Người thân còn lại vỗ về nhau
Ngày thất đầu của mẹ, chị L.T.C. (ngụ Q.4, TPHCM) khóc đếm từng ngày mẹ con chia lìa: “Mẹ rời xa được một tuần rồi, nhưng chia tay mẹ và vĩnh viễn không bao giờ gặp lại được khuôn mặt mẹ thì tận hai tuần rồi, mẹ ơi!”. C. nhớ lại, vào ngày thứ sáu mắc COVID-19, mẹ vẫn khỏe, tinh thần phấn chấn. Vậy mà hôm sau 31/7, bà đột ngột trở nặng. Cả nhà quyết định cho mẹ nhập viện khi oxy máu tuột nhanh, dù huyết áp và tim mạch bình thường. Bệnh viện thứ nhất lắc đầu, hết chỗ. May thay, cổng Bệnh viện Nhân dân 115 mở ra nhận bệnh, C. mừng khôn siết. Lúc đó, khoảng 16g ngày 1/8 và cô không bao giờ nghĩ rằng đó cũng là khoảnh khắc cuối cùng mẹ con còn thấy nhau.
Trong những ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, có hai lần mẹ và C. được trò chuyện nhờ điện thoại của các điều dưỡng. “C. ơi cho mẹ về nhà đi con. Mẹ nhớ con quá, mẹ nhớ Bo. Mẹ chỉ muốn về nhà thôi, ở đây rất sợ và buồn...”. Nghe những lời thều thào của mẹ, C. chỉ biết nén lòng trấn tĩnh tinh thần bà: “Mẹ ở trong đó, các bác sĩ mới lo cho mẹ được”. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi đó luôn kết thúc với tiếng thét vội của người con gái xin mẹ cố gắng nghe lời bác sĩ để mau hết bệnh. Vào đêm trước khi mẹ qua đời, cả nhà đã thu âm tiếng từng người gửi vào bệnh viện để hy vọng một phép màu giúp bà vượt qua nhưng bà không qua khỏi...
|
Anh Nguyễn Đức Thành ôm hũ tro của mẹ mất vì COVID-19 |
Chia sẻ với chúng tôi, nhà thơ Khánh Chi kể về người em vừa mất đi người thân yêu. Gia đình em có đến ba người F0. Chưa kịp khóc, em đã phải gượng dậy, cùng chồng chống chọi với bệnh tật. “Khi nghe em báo cả nhà âm tính, tôi mừng, vì em đã chấp nhận mất mát, đã mạnh mẽ vượt qua. Thế rồi, sau những ngày hoàn toàn yên lặng, hôm qua em nói với tôi, rằng em thấy trống rỗng, chỉ muốn buông hết… Tôi bàng hoàng, xót em, buồn và ám ảnh”, chị kể. Mai này, khi mọi thứ khôi phục trong tầm kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường thì vẫn có những người không bao giờ cảm thấy yên lòng. “Cứ luẩn quẩn nghĩ ai sẽ giúp họ mà nghẹn ngào thương em, thương bạn bè, thương chồng tôi cũng vừa mất đứa em gái”, nhà thơ nói.
Tham vấn viên Trương Thị Hồng Hà, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tường Minh, kể về trường hợp hai vợ chồng trẻ cùng mắc COVID-19, cùng đi cách ly điều trị nhưng người được về nhà, người đã ra đi. Đây là trường hợp sang chấn tâm lý khá nghiêm trọng.
Người vợ giam mình trên lầu, không bước xuống nhà - nơi có bàn thờ cúng thất chồng. “Cô ấy không dám nhìn hình ảnh đó. Giam hãm mình chính là chỉ muốn sống với hồi tưởng những kỷ niệm khi vợ chồng còn bên nhau. Người vợ tưởng tượng chồng mình đi vắng rồi về. Ca này chúng tôi đang theo dõi sát, dù ghi nhận có tiến bộ nhưng phải kiên nhẫn để giúp cô trở lại cuộc sống bình thường”, bà Hồng Hà cho biết.
Tiếp sức cho người ở lại
Tham gia tư vấn tại các bệnh viện dã chiến, bà Hồng Hà còn chứng kiến nhiều tình huống người F0 đang nằm điều trị với các triệu chứng mệt, khó thở, đồng thời lại nghe tin người thân mất ở nơi cách ly khác, thì cực kỳ sốc. “Nhiều người dùng tay vỗ mạnh vào vị trí trái tim, bởi họ thực sự nhói đau”, bà cho biết. Ngay lúc đó, nếu có chuyên viên tâm lý bên cạnh lắng nghe, thấu hiểu sẽ kịp thời hỗ trợ họ về tinh thần. Sốc tâm lý quá lớn có thể khiến nồng độ oxy trong máu giảm, dẫn đến tình trạng khó thở, ngạt thở hoặc rất mệt.
Các trường hợp sang chấn tâm lý do mất người thân trong dịch COVID-19 cần đến vài tuần lễ hoặc hằng tháng để có thể nguôi ngoai. Những người này nếu không được trị liệu tâm lý sẽ dẫn đến trầm cảm. Trầm cảm nặng dễ dẫn đến nguy cơ tự tử. “Rất nguy hiểm khi họ không thoát ra được, không thể đối mặt với sự thật, và cảm thấy tội lỗi khi chưa hoàn thành một ý nguyện nào đó của người đã khuất”, bà Hồng Hà cho hay.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân, nguyên tham vấn viên tâm lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), cho rằng: “Điều những người xung quanh có thể làm là ở bên cạnh họ trong im lặng và chờ đợi. Trong điều kiện giãn cách xã hội, thì qua tin nhắn thăm hỏi, đều đặn, ít mang tính thúc giục, nói lên sự quan tâm dành cho họ. Kiên nhẫn chờ đợi họ tự trải qua những giai đoạn cần thiết trong biến cố đau thương, với ý thức, cảm nghiệm rằng họ có chúng ta ở bên cạnh và sẵn lòng chia sẻ nỗi đau”.
Theo bà Tuyết Xuân, các giai đoạn một người bất ngờ gặp biến cố đau thương thường là không chấp nhận sự mất mát - chấp nhận - tìm ra ý nghĩa của biến cố. Qua sự hiện diện thực sự bên họ, người xung quanh tinh ý có thể nhận ra họ đang trong giai đoạn nào, nhờ đó có thể tế nhị đồng hành cùng họ. Khi đã chấp nhận sự thật về mất mát, có thể tạo cơ hội cho họ trải lòng, nói ra hết điều muốn nói về người thân đã khuất. Việc này sẽ giúp giải tỏa nhiều cảm xúc dồn nén do biến cố tạo ra.
Trở lại co ro trong bóng tối căn nhà giờ chỉ còn lại một mình, anh Phạm Quốc Hưng Bình (ngụ Q.3, TPHCM) cố trải lòng với chúng tôi. Anh đã tưởng tượng ra cảnh sẽ phải đưa mẹ đi trong thinh lặng, không bà con thân thuộc, không lối xóm tiễn đưa. Và nó đã xảy ra đúng như vậy. “Còn lại người con ôm tấm ảnh của mẹ, đứng nhìn theo xe tang từ từ mất hút khỏi con hẻm không một bóng người. Nhìn cảnh ấy ai mà không khỏi xót xa, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi lại không khóc được”, anh nghẹn ngào.
Tuy nhiên, niềm tin đã vực Bình dậy. Anh tin rằng, dù mẹ không còn ở trong thế giới vật chất này, nhưng anh cảm thấy một sự bình an. Mẹ đang được chăm sóc tốt hơn rất nhiều, mẹ đang được đầy ơn phước. Mẹ gặp lại ba. Cũng vậy, việc tiễn đưa trong thời gian phong tỏa khiến nhiều nghi thức phải giới hạn, nhưng khi chấp nhận sự tối giản của lễ nghi để giữ lại những điều cốt lõi về tinh thần, làm anh an lòng. Khi gượng dậy, anh có ngay quyết định: tham gia Quán trọ FMM nhằm hỗ trợ tâm lý cho những người mất người thân trong dịch bệnh.
Hình ảnh cuối cùng về mẹ của anh Nguyễn Đức Thành (ngụ Q.10, TPHCM) là khi bà bước lên xe đi cách ly. Khi bà qua đời, khó khăn lắm anh mới nhờ được một nhân viên y tế chụp giúp cho một tấm hình mẹ chuẩn bị từ bệnh viện đi hỏa táng. “Mọi cuộc gọi, một tin nhắn ngắn ngủi lúc đó cũng đem lại cho tôi niềm an ủi lớn lao. Trong thời khắc đau buồn nhất, tôi cảm nhận được tình thương mọi người dành cho tôi nhiều nhất”, anh Thành cảm ơn những tấm lòng dành cho anh và gia đình suốt hơn một tháng nay.
Cũng trong niềm tin của mình, anh Thành cho hay, hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nhiều người đặt vấn đề chẳng biết tro cốt có phải của người nhà mình không? “Riêng tôi nghĩ khác, tôi thờ mẹ tôi. Nếu chẳng may không phải tro cốt của bà tôi cũng thờ. Ngược lại, tro cốt mẹ tôi cũng được người khác thờ như vậy. Trong sự nguy biến chung, chúng ta - những người còn lại cùng thờ hương hồn tất cả những ai đã ra đi vì đại dịch”, anh Thành ôm hũ cốt của mẹ trong lòng, rồi tất tả lao vào công việc thiện nguyện cứu trợ cho thân nhân bệnh nhi bị nhiễm COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Trong sẻ chia sáng 9/9, nhà thơ Khánh Chi chỉ cây xương rồng trong vườn cho hay, chị lượm được nó ngoài đường mang về trồng. Mấy ngày nay, nụ lớn nở thành một bông hoa, nụ nhỏ héo khô và chết. Nhưng trên một nhánh khác, có thêm một nụ bé xíu đêm qua đã trồi lên. Chị thương cái nhánh xương rồng nở hoa trong mùa dịch. Và nó giống hệt những người như anh Bình, anh Thành đang đối diện với nỗi đau COVID-19.
200 - 300 cuộc gọi hỗ trợ tâm lý mỗi ngày
Theo tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), từ chỉ đạo của UBND TP.HCM, trường đã giao khoa triển khai chương trình “Vắc xin tinh thần” từ ngày 5/9.
Chương trình tham vấn tấm lý, hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, được thực hiện qua hai tổng đài 1022 và hotline 0987 111 801. Các đường dây nóng này dành cho bệnh nhân và người nhà có vấn đề về COVID-19 gọi tới, sẽ có đội ngũ chuyên viên cao học tâm lý lâm sàng tiếp và theo dõi quản lý ca. Sau đó, nếu cần có thể giới thiệu họ gặp các chuyên viên tâm lý và làm việc qua Zalo, Viber, Messenger hoặc Google Meet để trị liệu tâm lý.
Mỗi ngày, số tổng đài và hotline đã tiếp nhận trung bình 200 - 300 cuộc gọi. Ngoài người mất người thân trong đại dịch, cả nhân viên y tế cũng có nhu cầu rất cao về tâm lý trị liệu.
|
Quốc Ngọc