Vắc xin phòng, trị bệnh ung thư - thực tế và quảng cáo

22/07/2019 - 07:00

PNO - Gần đây, rộ lên quảng cáo từ các công ty dược về một loại vắc xin giúp ngừa và điều trị các loại ung thư ở tất cả các giai đoạn và không có tác dụng phụ nhưng đó chỉ là chuyện hư cấu, quảng cáo. Vì sao?

Bằng cách kích thích hệ miễn dịch, con người đã thành công trong việc khống chế các bệnh truyền nhiễm.  

Vac xin phong, tri benh ung thu -  thuc te va quang cao
Người bệnh nên tham khảo thêm các bác sĩ chuyên khoa về vắc-xin ngừa và trị ung thư

Vắc xin là thành tựu quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Từ thời xa xưa, các thầy lang đã biết sử dụng nọc rắn để tạo thành các dược liệu trung hòa lại chính nọc rắn.

Năm 1796, Edward Jenner, một bác sĩ người Anh, được xem là cha đẻ của ngành vắc-xin học, khi ông quan sát những người vắt sữa bò tiếp xúc với bệnh đậu mùa ở bò thì không mắc bệnh đậu mùa ở người sau này.

Chính Jenner đã dùng dịch tiết từ vết phồng rộp ở bò và cấy vào một cậu bé 13 tuổi, giúp cháu bé hồi phục sau đó. Năm 1798, vắc xin ngừa bệnh đậu mùa đầu tiên được phát triển và sử dụng rộng rãi trong các năm tiếp theo, điều này giúp loại trừ hoàn toàn bệnh đậu mùa năm 1979.

Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như lao, dịch tả, thủy đậu, viêm gan siêu vi B…

Như vậy, bằng cách kích thích hệ miễn dịch, con người đã thành công trong việc khống chế các bệnh truyền nhiễm. Vậy liệu có thể áp dụng các nguyên lý của vắc-xin vào bệnh ung thư? 

Thời gian trước, một số bác sĩ đã nhận thấy có mối liên hệ giữa bệnh nhiễm trùng và ung thư, chẳng hạn một số ít bệnh nhân hết bệnh ung thư sau đợt nhiễm trùng nặng, có thể do vi trùng đã khởi phát hệ miễn dịch và tình cờ chống lại khối u.

Thật ra, một số vắc xin ngừa bệnh truyền nhiễm cũng góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư như vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B đối với ung thư gan, vắc-xin ngừa vi-rút sinh u nhú ở người (HPV) và ung thư cổ tử cung.

Vac xin phong, tri benh ung thu -  thuc te va quang cao
 

Trong y khoa, từ lâu, các bác sĩ đã dùng vắc xin ngừa bệnh lao (BCG) trong điều trị ung thư bàng quang giai đoạn sớm. Tuy nhiên, các vắc xin trực tiếp ngừa và điều trị bệnh ung thư chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây và kết quả còn khiêm tốn. 

Cùng nguyên lý với việc chế tạo vắc xin trong bệnh truyền nhiễm, các nhà khoa học cố gắng lấy những thành phần từ khối u như như protein, DNA… và “huấn luyện” tế bào miễn dịch của cơ thể nhận biết và tấn công chính xác vào khối u. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình này khó khăn rất nhiều so với lý thuyết.

Ung thư là tự tế bào bên trong cơ thể, khác với vi trùng từ bên ngoài xâm nhập vào, do đó tế bào ung thư không hoàn toàn “lạ” với hệ miễn dịch, tế bào ung thư có khả năng thích ứng và tạo những đột biến giúp lẩn tránh và đề kháng với các liệu pháp điều trị.

Vắc xin điều trị ung thư giống như thuốc, nghĩa là mang tính đặc hiệu, mỗi loại vắc xin điều trị cho một loại ung thư cụ thể và trong một giai đoạn cụ thể, chẳng hạn sipuleucel-T chỉ dùng cho ung thư tiền liệt tuyến kháng nội tiết và có nhiều tác dụng phụ như sốt, phát ban, rối loạn tiêu hóa cho đến các phản ứng miễn dịch nặng như viêm gan, viêm phổi…

Do đó, một loại vắc xin giúp ngừa và điều trị các loại ung thư khác nhau ở tất cả các giai đoạn và không có tác dụng phụ chỉ là chuyện hư cấu, quảng cáo từ các công ty dược như trường hợp một loại vắc xin được cho là từ Nhật tại một bệnh viện tư gần đây.

Hiện nay, có nhiều quảng cáo và lời đồn đại liên quan đến bệnh ung thư, với các “chuyên gia” được cho là từ Nhật, Mỹ, Ấn Độ… nhưng phần lớn đều là những thông tin sai lầm và không khoa học, do đó người bệnh nên tham khảo thêm các bác sĩ chuyên khoa hoặc các trang thông tin đáng tin cậy. 

 Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ 

Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI