngày còn nhỏ, tôi đã biết đến con đường lá dong này dù nhà tôi chỉ gói bánh tét, lá lấy từ cây chuối sau nhà. Tôi biết vì giáp tết năm nào cũng đi ngang qua ngã ba Ông Tạ để lên thăm mộ ngoại ở Bình Hưng Hòa.

Cái thời mà xe cộ còn thưa thớt, chợ Bà Quẹo (giờ là chợ Võ Thành Trang) thậm chí còn vài chiếc xe thổ mộ chở khách, thì chợ lá dong đã có ở đó. Đừng nhìn nhịp sống Sài Gòn bận rộn mà nghĩ người xứ này không có thời gian dành cho gia đình. Có đấy. Năm nào tết đến người ta cũng rủ nhau tới đây mua lá. Bánh gói để ăn nên “của một đồng công một nén”, đặt mua chắc chắn rẻ hơn.

Bày ra gói bánh chủ yếu là cho có không khí tết, cho cả nhà có dịp quây quần. Vậy nên với người Sài Gòn, chợ lá dong không chỉ là một nơi bán lá. Đó là nơi của ký ức, của nếp nhà.

Chợ gợi nhớ một Sài Gòn xưa, khu Bảy Hiền, Bà Quẹo với những chuyến xe thổ mộ giờ đã vắng bóng. Rồi trong xưa cũ ấy vẫn thấy bóng dáng của hiện đại, khi mỗi năm vẫn đều đặn mở ra vào ngày giáp tết, nhộn nhịp cảnh bán mua. 

Lá dong ở chợ Ông Tạ, Sài Gòn
Lá dong ở chợ Ông Tạ, Sài Gòn

Nguồn lá ở chợ lá dong chủ yếu được lấy từ Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TPHCM) và Gia Kiệm (Đồng Nai). Hóc Môn là một trong những lò bánh lớn tại Sài Gòn, nhiều gia đình ở nơi này đã gắn bó với nghề gói bánh từ 20, 30 năm. Tết Đoan ngọ thì gói bánh ú lá tro, tết cổ truyền gói bánh tét.

Mấy năm nay, nhà tôi cũng đặt bánh tét ở Hóc Môn. Ban đầu chỉ vì hương vị gần gũi, như má tôi từng gói ngày xưa. Đòn bánh dài chắc nịch, có thể cắt từng khoanh bằng dây gói, khi ăn vẫn còn vị nếp dẻo thơm, mùi đậu xanh quyện với thịt mỡ béo mà không ngán.

Nói đến nghề truyền thống, Sài Gòn có tiệm Minh Châu nổi tiếng với món giò chả mang theo từ làng Ước Lễ (Hà Nội). Bạn bè tôi vẫn thường mua chả ở tiệm này, đặc biệt là dịp tết để làm quà biếu đi kèm bánh chưng. Tiệm có mặt ở Sài Gòn từ những năm 1980 nhưng tay nghề cha truyền con nối của gia đình thì đã có cả trăm năm.

Thật ra người Sài Gòn khi thưởng thức ẩm thực sẽ không quá quan trọng về xuất xứ món ăn đâu, chỉ cần ngon là được. Khẩu vị Sài Gòn lạ vậy đó, rất dễ mà cũng rất khó. Dễ đón nhận món lạ món mới nhưng nếu không ngon thì dù nổi tiếng cỡ nào cũng… cho qua. Nên cái danh tiếng Ước Lễ nghe cho biết vậy thôi, chính yếu là giò chả ở Minh Châu rất ngon mới chinh phục được vị giác thực khách.

Đó là miếng chả được làm bởi người lành nghề, có kinh nghiệm chọn thịt, nêm gia vị, gói khéo. Nơi đây có hai loại chả đặc biệt ngon là chả lụa và chả chiên, nhất là nếu mua vào lúc chả mới ra lò còn nóng thơm.

Thương hiệu tự hào của người Bắc ở Sài Gòn
Thương hiệu tự hào của người Bắc ở Sài Gòn

Tôi biết đến Minh Châu qua một người bạn, cũng là dân sành ăn, biết tôi thích bánh mì chả không hành ngò không dưa cà nên giới thiệu đến đây. Ổ bánh mì “trụi lủi” đó vậy mà nổi tiếng khắp Sài Gòn, dù ít quảng cáo, được biết đến chủ yếu là truyền miệng.

Sau này Minh Châu đắt khách quá nên muốn có giò chả dịp tết thường phải đặt trước nếu muốn mua nhiều. Tiệm bán rất nhiều món, chủ yếu là phong vị Bắc, như xôi, chè, bánh dày, thịt đông, dưa món… nhưng từ trước đến nay, nhắc đến Minh Châu thì chỉ nghe khen giò chả mà thôi.

Ngoài Minh Châu, Sài Gòn cũng còn nhiều tiệm giò chả danh tiếng và lâu đời khác, như Phú Hương, Như Lan, bánh mì Hà Nội… Nhưng vì nhiều nguyên nhân mà đã dần phai nhạt, có nơi hương vị không còn được như xưa, nơi thì mở rộng quá nhiều nên không có gì đặc biệt.

Như Lan bắt đầu từ một xe bánh mì nhỏ sau đó trở thành thương hiệu lớn, hơn 50 năm đó đã có vô số khách hàng thân thiết. Họ biết Như Lan từ khi còn trẻ, theo năm tháng đã xem tiệm bánh này như một phần của ẩm thực Sài Gòn. Ngày thường thì ghé mua bánh mì, Tết đến thì mua giò chả, bánh chưng, kẹo mứt.

50 năm, Như Lan cũng có nhiều thay đổi, thêm nhiều mặt hàng, giờ gần như món gì cũng có, ăn sáng ăn trưa ăn tối rồi cả mang đi. Danh tiếng Như Lan ở Sài Gòn vẫn còn, Việt kiều có dịp về nước vẫn thích đến đây. Bạn bè tôi có nhiều người Tết năm nào cũng đặt bánh chưng, chả lụa ở đây, vì tên tuổi Như Lan vẫn còn sang lắm, làm quà biếu tết vừa yên tâm về chất lượng vừa thể hiện sự trân trọng.

Tết năm ngoái, một người bạn chợt gọi điện hỏi tôi biết chỗ nào hút chân không bánh mứt có dán nhãn để người thân mang đi nước ngoài. Bạn không thích kẹo mứt đóng hộp sẵn, theo bạn là không ngon và không đa dạng. Tôi nói ghé chợ Bến Thành đi, cả trăm loại mứt tha hồ chọn. Họ thường bán cho khách nước ngoài, Việt kiều nên chất lượng bảo đảm và đóng gói rất chuyên nghiệp. 

Như Lan, thương hiệu 50 năm vẫn là điểm lui tới đông đúc dịp tết của dân Sài Gònn tuổi Như Lan vẫn còn sang lắm, làm quà biếu Tết vừa yên tâm về chất lượng vừa thể hiện sự trân trọng

Dĩ nhiên, giá hơi cao vì xưa giờ chợ này còn có tên là chợ “nhà giàu”, bán gì cũng mắc hơn nơi khác. Nhưng hàng tết ở đây rất phong phú, gần như tập trung đầy đủ mọi sản vật vùng miền. Khách phương xa muốn biết không khí tết Sài Gòn như thế nào thì cứ đến chợ Bến Thành, thời điểm cuối năm cả bốn cửa đều hết sức nhộn nhịp, những gian hàng bày bán đủ thứ bánh mứt, đồ khô, câu đối tạo nên bức tranh tết đủ màu sắc. 

Năm 2020, chợ Bến Thành gần như im ắng cả năm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều gian hàng đóng cửa, có người thậm chí phải sang sạp do vắng khách. Chưa bao giờ chợ đìu hiu như thế. Ai cũng mong khi dịch qua đi, chợ sẽ nhộn nhịp trở lại.

Người Sài Gòn từ lâu đã không xem Bến Thành là ngôi chợ đơn thuần để mua sắm. Đó là một biểu tượng có tuổi đời hơn trăm năm, xưa nhưng không cũ, mà rất hiện đại, như chính nhịp sống sôi động của thành phố. 

Mỹ Thuật 

 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI