PNO - Theo điều tra của giới chuyên môn, TQ là quốc gia có tỷ lệ hiến tạng ở mức thấp nhất thế giới (0,6/1 triệu người) nhưng mười năm qua, nước này lại nhanh chóng vươn lên hàng đầu trong lĩnh vực cấy ghép tạng.
Tại hội nghị lần thứ 26 của Hiệp hội Cấy ghép (The Transplantation Society - TTS), vừa diễn ra ở Hồng Kông (Trung Quốc - TQ), nhiều bác sĩ (BS) có tầm ảnh hưởng lớn đến ngành phẫu thuật cấy ghép thế giới đã khiến các giới chức TQ bẽ bàng khi vạch trần sự dối trá, nhẫn tâm từ tệ nạn cướp nội tạng ẩn náu dưới vỏ bọc “tầm cao mới” của công nghệ cấy ghép mà TQ ngợi ca và xem là thành tựu y học.
Một hội nghị lớn như thế nhưng đã xảy ra một vụ việc ấu trĩ lạ thường. Theo chương trình, BS phẫu thuật Zheng Shusen có bài tham luận chủ đề “Hoạt động ghép gan ở TQ trong kỷ nguyên mới”. Các chuyên gia uy tín đã yêu cầu hủy tham luận này vì không muốn nghe một kẻ mang tiếng là dối trá, trơ trẽn. Không được mời lên phát biểu, nhưng ông Zheng Shusen vẫn thản nhiên “cướp" micro thuyết trình. Ông Jeremy Chapman, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép, phụ trách nội dung khoa học tại hội nghị tức giận cảnh cáo ông Zheng Shusen không bao giờ được hiện diện tại hội nghị cấy ghép nào nữa.
Cậu bé sáu tuổi bị móc mắt ở Sơn Tây (Trung Quốc) - Ảnh: DAILY MAIL
Từng là những nhà khoa học tin tưởng vào cái gọi là sự cải cách hệ thống ghép tạng tại TQ nhưng ông Jeremy Chapman và ông Philip O’Connel - Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép đều nhận ra sự gian dối có tổ chức phía sau hoạt động cấy ghép nội tạng của TQ vì chứng cứ tố cáo đổ về từ khắp nơi. Một ngày trước “sự cố” trên, TQ vẫn vỗ ngực tự hào về thành tựu trong cấy ghép nội tạng. Họ phớt lờ sự chỉ trích của các nhà khoa học, các BS có lương tri trên thế giới. Chính sự cứng rắn của các nhà khoa học tại hội nghị lần này là cú đánh mạnh vào tham vọng trục lợi một cách bất nhân không ít người TQ đang theo đuổi. Khi những lùm xùm tại hội nghị được báo chí nhắc đến, các BS lâm sàng tại Viện Nghiên cứu y học Westmead ở Sydney (Australia) cũng đã đồng loạt lên tiếng phê bình TQ.
Theo điều tra của giới chuyên môn, TQ là quốc gia có tỷ lệ hiến tạng ở mức thấp nhất thế giới (0,6/1 triệu người) nhưng mười năm qua, nước này lại nhanh chóng vươn lên hàng đầu trong lĩnh vực cấy ghép tạng. Nguồn cấy ghép từ đâu? Đó là câu hỏi lớn, dẫn đến nhiều cuộc điều tra vén lên tấm màn bí mật về một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Số ca ghép thận tăng quá nhanh so với tiến bộ y khoa tương ứng TQ đạt được. Hơn nữa, quy trình tìm nội tạng tương thích diễn ra cấp kỳ, có thể nói hễ tìm là được ngay. Theo Trung tâm Hỗ trợ cấy ghép quốc tế TQ (CITAC), một trường hợp cần cấy ghép chỉ chờ từ một tuần đến một tháng sẽ có được nguồn hiến tạng. Trong khi đó, ở Mỹ, thời gian này lên đến 3,5 năm. Đó là một bất thường khiến ngày càng nhiều quốc gia lên án hành động tội ác ở TQ.
Tháng Sáu vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết 343 lên án hoạt động “thu hoạch” nội tạng bằng biện pháp cưỡng bức do Chính phủ TQ ngấm ngầm bảo hộ. Động thái của Mỹ cho thấy, sai phạm không dừng ở cá nhân mà đã là trách nhiệm của một quốc gia. Theo bài viết trên tạp chí y khoa quốc tế uy tín Lancet, hoạt động cấy ghép tạng của TQ tăng bất thường những năm gần đây. Đáng chú ý, năm 2004 ghi nhận được 13.000 ca cấy ghép.
Từ năm 1984, Trung Quốc ban hành luật hợp pháp hóa việc lấy nội tạng từ tử tù với sự đồng ý của gia đình hoặc tử tù không có thân nhân. Do không có cơ chế giám sát minh bạch, không ít trường hợp đã bị lấy nội tạng mà người thân không hề hay biết, hoặc không chấp thuận. Năm 2001, BS Vương Quốc Kỳ đã can đảm bước khỏi vùng tối, phơi bày sự thật về việc thu hoạch nội tạng của tù nhân bị hành quyết dù gia đình họ không đồng ý. Ông từng tham gia 100 trường hợp như vậy, trong đó có chuyện hy hữu là tử tù bị cướp nội tạng cả khi còn thở. Dĩ nhiên, chính phủ TQ phủ nhận nhưng bốn năm sau, chính lãnh đạo ngành y nước này thừa nhận 95% tạng ghép là từ tù nhân.
Năm 2013, TQ tuyên bố bắt đầu thực hiện từng bước việc ngưng lấy nội tạng của tử tù để cấy ghép cho người bệnh. Không ai biết quy trình từng bước nói trên được cụ thể hóa thế nào. Tháng 1/2015, TQ tuyên bố đã chấm dứt tình trạng sử dụng nội tạng của tử tù. Tuy nhiên, nhiều BS nước ngoài làm việc tại TQ cho rằng, vẫn còn nhiều khuất tất trong các khâu và không ai chắc chắn là không còn những trường hợp “lọt sổ”. Ngày 27/8 vừa qua, truyền thông Canada đưa tin một bệnh nhân nước này được cấy ghép thận chỉ sau ba ngày chờ đợi trong chuyến du lịch đến TQ. Hiệp hội Cấy ghép Montreal (Canada) khuyến cáo công dân nước mình cảnh giác với nguy cơ nhận nội tạng từ tử tù, và đặc biệt nhấn mạnh tính phi đạo đức của hoạt động trên.
Năm 2015, ở TQ có 300.000 người cần nội tạng để ghép. Cung không đủ cầu khiến nội tạng trở thành “món hàng” kinh doanh béo bở. Một thanh niên 21 tuổi người TQ kể lại câu chuyện bán thận để trả nợ cờ bạc khiến không ít người rùng mì nh. Anh chấp nhận bán một quả thận với giá 7.000 USD. Anh được bịt mắt, chở đến một cơ sở y tế “chui” có đầy đủ BS, y tá. Tỉnh lại sau khi được gây mê, anh thấy một vết thương ở bụng và biết mình vĩnh viễn mất đi một phần cơ thể. Quả thận của anh được bán cho người nhận khoảng 60.000 USD.
Giá đắt nhất là phổi, khoảng 170.000 USD, tim là 160.000 USD, gan là 130.000 USD. Chợ đen nội tạng ở TQ diễn ra sôi nổi như thế trước mắt nhà chức trách. Năm 2015, thế giới bàng hoàng khi thấy hình ảnh một bé trai sáu tuổi (sống ở Sơn Tây) hai mắt được băng kín vì bị bọn buôn bán nội tạng tấn công, móc mắt đem bán. Bố mẹ em phát hiện con mình mất tích khi chơi trước nhà, đến khi tìm thấy thì cậu bé đã không còn đôi mắt.
Thế giới ghê sợ tội ác tày trời diễn ra ở TQ. Đây không còn là chuyện của cá nhân, tổ chức mà là trách nhiệm của một quốc gia. Chính lương tri của các nhà quản lý tại TQ mới quyết định khi nào tội ác này kết thúc.
Thiên Như (Theo Epoch Times, SBS, ctvnews.ca, Daily Mail)
Ngày 25/12, một máy bay chở khách của hãng hàng không Azerbaijan Airlines chở 67 người đã bị rơi ở miền tây Kazakhstan sau khi bay chệch khỏi lộ trình đã định.