Tại TP.HCM, dòng người được các công ty môi giới chuyển lên Lâm Đồng lũ lượt mỗi ngày. Còn tại Lâm Đồng, các chủ vườn tha hồ “sang tay” lao động giá rẻ.
|
Hai người lao động bị người đàn ông tên Nghĩa lừa từ Sài Gòn lên giao cho Công ty Đức Hoàng |
Những cuộc ngã giá
Sau khi thông báo khoản nợ mà chúng tôi phải trả, Lãng - nhân viên tư vấn Công ty (CT) Tâm Đức Lộc (tên đầy đủ là Công ty TNHH giới thiệu việc làm (GTVL) và cung ứng lao động Tâm Đức Lộc, đóng tại thị trấn Nam Ban, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vội vã lật cuốn sổ dày cộm ghi chi chít thông tin gồm số điện thoại, địa chỉ, công việc mà các chủ vườn đang cần.
Lãng quay sang tôi nói: “Mùa này chỉ có đi hái cà phê thôi nhé! Mà có vác nổi 50kg không?”. Tôi lắc. Lãng cáu: “Thanh niên mà vác không nổi 50kg thì làm gì ăn? Lên đây là làm việc, lương 3-4 triệu đồng không phải đi chơi đâu. Bây giờ có vài chỗ cần người, gọi được chỗ nào là đi chỗ đó”.
Nói rồi, Lãng móc điện thoại gọi cho ai đó: “Hôm nay chỗ con mới lên một thằng cao to, dân Quảng Ngãi nè cô”. Tôi loáng thoáng nghe đầu dây bên kia giọng một phụ nữ người Bắc: “Nhắm nó có làm được không? Phải ứng bao nhiêu vậy?”. Lãng đáp: “Tổng có 2,3 triệu đồng thôi, bằng hôm trước. Cô chờ dân miền Trung, nó người Quảng Ngãi nên con gọi cho cô”. Người phụ nữ đồng ý, đề nghị “phỏng vấn” tôi qua điện thoại.
Đưa điện thoại cho tôi, Lãng dặn như ra lệnh: “Nhớ là nói biết làm vườn, chịu cực quen rồi nhé”. Qua điện thoại, người phụ nữ yêu cầu chúng tôi phải làm rất nhiều việc ở vườn cà phê, sống luôn trong rẫy để canh giữ vườn. Hằng ngày, bà sẽ mang thức ăn vào để chúng tôi tự nấu. Thấy mức lương không thỏa đáng, tôi từ chối. Lãng nghe vậy, gắt: “Chỗ đó mà làm không được thì làm chỗ nào. Muốn chỗ khác thì làm một năm nhé?”.
|
Lãng - nhân viên của Công ty Tâm Đức Lộc thông báo khoản nợ “trên trời rơi xuống” với người lao động |
Không đợi tôi đáp, Lãng tiếp: “Đi làm lò bún”. Công việc ở lò bún khá nặng, người LĐ phải thức khuya, dậy sớm và mỗi ngày phải khuân vác hàng chục bao tải gạo, mỗi bao nặng 50kg mà lương cũng chỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Tôi lại từ chối bằng cách nhắc đến công việc đã thỏa thuận với người đàn ông tên Dương trước đó. Lãng bỗng nổi dóa, văng tục.
Lúc này, ông Quang - Giám đốc CT Tâm Đức Lộc - nhìn tôi, hằn học: “Lên đây là xác định phải đi làm, không thì ở nhà chơi với ba mẹ nhé”. Xong, ông Quang lệnh cho Lãng: “Mày tìm đại việc cho nó đi”. “Làm mộc” - Lãng nói trổng. Không còn lựa chọn khác, tôi đành nghe theo sự sắp xếp của họ…
Cũng như tôi, qua người đàn ông tên Dương, anh H. (29 tuổi) cùng vợ mình từ TP.HCM lên Lâm Đồng nhận việc “làm hoa, lương từ 6-8 triệu đồng/tháng”, để rồi khi lên đến CT Tâm Đức Lộc, họ dính bẫy nợ nần (tiền môi giới và tiền xe) do CT Tâm Đức Lộc giăng ra.
Sau đó, một phụ nữ cần người phụ xưởng mộc chấp nhận bỏ 2,8 triệu đồng chuộc anh H. về làm việc. Riêng vợ anh H. bị giữ lại để bố trí công việc khác. Thương vợ và sợ cảnh “chồng một nơi, vợ một ngả”, anh H. năn nỉ người chủ thuê bỏ thêm tiền để “chuộc” vợ anh về cùng làm việc với mình. “Tất cả mọi người đều là nạn nhân, chỉ có tiền mới cứu được người trong hoàn cảnh ấy” - bà N., người đã chuộc vợ chồng anh H., nói.
Hằng ngày, các cuộc ngã giá kiểu mua bán LĐ như vậy vẫn diễn ra tại CT Tâm Đức Lộc. Khoản “tiền ứng” mà nhân viên Lãng đặt ra với chủ vườn chẳng khác gì khoản tiền bán LĐ. Như chúng tôi, khi chưa nhận việc, đã buộc phải ký nợ 2,3 triệu đồng, gồm 1,5 triệu đồng “tạm ứng” và 800.000 đồng tiền “môi giới”. Chủ vườn nào muốn “mua” chúng tôi, phải bỏ ra số tiền tương ứng để thanh toán cho CT Tâm Đức Lộc. Bấy giờ, chúng tôi lại trở thành “con nợ” của chủ vườn, buộc phải làm hết hợp đồng cho chủ vườn hoặc cho đến khi trả đủ số tiền mà chủ vườn đã bỏ ra.
“Cò” miệt mài giăng bẫy, sang tay
Trong lúc các LĐ đang bị giữ tại các CT GTVL để “sang tay” cho chủ vườn thì tại TP.HCM, các “cò” LĐ lừa đảo vẫn rầm rộ tuyển dụng. Ngoài người đàn ông tên Dương chuyên lừa tuyển qua mạng để “bán” lại cho CT Tâm Đức Lộc, còn một “cò” khác là Nghĩa. Hằng ngày, ông Nghĩa thường rảo quanh khu vực Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân, TP.HCM) kiếm “mồi”. Các LĐ từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM tìm việc thường là con mồi béo bở của Nghĩa.
|
Trụ sở công ty Tâm Đức Lộc |
Cùng với Nghĩa, một phụ nữ tên Nguyệt, ngụ tại đường An Dương Vương, Q.6, TP.HCM cũng thường xuyên lừa tuyển LĐ đưa lên Lâm Đồng. Chính bà Nguyệt và ông Nghĩa đã cấu kết đưa Thọ (nhân vật trong bài viết trước) cùng nhiều LĐ khác lên CT TNHH Dịch vụ môi giới việc làm Đức Hoàng (xã N’Thol Hạ, H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) để ăn tiền môi giới. Khi “bán” Thọ, bà Nguyệt có đưa cho Thọ một danh thiếp ghi CT TNHH GTVL Khang Thịnh, dặn nếu người quen nào muốn đi làm “việc nhẹ lương cao” thì cứ gọi cho bà ta.
Được biết, sau khi bà Nguyệt “gài” được các LĐ “sập bẫy”, bà ta cũng sẽ “sang” lại cho ông Nghĩa. Sau đó, ông Nghĩa sẽ đưa các LĐ ra xe Hòa Bình đậu ở Cư xá Bắc Hải (Q.10), đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) hoặc chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức) để chở lên Lâm Đồng. Số LĐ do ông Nghĩa, bà Nguyệt “bẫy” sẽ được nhà xe Hòa Bình giao cho CT Đức Hoàng (H.Đức Trọng), còn của ông Dương sẽ giao cho CT Tâm Đức Lộc (H.Lâm Hà).
Ngày 9/10, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0121.656.23... của ông Nghĩa xin việc. Ông Nghĩa cũng dùng đúng “chiêu” chào mời đon đả, hứa đến đón, đưa ngay lên Lâm Đồng làm việc nhẹ, lương tháng 5-6 triệu đồng/tháng. Chúng tôi vờ hỏi về chi phí thì ông Nghĩa trấn an: “Anh giúp cho em tìm việc thôi chứ không lấy của em đồng nào cả”.
“Bắt” người làm với giá công rẻ mạt
Theo điều tra của chúng tôi, hằng ngày, nguồn LĐ được nhà xe Hòa Bình chở đến CT Tâm Đức Lộc và Đức Hoàng vào ba đợt: 6g, 16g, 20g. Khi chở một hành khách thông thường, nhà xe chỉ thu 170.000 đồng, nhưng khi chở các LĐ do “cò” giới thiệu, nhà xe được các CT GTVL trả đến 360.000 đồng/người (trong đó có tiền ăn 40.000 đồng). Như vậy, nhà xe này cũng là một mắt xích trong đường dây đẩy người LĐ vào cảnh khốn cùng.
|
Nhân viên nhà xe Hòa Bình lấy “lý lịch” của người lao động |
Tại hai CT GTVL nói trên lúc nào cũng tấp nập cảnh kẻ ra, người vào. Sau mỗi chuyến xe chở LĐ “cập bến”, đều có chủ vườn đến “xem mắt”, thuê về làm việc. Đối với những chủ vườn là “mối quen” cần nhiều LĐ, khi có “nguồn”, CT GTVL sẽ gọi điện, làm hợp đồng và chở LĐ đến tận nơi bàn giao. Với lượng LĐ hùng hậu mà các “cò” ở TP.HCM cung ứng, hai CT này đã kiếm được khoản lợi nhuận “khủng” từ việc “mua bán”, “sang tay” này.
Chưa nhận được việc làm, chúng tôi đã phải làm con nợ của Công ty Tâm Đức Lộc với khoản nợ 2,3 triệu đồng. Chủ vườn nào muốn “mua” chúng tôi, phải bỏ ra số tiền tương ứng cho Công ty Tâm Đức Lộc. Khi đó, chúng tôi lại trở thành “con nợ” của chủ vườn, và phải làm quần quật để trả nợ...
|
Theo nhiều chủ vườn, lực lượng LĐ nhập cư vào Lâm Đồng chiếm hơn 3/4 tổng số nhân công làm việc tại các nhà vườn. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhân công cũng có sẵn. Cao điểm mùa vụ như thu hoạch cà phê, dâu, chè… chủ vườn thường phải đăng ký thuê nhân công trước với các trung tâm GTVL. Ngoài yêu cầu về sức khỏe, giấy tờ tùy thân, chủ vườn nào cũng mong thuê được người làm công chịu khó, thật thà. Tuy nhiên, đối với các trung tâm và “cò” GTVL, chỉ cần người LĐ có giấy tờ tùy thân là tuyển.
Ngày 7/10, chúng tôi theo chân ông N.V.B. - một chủ vựa cà phê ở H.Đức Trọng - đến CT Đức Hoàng để thuê người LĐ. Ông B. không quá ngạc nhiên khi không tuyển được người. Tuy nhiên, nhân viên CT này ghi địa chỉ, số điện thoại ông B. vào sổ, hứa hẹn: “Ngày nào CT cũng có người LĐ. Có gì, chúng tôi gọi cho anh”. Ông B. hỏi giá thuê nhân công, nhân viên này cho biết: “Mức lương anh phải trả cho người làm, nam là 4 triệu đồng/tháng, nữ 3,5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở”.
Theo ông B., mức thu nhập như vậy là… rẻ mạt. Thực tế, nếu không thông qua công ty môi giới mà phải tự tìm người làm, các chủ vườn phải trả lương cho người LĐ ở mức cao hơn tùy vào tính chất công việc, trung bình 5-6 triệu đồng/LĐ nam/tháng, 4-5 triệu đồng/LĐ nữ/tháng. Nếu tính riêng từng ngày công, hiện tại mỗi LĐ nam được trả trung bình 220.000 đồng/ngày (8 giờ).
Không qua môi giới, người LĐ cũng được bao ăn ở và không phải gánh trên mình khoản nợ “trời ơi” nào từ đường dây môi giới LĐ. Việc “ép giá” người LĐ, về nguyên tắc, cả người thuê và CT môi giới đều có lợi, nhưng đây cũng là chiêu bài của các CT môi giới việc làm, bởi việc hạ giá tiền công sẽ giúp họ “bán” được nhiều LĐ hơn.
|
Công ty Đức Hoàng, điểm đến của Thọ và 5 lao động khác |
Ông B. hỏi về thủ tục thuê người, nhân viên CT Đức Hoàng đáp: “Bên CT em sẽ thu của chủ vườn 800.000 đồng gọi là phí môi giới LĐ, cộng với chi phí đi lại, ăn uống của người LĐ từ Sài Gòn lên hoặc từ ngoài Bắc, ngoài Trung vô là 1,25 triệu đồng/ người”.
Chúng tôi vờ thắc mắc: “Khoản này chủ vườn sẽ trừ lương người LĐ, nhưng nếu người LĐ không chịu thì sao?”. Nhân viên này mách: “Theo quy định, chủ vườn cứ trừ thẳng vào lương của người LĐ. Để chắc ăn, không sợ họ bỏ trốn, chủ vườn cứ thu giữ hết giấy tờ tùy thân, điện thoại của họ”.
Không thuê được người, ông B. ra về, nhân viên này dặn với theo: “Ngày mai, bên em có LĐ rồi, nếu anh thích xem người thì lên CT xem rồi “bắt” luôn. Còn không, bọn em sẽ gửi ô tô xuống giao cho anh”.
Trong quá trình điều tra về đường dây lừa đảo LĐ, số thuê bao 09863710... đính kèm trong các thông tin tuyển dụng lấy nhiều tên khác nhau như Dương, Tuấn cùng hàng loạt địa chỉ ở TP.HCM. Tuy nhiên, qua xác minh, các địa chỉ ở TP.HCM đều là giả, do đối tượng này dựng lên.
Trên thực tế, chủ thuê bao này chưa bao giờ xuất hiện mà chỉ “điều động” người LĐ ra điểm hẹn, sau đó “gửi” cho xe Hòa Bình chở lên giao lại cho CT Tâm Đức Lộc. Liệu có tồn tại người đàn ông giấu mặt kia, hay đây cũng chính là chiêu thức do CT này dựng lên để lừa đảo?
|
Nhóm phóng viên
(Còn tiếp)