Vắc-xin “thần tốc” của Nga được ví như cuộc đua không gian

12/08/2020 - 07:27

PNO - Chiều tối 11/8 (giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố về việc Bộ Y tế nước này đã chính thức cấp số đăng ký lưu hành cho vắc-xin ngừa COVID-19 có tên “GamCovidVac”, do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh quốc gia Gamaleya (Moscow) phát triển.

Ngay lập tức, có sự hăm hở, thể hiện rõ qua đơn hàng 1 tỷ liều đến từ 20 quốc gia, hoặc như Rodrigo Duterte - Tổng thống Philippines - đề nghị trở thành người đầu tiên được tiêm vắc-xin Nga và cho biết, Manila sẵn sàng hợp tác với Moscow trong việc thử nghiệm, cung cấp và sản xuất vắc-xin này.

Với tuyên bố về GamCovidVac'', Tổng thống Putin đang muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ với thế giới về sức mạnh của nền khoa học Nga
Với tuyên bố về "GamCovidVac'', Tổng thống Putin đang muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ với thế giới về sức mạnh của nền khoa học Nga

Phía còn lại hết sức kinh ngạc bởi chỉ mới đây thôi, Hiệp hội Các tổ chức thử nghiệm lâm sàng ACTO đã yêu cầu Bộ Y tế Nga trì hoãn việc cho vắc-xin trên lưu hành vì cho rằng, các thử nghiệm chưa hội đủ nhóm đối tượng. Theo BBC, cơ sở dữ liệu vắc-xin của Moscow không thể được xác minh. Họ chỉ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào ngày 1/6, đi sau các nghiên cứu tương tự ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu mấy tháng trời.

Và không giống như các nhóm này, Viện Gamaleya đã không công bố bất kỳ dữ liệu an toàn hoặc miễn nhiễm nào từ các nghiên cứu của mình. Điều này khiến các nhà khoa học độc lập không thể đưa ra đánh giá.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhanh chóng phản ứng sau khi Nga phê duyệt vắc-xin, bằng tuyên bố bất kỳ sự chấp thuận nào của tổ chức này đối với ứng cử viên thuốc phòng COVID-19 đều sẽ phải yêu cầu xem xét dữ liệu an toàn nghiêm ngặt. Phát ngôn viên Tarik Jasarevic của WHO nói với các phóng viên tại Geneva trong một cuộc họp báo trực tuyến rằng, họ đang liên hệ chặt chẽ với các cơ quan y tế Nga và các cuộc thảo luận đang diễn ra liên quan đến việc đánh giá sơ tuyển bất kỳ loại vắc-xin nào, bao gồm việc xem xét và đánh giá chặt chẽ tất cả dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả.

Được biết, trong thử nghiệm vắc-xin trên người, phải trải qua ba giai đoạn bắt buộc: thử tính an toàn (safety), thử tính ích lợi trên các đối tượng (extended) và thử tính hiệu quả (efficacy). Hiện chỉ có ba loại vắc-xin hứa hẹn nhất là Moderna - NIH của Mỹ đang ở giai đoạn 3, Pfizer của Anh ở giữa giai đoạn 2-3 và Arcturus and Duke của Singapore đang ở giai đoạn 1-2 với cỡ mẫu lớn. Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc và mới nhất là Nga chấp thuận vắc-xin do nước mình phát triển, chưa có vắc-xin nào được các chính phủ chấp thuận sử dụng.

Tính đến đầu tháng 8/2020, có 165 vắc-xin đã được đề nghị, nhưng chỉ có 27 loại đang thử nghiệm trên người, bao gồm sáu loại ở giai đoạn 3 và 12 loại giai đoạn 2. Liên quan đến việc thử nghiệm rộng rãi trên người này, cho đến nay, vắc-xin của Nga không nằm trong danh sách sáu vắc-xin đã đạt được giai đoạn 3 theo thử nghiệm lâm sàng của WHO.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Quang Vinh (Trường đại học Y Dược TPHCM) đánh giá, công bố của Nga ít có giá trị. WHO đã khuyến cáo họ hoàn thành nghiên cứu với ba giai đoạn theo thông lệ. Trên thực tế, đây có lẽ là vắc-xin thế hệ đầu tiên tương tự như vi-rút được giảm độc lực, tương tự vắc-xin BCG lao hoặc cúm. Những vắc-xin này thường ít hiệu quả và không chọn lọc, thậm chí có thể tăng nguy cơ nhiễm và trở nặng.

Với COVID-19, hầu hết các chuyên gia cho rằng, bất kỳ loại vắc-xin nào cũng sẽ không được phổ biến rộng rãi, ít nhất cho đến giữa năm 2021. Cùng ngày 11/8, một quan chức y tế hàng đầu của Úc cho biết, một loại vắc-xin ngừa COVID-19 có thể sẽ được cung cấp trong vòng 12-18 tháng tới tại nước này. “Không thể có vắc-xin trong sáu tháng tới, nhưng rất có thể nó sẽ ra mắt trong vòng 12-18 tháng tới” - Giám đốc y tế bang Victoria Brett Sutton phát biểu trước quốc hội. 

Rõ ràng, Tổng thống Putin đang muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ với thế giới về sức mạnh của nền khoa học Nga. Ông còn tạo ra dấu ấn ngoạn mục khi cho biết, vắc-xin đã được tiêm cho một trong những người con gái của mình vốn đang sốt nhẹ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko hân hoan hơn hết khi ca ngợi “GamCovidVac” đã được chứng minh hiệu quả và an toàn cao, đồng thời xem đây là một bước tiến lớn đầu tiên hướng tới “chiến thắng của nhân loại” trước COVID-19.

Thế nhưng, với COVID-19, việc tuyên bố mình là “người đầu tiên” e là chưa đủ, khi vắc-xin của “gấu Misa” có quá nhiều thiếu sót hoặc “ẩn giấu” trong nghiên cứu, cả về mặt thông lệ lẫn bắt buộc về y khoa.

Chưa hết, với các báo cáo từ tháng Bảy rằng gián điệp Nga đã âm thầm xác định mục tiêu “thâm nhập” các nghiên cứu vắc-xin, thì sự “thần tốc” mà Nga đạt được lần này đã vấp phải sự hoài nghi của giới chức y tế Tây phương. Họ còn ví von Tổng thống Putin có thể đang nỗ lực giành chiến thắng như cuộc chạy đua không gian giữa Liên Xô và Mỹ trong chiến tranh lạnh. 

Tháng trước, tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ - đã bày tỏ nghi ngờ về tính nghiêm ngặt trong quy trình thử nghiệm vắc-xin có vẻ như muốn “đốt cháy giai đoạn” của cả Nga và Trung Quốc.

Quốc Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI