Toàn bộ số tiền bóc lột từ chúng tôi sẽ vào tay “bà trùm” và cả nhân viên trong bệnh viện (BV). Những “lính mới” như chúng tôi sẽ trắng tay sau 72 giờ làm việc đầu tiên.
|
Nhân viên Út đang gọi điện cho bà Hồng để yêu cầu chúng tôi đóng 300.000đ “tiền giới thiệu” |
Trắng tay sau ba ngày ba đêm thức trắng
Sau 24 giờ làm việc mà không nhận được đồng tiền công nào, khoảng 9 giờ ngày 25/3, tôi được chị Nam (người chủ thuê tôi chăm bệnh) gọi vào trả 300.000đ tiền công cho ngày làm việc thứ hai. Cả ngày hôm đó, tôi không thấy bà Sáu lảng vảng ở khu vực phòng bệnh. Nhưng, khoảng 20 giờ ngày 25/3, bà Sáu xuất hiện cùng một phụ nữ mang chiếc ba lô.
Chẳng cần hỏi, tôi cũng đoán được đó là “lính mới” sắp vào chăm một người trong phòng bệnh mà tôi đang làm việc. Như lần trước, khi người chủ vừa đưa tiền công 300.000đ cho chị “lính mới”, bà Sáu cũng vội giật lấy, bước thẳng ra ngoài. Khoảng 15 phút sau, bà Sáu quay lại phòng bệnh dặn dò chị “lính mới” vài câu rồi quay sang tôi nói như ra lệnh: “Khi nào hết ca, lên lầu 3 báo cho tao ngay để tao còn tính”. Tôi chưa kịp hỏi thêm gì thì bà Sáu đã quay ngoắt đi ra.
Sáng 26/3, tôi tiếp tục được chị Nam trả 300.000đ tiền công cho ngày làm việc thứ ba. Tuy nhiên, chị Nam nói: “Mẹ chị cũng khỏe rồi, mai không thuê em nữa nhé”. Theo lời dặn của bà Sáu, đến 9 giờ sáng ngày 27/3, kết thúc một ca làm việc ba ngày ba đêm, tôi phải lên “đại bản doanh” ở lầu 3, khu A "trình diện". Lúc này, cả bà Hồng và bà Sáu đều có mặt để thu tiền cai.
Tôi ném chiếc ba lô xuống đất, đến ngồi cạnh một chị khoảng ngoài 40 tuổi. Chị tên H., có “thâm niên” hàng chục năm làm nghề nuôi bệnh ở BV 115. Không giấu được vẻ mệt mỏi sau bảy ngày đêm túc trực để chăm bệnh, chị H. chậm rãi móc trong túi quần mình ra những đồng tiền được cuộn tròn, cẩn thận đếm đủ 300.000đ rồi đưa cho bà Hồng: “Em gửi chị, ca vừa rồi em làm sáu ngày, em gửi chị ba trăm, đủ nhé!”.
Bà Hồng không trả lời mà lúi húi bấm điện thoại kiểm tra một lúc rồi mới ngước lên nhận tiền và nói: “Ca này làm bảy ngày, có dư hơn phải không? Mai vô ca tiếp”. Sau khi chị H. đóng tiền xong, đến lượt tôi cũng bị yêu cầu đóng thêm 100.000đ cho bà Hồng.
Trải chiếc chiếu nhỏ nằm sát bên chị H., tôi vừa định bắt chuyện thì lặng ngắt khi thấy chị đang bặm môi nén tiếng nấc, nắm chặt số tiền ít ỏi mà chị còn giữ lại được sau bảy ngày đêm làm việc. Sau một hồi trở người liên tục, chị H. quay sang tôi, giọng nghẹn đắng: “Ở đây họ tính tiền vậy đó. Chỉ trừ ngày đầu tiên (do tiền làm việc ngày đầu đã bị bà Sáu lấy - PV), còn lại mỗi ngày làm việc, mình phải đóng năm chục ngàn tiền cai. Chị làm bảy ngày thì tính sáu ngày, đóng ba trăm ngàn. Em làm ba ngày thì tính hai ngày, đóng một trăm ngàn. Cứ vậy mà tính, dần rồi sẽ quen”.
Nghe chị H. giải thích, tôi mới ngã ngửa, ngoài những khoản phí đã đóng trong ngày đầu, người chăm bệnh thuê phải đóng thêm 50.000đ/ngày cho bà Hồng. Hóa ra, tiền công ba ngày làm việc của mình coi như mất trắng. Ba ngày, lẽ ra tôi được lãnh 900.000đ, nhưng phải đóng 500.000đ tiền “giữ chân”, gồm 300.000đ tiền công ngày đầu bị bà Sáu “ăn chặn”, cộng thêm 100.000đ tiền “cai”. Như vậy, xem như tiền công 72 giờ làm việc liên tục của tôi đã bị nhóm của bà Hồng “nuốt trọn”.
|
Nhân viên Trang tiết lộ mình đã bắt đầu “làm ăn” với bà Hồng hơn một năm nay |
Tiếp xúc với chúng tôi, những người làm nghề chăm bệnh thuê có “thâm niên” cho biết, dưới sự bóc lột theo kiểu “hút máu” của nhóm bà Hồng, muốn có tiền, người chăm bệnh thuê chỉ còn trông chờ vào những ca làm việc dài ngày. Nhưng, số ca dài rất ít, vì bệnh nhân thường chỉ cần thuê người chăm bệnh trong tầm hai-bảy ngày. Hiếm hoi lắm mới có ca theo bệnh nhân về nhà, nhưng người thuê lại đòi hỏi người nuôi bệnh phải có giấy tờ tùy thân.
Tiền công 300.000đ/ngày nghe có vẻ cao, nhưng thực ra người chăm bệnh thuê phải làm việc liên tục 24 giờ/ngày, tính ra mỗi giờ chỉ được trả 12.500đ. Trong khi đó, hiện nay, một người giúp việc bình thường ở nhà đã được trả từ 50.000 - 70.000đ/giờ. Mức tiền công đã rẻ mạt, người nuôi bệnh thuê còn phải “cống nộp” đủ khoản cho các “cai đầu dài” nên tính ra mỗi tháng, không đủ tiền mua cơm.
Trong lúc tôi còn đang nhẩm tính về những khoản tiền công đã bị bóc lột thì chị H. lại cung cấp một thông tin khiến tôi choáng váng: “Vào ca mới, em cũng phải mất tiền ngày công đầu đó”. Tôi sửng sốt, liền bật dậy, đi tìm bà Hồng, hỏi cho ra lẽ. “Đúng rồi. Ai cũng vậy hết em” - bà Hồng cười nhạt.
Tôi hỏi dò: “Nếu em tự bắt ca cho mình thì sao chị? Em thấy có bệnh nhân kêu em qua chăm giùm ổng”. Giọng bà Hồng bất ngờ đanh lại: “Mày giỏi thì mày tự bắt đi”. Chứng kiến cảnh này, bà Sáu nhìn tôi, cười khẩy: “Ai cho mày bắt ca? Người ta tìm được ca cho mày thì mày phải để cho người ta được tiền với chứ”. “Người ta là ai cô?” - tôi cố hỏi. Bà Sáu không đáp.
Chờ tôi nằm xuống, chị H. thì thầm: “Thường thì bọn chị không dám nói tiền đó dành cho ai đâu. Nói ra lùm xùm mệt lắm. Làm lâu thì rõ thôi. Nhưng chị nói để em khỏi thắc mắc. Tiền đó gọi là phí bắt ca. Nếu bà Sáu tự bắt ca cho bọn mình thì bả hưởng, nhưng bả ít khi làm được, mà đa số là người của BV bắt giùm”.
Vậy, 300.000đ tiền công ngày đầu của tôi thuộc về bà Sáu hay “người của BV”? Tôi thiếp đi trong câu hỏi này. Nửa tiếng sau, tôi tỉnh giấc bởi một cú đạp vào chân. Giọng bà Sáu vang vang: “Có ca, theo tao”. Tôi theo bà Sáu. Dọc đường, tôi hỏi: “Ủa có phải ba trăm ngàn ca trước của con, là cô nhận không cô?”.
Bà Sáu bực bội: “Sao mày hay hỏi quá. Tao có bắt ca đó cho mày đâu. Con Trang bắt nên nó lấy đó”. Tôi nhớ ra, Trang chính là người mà chúng tôi đã gặp ở khoa Nội thận miễn dịch ghép - người mà bá Sáu đã to nhỏ trước khi đưa tôi đi nhận ca đầu.
|
Người chăm bệnh thuê đóng tiền “cai” cho bà trùm ở lầu 3 - khu A BV 115 |
Lên đến khoa Cấp cứu - Bệnh nặng, thấy bà Sáu và tôi, một nhân viên tạp vụ của BV tên Út chạy lại, giục: “Nhanh lên!”. Bà Sáu thấy vậy, bỏ đi. Bà Út nắm tay tôi vào tận giường bệnh. Trong vài bước chân, Út dặn nhỏ: “Vô ca là em nhớ lấy luôn tiền ngày công đầu”. Đã biết rõ “luật”, nhưng việc bà Sáu bỏ đi cùng lời của tạp vụ Út bỗng dưng khiến tôi… hí hửng, tin rằng ngày công đầu của ca này sẽ thuộc về mình.
“Coi chừng họ tát vỡ mặt”
Tôi nhận 300.000đ từ người thuê, cho vào túi trong sự chứng kiến của bà Út. Suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, bận bịu việc riêng, thỉnh thoảng Út chạy lại chỗ tôi, mỉm cười: “Bà (bệnh nhân mà tôi đang chăm - PV) ngủ rồi. Em có muốn ra cổng xin cơm ăn hay đi đâu một chút thì đi đi”.
Ít phút sau, tôi đi ra phía sau phòng bệnh, bất ngờ Út lao theo, nói gấp: “Em đưa cho chị ba trăm ngàn ngày công đầu”. Tôi vờ trố mắt: “Là sao chị? Lẽ ra em đưa cho chị Hồng hay bà Sáu chứ? Em đâu biết chị là ai mà đưa?”. Út tỏ vẻ khó chịu: “Giữa em với Hồng sao chị không biết, nhưng theo quy định, chị là người bắt ca cho em thì em phải đóng cho chị ba trăm ngàn ngày công đầu”.
Tôi tiếp tục vờ không biết việc đưa tiền cho Út có đúng “quy định” không, nên yêu cầu Út gọi cho bà Hồng “xác minh”. Qua điện thoại, bà Hồng yêu cầu tôi đưa 300.000đ cho Út: “Nó bắt ca cho mày đó, đưa tiền cho nó đi”. Tôi trở về phòng bệnh, chứng kiến một bệnh nhân khác không có thân nhân bên cạnh đang lên cơn “khó ở”, tôi vội tiến đến giúp đỡ.
Nhưng khi tôi chỉ mới đỡ bệnh nhân này dậy thì chị Th. - người làm nghề chăm bệnh thuê cùng phòng với tôi - chạy đến, hùng hổ chỉ mặt tôi nói: “Đừng. Coi chừng họ tát vỡ mặt. Ở đây, khắp BV này đều có tai mắt của họ. Mình chỉ được phép chăm bệnh nhân của mình thôi, người khác không được giúp gì cả. Đó là luật…”.
Tôi bắt đầu hiểu, họ ở đây chính là những người trong băng nhóm của bà Hồng. Sở dĩ họ không cho chúng tôi chăm giúp người bệnh khác là để thân nhân người bệnh thấy cần phải thuê người chăm. Như vậy, nhóm bà Hồng mới có thể thu tiền. Những cảnh báo của chị Th. khiến suốt ngày hôm đó, dù nhiều bệnh nhân trong phòng cần sự giúp đỡ, tôi cũng đành vờ như không biết.
Ngày 30/3, trong lúc tranh thủ ra ngoài cổng xin cơm từ thiện, tôi bắt gặp nhân viên làm tạp vụ tên Trúc đang to nhỏ với người nhà một bệnh nhân đang có nhu cầu thuê người. Tin rằng Trúc cũng không nằm ngoài đường dây “cai” người chăm bệnh thuê, tôi làm một phép thử. Tôi tự giới thiệu “thân phận” mình, sau đó hỏi Trúc: “Chị ơi, em đang nuôi một cô ở trong kia, ngày mai xuống ca, em qua làm cho người khác vì họ muốn thuê em, vậy thì có mất tiền không?”.
Kéo tôi vào tận… nhà vệ sinh, Trúc thì thầm: “Mất chớ, em tự bắt ca khác thì cũng phải mất ba trăm ngàn ngày công đầu, đó là quy định”. “Mất cho ai chị?” - tôi hỏi. “Bà Hồng chứ ai” - Trúc đáp. Tôi tiếp tục: “Nhưng em tự bắt ca, tự làm, không thông báo cho ai”. Trúc nhìn tôi, ngỡ ngàng: “Bả (ý chỉ bà Hồng - PV) mà biết, bả đánh mày đó, đừng giỡn mặt. Bả cho mày về quê luôn đó”.
Tôi lại vờ than các khoản phí phải đóng quá nhiều, ngoài 500.000đ thế chân, ngày công đầu mất thêm 300.000đ, lại còn phải đóng mỗi ngày 50.000đ cho bà Hồng, Trúc ra chiều thông cảm: “Luật ở đây hồi nào giờ vậy rồi!”.
Cùng thời điểm này, tôi bất ngờ gặp lại bà Trang - nhân viên tạp vụ ở khoa Nội thận miễn dịch ghép mà bà Sáu khẳng định là người đã “ăn” 300.000đ trong ca đầu của tôi. Trao đổi với tôi, Trang cho biết, mình đã bắt đầu “làm ăn” với bà Hồng từ hơn một năm nay. Theo luật, mỗi lần Trang giới thiệu người có nhu cầu chăm bệnh cho bà Hồng thì Trang được 300.000đ, bằng đúng tiền công một ngày làm việc của người chăm bệnh thuê.
Nhân viên Trang cũng tiết lộ, do việc “giới thiệu” có thu nhập khá cao nên rất nhiều nhân viên làm ở BV tham gia giới thiệu. Việc “ăn chia” diễn ra khép kín, rất ít người biết.
Từ những tiết lộ của các nhân viên BV, chúng tôi đã phần nào hình dung được đường dây và những mối quan hệ chồng chéo của nhóm bà Hồng trong BV. Nhờ sự dắt mối của nhân viên trong BV, có sự ăn chia nên đường dây của bà Hồng mới dễ dàng “làm ăn” trên mồ hôi, nước mắt của người chăm bệnh thuê như vậy.
Nhóm Phóng Viên
Bài 3: “Chợ người” công khai trước cổng bệnh viện
Nhiều nạn nhân của “cai đầu dài” tố giác vụ việc đến báo Phụ Nữ: sau khi bài đầu tiên trong loạt bài “Ai đứng sau đường dây “hút máu” người nuôi bệnh thuê?” được đăng tải, nhiều người nuôi bệnh thuê đã gọi điện đến đường dây khẩn báo Phụ Nữ phản ánh, từng bị nhóm người trong đường dây của “bà trùm” Hồng bóc lột, đánh đập.
Những ai từng bị nhóm người của bà Hồng bóc lột, đánh đập, hãy mạnh dạn phản ánh với chúng tôi qua đường dây khẩn 0966.18.27.27, 0913.15.93.15 hoặc liên hệ trực tiếp đến tòa soạn báo Phụ Nữ.
Thông tin của quý bạn đọc sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng điều tra, xác minh, lập hồ sơ, xử lý nhóm “cai đầu dài” chuyên “hút máu” người nuôi bệnh thuê này.
Báo Phụ Nữ
|