Vắc xin nội địa: Cách tự cứu mình khỏi đại dịch

11/06/2021 - 06:43

PNO - Nhiều quốc gia đang phát triển - có dân số đông, đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới trong những tuần gần đây - nhấn mạnh vấn đề cấp thiết về việc tự sản xuất vắc xin trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt.

Nút thắt của sản xuất vắc xin

Căng thẳng quốc tế về khả năng tiếp cận vắc xin COVID-19 gia tăng khi các quốc gia giàu có sử dụng nguồn lực tài chính để đảm bảo sở hữu số liều vắc xin vượt xa dân số và thậm chí với cả các phiên bản cải tiến khác của vắc xin trong tương lai. 

Không dừng lại ở đó, các nước như Mỹ, Anh và EU, tiếp tục ngăn chặn một đề xuất của hơn 100 quốc gia đang phát triển dự kiến được thảo luận tại Tổ chức Thương mại thế giới. Đề xuất nhằm nới lỏng các độc quyền về vắc xin do các công ty dược nắm giữ, cho phép mở rộng quy mô sản xuất cần thiết một cách an toàn và hiệu quả, để đảm bảo các nước nghèo hơn được tiếp cận với liều lượng mà họ cần.

Thái Lan bắt đầu tiêm chủng vắc-xin COVID-19 AstraZeneca sản xuất trong nước cho dân chúng hôm 7/6 - Ảnh: Reuters
Thái Lan bắt đầu tiêm chủng vắc xin COVID-19 AstraZeneca sản xuất trong nước cho dân chúng hôm 7/6 - Ảnh: Reuters

Đồng thời, việc hạn chế xuất khẩu vắc xin của các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ và các nước thành viên Liên minh châu Âu có nguy cơ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Lý do vì các nhà sản xuất lớn trên thế giới phụ thuộc lẫn nhau để có các thành phần chế tạo vắc-xin, như dược chất, a-xít béo, lọ thủy tinh… thông qua mạng lưới chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Dữ liệu được tổng hợp bởi Airfinity, công ty dữ liệu khoa học và chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Anh, cho thấy, năm công ty dược phẩm lớn chiếm 95% tổng số liều COVID-19 được sản xuất trên thế giới tính đến tháng 3/2021. Đồng thời, theo nhóm các nhà kinh tế học do Simon Evenett - giáo sư phát triển kinh tế và thương mại quốc tế tại Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ) - dẫn đầu, mỗi thành viên của “câu lạc bộ” này trung bình nhập khẩu 88,3% nguyên liệu sản xuất vắc xin từ những người khác.

Do đó, việc hạn chế xuất khẩu vắc xin của một nhà sản xuất sẽ có nguy cơ kích hoạt hành động trả đũa về nguồn cung nguyên liệu, đe dọa các đợt tiêm chủng hàng loạt vốn là chìa khóa để chấm dứt đại dịch. Hơn 65% tổng số liều vắc xin AstraZeneca trên toàn cầu vào tháng 4/2021 được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đã ngừng xuất khẩu vắc xin từ giữa tháng Tư nhằm tập trung xử lý khủng hoảng dịch bệnh trong nước, khiến sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX cùng 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phụ thuộc vào sáng kiến này gặp khó khăn.

Hy vọng tự sản xuất vắc xin

Hôm 8/6, Giám đốc chính sách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden - Kurt Campbell - cho biết, ông “tương đối tin tưởng” mục tiêu sản xuất một tỷ liều vắc xin tại khu vực vào cuối năm 2022. Khi không thể đặt mua vắc xin và cũng không thể tự sản xuất vắc-xin do rào cản về bản quyền, nguyên liệu, nhiều quốc gia lựa chọn phương án hợp tác, chuyển nhượng dây chuyền sản xuất từ các hãng dược phẩm để tận dụng nguồn nhân lực trong nước.

Điển hình, Hàn Quốc có các thỏa thuận sản xuất vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, Moderna, Novavax và vắc xin Sputnik V ngay tại địa phương, khi nước này tìm cách đảm bảo nguồn cung cấp, nhằm tránh lệ thuộc số vắc xin do Mỹ sản xuất. Riêng hãng Moderna tiết lộ, vắc xin của họ sẽ được sản xuất bởi Samsung Biologics Co, với khả năng mở rộng ra các thị trường khác trong khu vực bắt đầu từ quý III/2021.

Tương tự, Moderna đang xem xét mở nhà máy sản xuất vắc xin tại Nhật. Hiện tại, JCR Pharma cùng với Daiichi Sankyo và các đối tác Nhật khác đang hợp tác sản xuất, phân phối vắc xin COVID-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. JCR cho biết thêm, công ty sẽ xây dựng một nhà máy mới ở Nhật Bản để mở rộng sản xuất các thành phần cho vắc-xin COVID-19 trong dài hạn.

Từ ngày 7/6, các cơ quan y tế ở Thái Lan đã bắt đầu triển khai tiêm chủng hàng loạt vắc xin 
AstraZeneca được sản xuất trong nước, nhưng có vẻ như nguồn cung vẫn thấp so với nhu cầu. Chính phủ cho biết họ sẽ sản xuất 6 triệu liều vào tháng Sáu; sau đó 10 triệu liều mỗi tháng từ tháng Bảy đến tháng 11, và 5 triệu liều vào tháng 12 năm nay. Trong khi đó, Công ty BioNTech - đối tác từ Đức của Pfizer - dự kiến mở trụ sở mới cho khu vực Đông Nam Á, xây dựng một cơ sở sản xuất vắc xin mRNA và các loại thuốc khác tại Singapore để điều trị các bệnh truyền nhiễm và ung thư. Cơ sở có thể hoạt động sớm nhất vào năm 2023.

Tại Việt Nam, bên cạnh vắc xin Nano Covax do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Nanogen nghiên cứu phát triển hiện trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, Bộ Y tế đang đàm phán với Nga để sản xuất vắc xin Sputnik V COVID-19 trong nước. Đối tác Nga ban đầu sẽ chuyển giao bán thành phẩm cùng với hướng dẫn cho Trung tâm Polyvac thuộc Bộ Y tế để sản xuất khoảng 50 triệu liều mỗi năm, sau đó chuyển giao dần công nghệ để Polyvac tự sản xuất hoàn toàn vắc xin Sputnik V. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI