Vắc xin Việt và nỗi lo thiếu tình nguyện viên thử nghiệm

17/09/2021 - 06:36

PNO - Với dự kiến vắc xin COVID-19 sẽ “ồ ạt” về vào cuối năm cùng với tốc độ bao phủ nhanh tại nhiều tỉnh, thành, hai loại vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam phải đối diện tình trạng thiếu tình nguyện cho giai đoạn “về đích”.

Khó tìm đủ tình nguyện viên giai đoạn 2 và 3

Ngày 10/9, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thông báo tuyển tình nguyện viên (TNV) tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 phòng COVID-19 giai đoạn 2 và 3a, cư trú tại Hà Nội.

Ở giai đoạn 2, vắc xin này sẽ được thử nghiệm trên 300 TNV, trong đó số lượng người tại Đại học Y là 150 người, còn lại được tiến hành tại Học viện Quân y. Khác với giai đoạn 1, số người đăng ký rất đông, tới giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu gặp khó khăn để có thể tập hợp đủ số người. 

TNV tham gia thử nghiệm lâm sàng phải là người chưa từng tiêm bất cứ loại vắc xin ngừa COVID-19 nào khác. Tuy nhiên, tại Hà Nội, với chiến dịch tiêm chủng “thần tốc”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết đã “trở tay không kịp”.

Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Thị Ngọc Mai, Trung tâm Dược lý lâm sàng (Trường đại học Y Hà Nội), chia sẻ ở giai đoạn 1 có khoảng 130 TNV đăng ký nhưng không đáp ứng. Khi triển khai giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu gọi điện thoại thì những người này đều thông báo đã tiêm vắc-xin COVID-19. Vấn đề này đặt ra thách thức rất lớn với việc thử nghiệm lâm sàng ARCT-154 tại giai đoạn 3 với tổng số TNV dự kiến lên tới 20.600 người, trong đó 600 TNV ở giai đoạn 3a.

Trước đây, giai đoạn 3a dự kiến sẽ vẫn triển khai tại Hà Nội, song với tình hình này thì phải chuyển hướng thực hiện ở tỉnh, thành khác. 

Tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 giai đoạn 1 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 giai đoạn 1 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nắm được vấn đề khó khăn này, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế), thông tin mới đây, bộ đã có văn bản cho phép triển khai cuốn chiếu giai đoạn 2 và 3 của vắc xin ARCT và đồng ý mở rộng địa bàn nghiên cứu ở khu vực phía Bắc (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên) và phía Nam (gồm Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Long An) để đảm bảo tiến độ.

Về vắc xin “made in Vietnam” COVIVAC, theo tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), do triển khai tại Thái Bình nên giai đoạn 2 không gặp khó khăn trong việc tuyển TNV.

Từ ngày 15/9, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi hai giai đoạn 2 cho hơn 300 người. Dù vậy, tiến sĩ Thái cũng đánh giá “viễn cảnh” khó khăn khi thử nghiệm giai đoạn 3 với dự kiến 4.000 TNV tham gia. Bởi từ nay tới cuối năm, vắc xin về Việt Nam sẽ nhiều hơn, bao phủ nhiều đối tượng. Ông nêu quan điểm, không thể tuyển TNV giai đoạn 3 quá sớm để “giữ chỗ”. Lý do, bên cạnh việc phải thực hiện theo đúng kế hoạch được phê duyệt, nếu trì hoãn thời gian tiêm chủng của TNV có thể khiến họ đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh. 

Về phương án nghiên cứu thử nghiệm vắc xin liên quốc gia, Viện trưởng IVAC khẳng định “ngoài tầm với” của đơn vị này. Cùng với khả năng kết nối, các điều kiện ràng buộc khắt khe thì kinh phí là một trong những vấn đề mà đơn vị này xác định không hướng tới. “Giải pháp trước mắt của chúng tôi là phải linh hoạt căn cứ vào tình hình thực tế, tìm kiếm các địa phương thực hiện thông qua khảo sát. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng hoàn thành sớm các báo cáo để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng”, tiến sĩ Dương Hữu Thái nói.

Tình nguyện viên gặp khó khi áp dụng thẻ xanh vắc xin?

Thẻ xanh vắc xin đang là mô hình được một số địa phương áp dụng, cho phép người tiêm đủ hai mũi vắc-xin COVID-19 được lưu thông. Cụ thể như trong văn bản về khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới của tỉnh Bình Dương ngày 9/9, người chưa tiêm vắc xin hoặc đã tiêm một mũi vắc xin nhưng chưa đủ 14 ngày sẽ không được ra đường.

Hay tại tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 8/9, người tiêm đủ hai mũi vắc xin được ưu tiên đi làm, lưu thông. Đây cũng là phương án mà nhiều tỉnh, thành đang nghiên cứu nhằm sớm mở lại nền kinh tế. 

Tuy nhiên, thạc sĩ - bác sĩ Đặng Thị Ngọc Mai cũng chỉ ra, với các TNV tham gia thử nghiệm vắc xin thì đây cũng là vấn đề cần phải “gỡ khó”. Dù các TNV này được đơn vị nghiên cứu cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin nhưng khi đi qua chốt, vẫn có nhiều địa phương chưa chấp nhận. Do đó, các địa phương, ban ngành cần có các giải pháp hỗ trợ với các trường hợp này.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Dương Hữu Thái nhấn mạnh, đội ngũ TNV đã hết mình vì khoa học nên cần tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi cho họ bằng việc công nhận hai mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng… “Với vắc xin COVIVAC, không thể cấp phép cho TNV tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, do nhiều người chỉ được tiêm giả dược. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2 trở đi, các TNV được tiêm đối chứng bằng vắc xin COVID-19 đã được cấp phép nên hoàn toàn có thể áp dụng”, Viện trưởng IVAC cũng thông tin, hiện Bộ Y tế đã lắng nghe vấn đề này và đề nghị nhóm nghiên cứu gửi công văn để xem xét. Nếu có thể sẽ cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm thử nghiệm lâm sàng hai mũi vắc xin COVID-19 đang trong giai đoạn 
nghiên cứu. 

Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI