Vắc xin và thuốc điều trị COVID-19: Những nước nghèo vẫn là “kẻ đến sau”

22/10/2021 - 06:27

PNO - Theo thông tin từ Công ty Phân tích sức khỏe toàn cầu Airfinity (Anh), việc nhiều nước ồ ạt đặt hàng thuốc kháng virus Molnupiravir đang làm dấy lên lo ngại tiếp tục tình trạng “tích trữ” của các nước giàu tương tự như đã xảy ra với vắc-xin COVID-19. Điều này có thể khiến các nước có thu nhập thấp lại chậm chân trong tiếp cận thuốc điều trị.

Merck nỗ lực thay đổi hình ảnh bằng thuốc điều trị COVID-19

Ngày 20/10, Quỹ Bill & Melinda Gates cam kết hỗ trợ 120 triệu USD phát triển và sản xuất phiên bản tương đương sinh học (generic) của Molnupiravir nhằm giúp các nước nghèo tiếp cận thuốc COVID-19.

Tin tức trong tháng 10 về loại thuốc kháng virus do Merck sản xuất đã mang lại hy vọng mới. Molnupiravir dễ dàng trong phân phối và người nhiễm COVID-19 có thể uống tại nhà một cách đơn giản để ngăn các triệu chứng nặng hoặc nguy cơ tử vong. Merck đã nộp đơn xin phép sử dụng khẩn cấp tới Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và có thể được chấp thuận vào tháng 12 tới.

Một trung tâm điều trị COVID-19 ở Rajasthan, Ấn Độ hồi tháng 5/2021, thời điểm biến chủng Delta đang gây tai ương lớn cho đất nước này - ẢNH: GETTY IMAGES
Một trung tâm điều trị COVID-19 ở Rajasthan, Ấn Độ hồi tháng 5/2021, thời điểm biến chủng Delta đang gây tai ương lớn cho đất nước này - Ảnh: GETTY IMAGES

Vốn từng bị chỉ trích cách đây 20 năm vì bán thuốc điều trị HIV với giá “không thể mua được” ở châu Phi, lần này, Merck sẽ cho phép các đối tác ở Ấn Độ sản xuất và bán thuốc với giá thấp tại hơn 100 quốc gia nghèo. Các nước này chủ yếu ở lục địa đen, nơi tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt mức 3%. 

Dù vậy, ở bình diện quốc gia, có thể thấy các nước nghèo vẫn luôn là “kẻ đến sau”. Chính phủ Mỹ đã mua phần lớn nguồn cung cấp thuốc kháng virus Remdesivir vào năm ngoái sau khi nghiên cứu ban đầu cho thấy thuốc này có thể giúp bệnh nhân COVID-19 tăng tốc độ hồi phục. Hiện họ cũng đang theo đuổi một chiến lược tương tự đối với Molnupiravir. Chính phủ Mỹ đã có thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình khi FDA phê duyệt Molnupiravir, chiếm gần 20% những gì công ty có thể sản xuất trong năm nay. Các nước Úc, Hàn Quốc và New Zealand cũng đã ký các thỏa thuận mua thuốc.

Công bằng vắc xin vẫn là hạn chế lớn

Các dữ liệu ban đầu về Molnupiravir đã chứng minh những điều đáng kỳ vọng. Nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo không nên xem thuốc điều trị như một biện pháp thay thế cho tiêm chủng. Vắc xin vẫn là hình thức bảo vệ tốt nhất để phòng, chống COVID-19 bền vững. Tuy nhiên, sau gần một năm các chiến dịch tiêm chủng đầu tiên diễn ra, đến nay phần lớn các mũi tiêm vẫn là dành cho các nước giàu và vẫn chưa có giải pháp rõ ràng để thu hẹp sự chênh lệch.

Cuối tháng 9/2021, Ủy ban Xã hội, nhân đạo và văn hóa (SOCHUM) của Liên Hiệp Quốc đã mở phiên họp thứ 76 kêu gọi bình đẳng vắc xin. Phát biểu thay mặt cho nhóm các quốc gia châu Phi, đại diện của Gabon lo ngại rằng chỉ có một lượng nhỏ, khoảng 2% trong số hơn 5,7 tỷ liều vắc xin thực sự đến tay người dân ở đây. Đại biểu của Guinea kêu gọi Nhóm các nước đang phát triển (Nhóm 77) và Trung Quốc tạo cơ hội tiếp cận vắc xin bình đẳng với giá cả phải chăng. Để đạt được điều này, một số cơ chế có thể được triển khai, bao gồm cả thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ theo Tổ chức Thương mại thế giới. Còn đại diện của Guatemala kêu gọi vắc xin nên được chia sẻ toàn cầu với giá tượng trưng vì đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề người dân nghèo…

Philippines cho rằng COVID-19 tiếp tục là một cuộc sàng lọc cộng đồng và là bài kiểm tra nghiêm khắc đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe các quốc gia. Vắc xin đang giúp một số nơi trở lại cuộc sống bình thường, đó chính là lý do cần phải giải quyết khẩn cấp tình trạng tiếp cận không bình đẳng trong tiêm chủng, khi đang có đến 80% liều vắc xin toàn cầu đã được chuyển đến các nước giàu có. 

Nam Anh (theo NYT, ReliefWeb)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI