LTS: “Lương cao, việc nhẹ” như miếng bánh lửng lơ đánh trúng giấc mơ mưu sinh của bao người. Chuyến xe xuyên đêm đưa họ đến miền đất hứa không như lời hứa, mà ném họ vào “cối xay thịt” với bao chiêu trò bóc lột tinh vi, man rợ. Chiếc vé khứ hồi để thoát khỏi "địa ngục trần gian" với họ, là chuyện trong mơ, mà có tìm được lối về thì phải... chuộc thân, chuyện như xảy ra thời “trong trường dạ tối tăm trời đất” chứ không phải ở thế kỷ này...
Chiêu trò cũ, các mánh khóe không mới, nhưng tiếng kêu bị lừa lọc, nhục hình vẫn chưa biết bao giờ mới kết thúc từ các trung tâm môi giới lao động trá hình nhan nhản trên mạng. Loạt bài điều tra của phóng viên Báo Phụ Nữ hé lộ một trong những đường dây này ở Lâm Đồng…
|
Đọc một mẩu tin trên mạng với quảng cáo “việc nhẹ, lương cao”, T.T.T.V. - sinh viên năm thứ hai một trường đại học tại TP.HCM - đã liên hệ với người tuyển dụng để được nhận việc tại tỉnh Lâm Đồng.
Không ngờ, cô cùng hàng trăm lao động khác bị ép làm con nợ cho công ty môi giới lao động với khoản tiền nợ 2,6 triệu đồng; muốn trả hết nợ, họ phải làm việc nặng nhọc, quần quật cho đến hết hợp đồng, hoặc phải gọi người nhà đóng tiền chuộc mình ra. Sau nhiều ngày làm việc kiệt sức, V. đành phải băng núi, trốn chạy giữa đêm mưa.
|
V. kể lại quá trình đi “lao động khổ sai” |
Sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”
Cô gái có dáng người nhỏ thó, khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng tìm đến Báo Phụ Nữ TP.HCM vào một ngày cuối tháng 9/2017, vẻ mặt chưa hết thất thần. Giọng đứt quãng, cô kể: “Bây giờ, tôi vẫn không biết mình đã an toàn chưa, liệu có bị họ tìm ra và buộc tôi phải trả số nợ ở đâu rớt xuống đời mình?”.
Do hoàn cảnh, nữ sinh viên T.T.T.V., quê ở TP.Cần Thơ, phải bảo lưu kết quả năm học để tìm kiếm việc làm. Ngày 4/9, V. lên mạng, thấy có thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” ở tỉnh Lâm Đồng. Liên hệ với người đăng thông tin tên Dương Văn Tuấn, V. được biết, công việc của cô là hái dâu tây cho một nhà vườn ngay tại TP.Đà Lạt, mỗi ngày làm 8 tiếng, được bao ăn ở với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng.
Thậm chí, chi phí từ TP.HCM lên Đà Lạt, phía Tuấn cũng “lo hết”. Theo chỉ dẫn của Tuấn, sáng 5/9, V. đến chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) để được “xe công ty” đưa lên Đà Lạt. Không mảy may hoài nghi, từ 8h sáng, V. đã có mặt ở điểm hẹn để chờ xe. Mòn mỏi chờ đợi, liên tục gọi cho Tuấn, V. chỉ nhận được câu trả lời: “Em chờ đi, xe sẽ đón em mà. Yên tâm!”. Chờ đến 14 giờ, V. mới nhìn thấy chiếc xe dán bảng hiệu Hòa Bình đúng như mô tả của Tuấn xuất hiện.
Người phụ xe hỏi “có phải đi làm không”, rồi nhảy phóc xuống, “lùa” V. lên xe. Trên xe, không có ai tên Tuấn. Nhìn xung quanh, thấy nhiều người cũng ngơ ngác, V. hỏi dò, mới biết trên xe cũng có một vài người được tuyển dụng như mình, cũng gọi đến số điện thoại của người đàn ông tên Tuấn nhưng lại nhận việc đi trồng nấm, trồng hoa.
|
Vườn dâu Phương Hà nằm dưới thung lũng - nơi V. làm việc từ 6 giờ sáng đến 18 giờ |
Sau khoảng 8 tiếng đồng hồ, chiếc xe đưa V. và những người “đồng cảnh ngộ” dừng lại ở thị trấn Nam Ban (H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Các lao động (LĐ) chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì lập tức có vài người tự giới thiệu là nhân viên của Công ty TNHH Giới thiệu việc làm và cung ứng lao động Tâm Đức Lộc (gọi tắt là CT Tâm Đức Lộc) xuất hiện.
Họ cho biết có nhiệm vụ đón lao động và giúp thanh toán mọi chi phí đi lại, ăn uống dọc đường cho chủ xe. Sau đó, V. cùng những người xin việc khác được đưa về CT Tâm Đức Lộc để nghỉ ngơi qua đêm.
V. thắc mắc vì sao ban đầu được giới thiệu lên Đà Lạt làm việc, nay lại đưa đến Lâm Hà thì đại diện CT Tâm Đức Lộc bảo cứ qua đêm ở đây, ngày mai mới nhận việc. ”Nói là nghỉ đêm, nhưng tất cả chúng tôi đều kinh hãi khi bị đưa vào một căn phòng ẩm thấp nằm ngay phía sau CT. Theo họ, đây là khu nghỉ tạm cho người LĐ, có camera giám sát. Sau khi yêu cầu chúng tôi đưa chứng minh nhân dân, họ liền khóa trái cửa. Họ còn yêu cầu không được gọi cửa, đến sáng họ sẽ mở cửa cho ra rồi nhận việc, đi làm” - V. kể.
6h sáng 6/9, nhân viên CT Tâm Đức Lộc mở cửa. Bất chấp vẻ mệt mỏi, hoang mang của các LĐ, người này yêu cầu các LĐ lên CT để được “tư vấn” việc làm. Ngay tại đây, ai nấy đều bất ngờ khi được thông báo: mỗi người đang mắc nợ CT Tâm Đức Lộc số tiền 1,8 triệu đồng (gồm chi phí đi lại, ăn ở và môi giới việc làm).
“Ai muốn tiếp tục đi làm thì nợ cứ để đó, CT sẽ sắp xếp chỗ làm; còn ai không muốn làm thì thanh toán lại cho CT 1,8 triệu đồng” - một nhân viên của CT Tâm Đức Lộc dõng dạc. Mọi người đều há hốc với khoản nợ từ trên trời rơi xuống, có người thắc mắc nhưng chỉ được trả lời rằng “đó là quy định chung của CT".
Biết mình bị lừa, song không có tiền trả nợ, không còn đường lui, V. và các LĐ khác buộc phải chọn việc làm theo sự sắp xếp, môi giới của CT Tâm Đức Lộc. Tuy nhiên, V. cùng các LĐ đi cùng không được làm đúng công việc mình đã chọn mà buộc phải làm một trong số các công việc LĐ phổ thông do CT đưa ra với mức lương chỉ 3,5 triệu đồng/tháng. “Những người từng nhận việc hái chè, trồng nấm thì bị đưa đi làm bún, làm vườn, chăn bò, còn tôi xin hái dâu tây thì buộc phải nhận việc ở một vườn ươm” - V. cho biết.
|
Trụ sở công ty Tâm Đức Lộc |
Thế nhưng, ngay khi V. cùng các LĐ đồng ý với công việc bị áp đặt, CT Tâm Đức Lộc tiếp tục đưa ra một bản hợp đồng mà để “được” đi làm, người LĐ phải chịu thêm mức phí 800.000 đồng. Nếu người LĐ làm việc hết hợp đồng với chủ vườn thì chủ vườn sẽ trả khoản này, còn nếu bỏ ngang, khoản nợ này sẽ cộng thêm cùng với 1,8 triệu đồng cho người LĐ.
Trốn chạy trong mưa lúc 3 giờ sáng
Không còn lựa chọn, V. đặt bút ký hợp đồng. Sau đó, cô được đưa đến Trung tâm ươm giống cây trồng Lực Nam Ban làm việc. Tại đây, mỗi ngày, V. phải cho đất vào bịch với số lượng đúng 1.000 bịch mới được tính một ngày công; do đó, dù theo hợp đồng, V. chỉ làm việc 8 giờ/ngày nhưng thực tế, cô phải làm việc không ngơi tay, kéo dài từ 6h sáng đến 18h30. Không chỉ vậy, trong quá trình làm việc tại vườn ươm, cô còn bắt gặp cảnh chủ vườn quát mắng và đánh đập người LĐ do làm việc không đạt năng suất.
Sau 5 ngày, toàn thân đau nhức, không thể tiếp tục làm việc ở vườn ươm, V. xin chủ cho nghỉ thì được người này đưa trở lại CT Tâm Đức Lộc. Sau khi tính toán, người chủ đồng ý trả cho V. 250.000 đồng/5 ngày công làm việc. Nhưng, hiển nhiên V. không được nhận đồng nào mà bị trừ vào khoản nợ 2,6 triệu đồng mà CT đã ấn định trước đó. CT Tâm Đức Lộc đồng ý nhận lại V. và trả cho người chủ số tiền 2,3 triệu đồng (sau khi trừ 5 ngày công trong 2,6 triệu đồng mà người chủ này đã bỏ ra để “mua” V. từ CT Tâm Đức Lộc).
Lúc này, V. trở lại là “con nợ” của CT Tâm Đức Lộc. Nếu muốn “tự mua mình”, V. phải thanh toán lại cho CT 2,3 triệu đồng; ngược lại, cô sẽ tiếp tục được CT bố trí cho việc làm khác. Không có tiền “tự mua mình”, V. đành lòng nghe theo sự sắp xếp của CT, về làm việc ở vườn dâu Phương Hà (xã Đạ Sar, H.Lạc Dương).
Vườn dâu Phương Hà nằm dưới một thung lũng. Con đường ngoằn ngoèo, dựng đứng đổ từ quốc lộ 723 xuống thung lũng dài 300m như một vách ngăn những người làm việc tại vườn dâu với thế giới bên ngoài. Thời điểm V. làm việc, vườn dâu này còn có 6 - 7 LĐ khác, hầu hết đều là phụ nữ ở các tỉnh được chủ vườn “mua” thông qua các CT giới thiệu việc làm. Cũng như họ, V. phải làm việc từ 6h đến hơn 18h (buổi trưa được nghỉ 1 giờ để ăn cơm) trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.
“Nắng hay mưa, chúng tôi đều phải làm việc từ tinh mơ đến tối mịt. Nhiều chị em không làm nổi nhưng họ bảo không có tiền tự chuộc mình, đành phải cắn răng ở lại làm việc cho đến hết hợp đồng đã ký với chủ vườn. Qua tìm hiểu, tôi biết được, vườn dâu Phương Hà có nhiều LĐ là người dân tộc thiểu số, chưa đủ 18 tuổi” - V. nhớ lại.
Tại vườn dâu Phương Hà, người LĐ không được ra ngoài dù chỉ để mua vài vật dụng cá nhân, đổ bệnh cũng không được cho nghỉ. Sau 5 ngày, V. kiệt sức. Bất chấp khoản nợ cùng những giấy tờ tùy thân đang bị chủ vườn dâu giữ, V. nghĩ đến một kế hoạch tháo chạy.
Đêm 17/9, V. thức trắng chờ cơ hội trốn thoát. Đến 3h sáng, khi mọi người đang say giấc, mặc cho bên ngoài trời đang mưa nặng hạt, V. lén dậy, nín thở dò đường vượt dốc từ thung lũng lên quốc lộ.
Phần vì đồi núi hoang vắng, phần do sợ chủ phát hiện, V. chỉ biết đứng nấp trong bụi rậm, chờ xe tải chạy ngang, xin quá giang. Cuối cùng, một tài xế xe dừng lại hỏi thăm, V. bật khóc kể lại sự tình, được tài xế đồng ý chở về TP.Đà Lạt. Sau đó, một người tốt bụng cho tiền V. đón xe về TP.HCM. “Dù đã trốn thoát, tôi vẫn luôn thấy bất an vì khoản nợ còn đó” - V. lo lắng.
Hiện tại, V. cho biết đang tích cực tìm việc, gom đủ tiền để trở lại TP.Đà Lạt “chuộc mình”, gồm giấy tờ tùy thân, điện thoại cùng khoản tiền 2,3 triệu đồng nợ chủ vườn dâu Phương Hà - cơ sở đã “mua” cô từ CT Tâm Đức Lộc. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của V., phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã thâm nhập đường dây môi giới LĐ. Toàn bộ chiêu trò lừa đảo cũng như các phận người LĐ cùng khổ sẽ được chúng tôi đăng tải trong các bài viết tiếp theo.
Nhiều trường hợp bị lừa
Ngoài trường hợp của V., một số LĐ đã đăng tải lên mạng xã hội thông tin tố cáo hoạt động lừa tuyển dụng LĐ có liên quan đến CT Tâm Đức Lộc. Một người tên T.L. (ngụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kể, tháng 6/2017, anh lên mạng ứng tuyển công việc làm hoa với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sau đó, anh bị đưa vào CT Tâm Đức Lộc và bị buộc đi làm cho nhà vườn với mức lương chỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Không chịu nổi công việc nặng nhọc, anh L. phải gọi điện cho người nhà mang tiền lên chuộc về. Ngay sau khi anh L. đăng tải thông tin, hàng chục tài khoản khác cũng bình luận (comment) cho biết, mình đã bị lừa với chiêu trò như trên
Sự trải rộng của những cánh đồng chè, vườn cà phê, tiêu, điều cùng hàng ngàn vườn dâu tít tắp… biến Lâm Đồng trở thành “miền đất hứa” cho lao động nhập cư. Nhu cầu tuyển người làm công ngày càng cao dẫn đến sự nở rộ của các trung tâm môi giới việc làm “vàng thau lẫn lộn”, với không ít đường dây lừa đảo, áp dụng những chiêu trò tinh vi và những “lò” sử dụng lao động theo kiểu “cầm cố và bóc lột”.
|
Nhóm phóng viên
Bài 2: Chuyến xe bí ẩn