Vắc-xin ngừa COVID-19 - bài toán lợi nhuận, rủi ro và tính nhân đạo

13/04/2020 - 09:00

PNO - Trong cuộc đua sản xuất vắc-xin, các doanh nghiệp dược phẩm lớn thường có tiền nhưng thiếu động lực, còn cơ quan nghiên cứu có động lực nhưng lại thiếu tiền.

Trở ngại kinh phí 

Suốt nhiều tháng, Sarah Gilbert - giáo sư tại Viện Y học lâm sàng và Viện Nuffield của Đại học Oxford (Anh Quốc) - cùng nhóm của cô làm việc bảy ngày/tuần để phát triển vắc-xin kháng SARS-CoV-2, loại vi-rút gây ra bệnh COVID-19. Tuy nhiên, kinh phí là trở ngại lớn mà nhóm đang đối mặt. Gilbert ước tính, nhóm của cô cần tới 123 triệu USD vào tháng Sáu để đạt mục tiêu phát triển loại vắc-xin mới và hợp tác với một nhà sản xuất thuốc để sản xuất nó trên quy mô lớn vào mùa thu. 

Việc điều chế vắc-xin cho bệnh COVID-19 gặp nhiều khó khăn do bài toán lợi nhuận và rủi ro - Ảnh: Getty Images
Việc điều chế vắc-xin cho bệnh COVID-19 gặp nhiều khó khăn do bài toán lợi nhuận và rủi ro - Ảnh: Getty Images

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 60 đội riêng biệt từ khoảng một chục quốc gia đang tham gia vào giai đoạn nước rút để phát triển vắc-xin ngừa COVID-19, bao gồm các công ty dược phẩm lớn, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học, viện và trường đại học do chính phủ điều hành.

Dù đã đạt cột mốc quan trọng trong việc thể hiện hiệu quả vắc-xin, Gilbert cho biết, cô chỉ lạc quan chứ không dám tin vào số tiền có thể có. Nguồn quỹ mà nhóm của cô sử dụng được Hội đồng Nghiên cứu khoa học vật lý và kỹ thuật do chính phủ Anh tài trợ và ban đầu dự định chi cho các loại vắc-xin khác. Các rào cản tài chính và chính sách mà nhóm phải đối mặt cho thấy, sự phân bổ không phù hợp giữa các nguồn lực có thể làm phức tạp nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19.

Quá tốn kém và rủi ro

Phát triển vắc-xin vô cùng tốn kém và là công việc đầy rủi ro nếu nhìn từ góc độ kinh doanh. Một loại vắc-xin tiềm năng được tạo ra trong phòng thí nghiệm phải trải qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng liên quan đến đối tượng người, trong đó có nhóm dân số mục tiêu được tiêm vắc-xin để kiểm tra hiệu quả ở giai đoạn kết thúc thử nghiệm. Các công ty dược phẩm đa quốc gia như Pfizer, GSK và Johnson & Johnson tuyên bố chi từ 1-2 tỷ USD để đưa vắc-xin từ phòng thí nghiệm ra mắt dân chúng; quá trình này thường mất từ 5 đến 10 năm, đôi khi lâu hơn.

Michael Kinch - Giám đốc Trung tâm Đổi mới nghiên cứu về công nghệ sinh học và Khám phá dược phẩm tại Đại học Washington ở St Louis (Mỹ) - cho biết, các công ty dược phẩm lớn thường xem phát triển vắc-xin là việc “rủi ro cao, lợi nhuận thấp”. Do đó, họ thường không duy trì bộ phận nghiên cứu. Tất cả 210 loại thuốc mới được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê duyệt từ năm 2010-2016 đã được phát triển với sự tài trợ của Viện Y tế quốc gia, nơi phân phối khoảng 80% trong số 40 tỷ USD chi cho nghiên cứu y tế tại hơn 2.500 trường đại học và các viện nghiên cứu trên toàn thế giới.

Vẫn còn những hy vọng

Do sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm thường giảm dần theo thời gian hoặc được ngăn chặn trước khi lây nhiễm số lượng lớn nên động lực tài chính để phát triển vắc-xin khá thấp, cho đến khi một cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn diễn ra - đặc biệt là ở những khu vực nghèo, nơi triển vọng thu được lợi nhuận lớn là bất khả thi. Các viện nghiên cứu nhận tài trợ công cộng mà không bị thúc đẩy bởi lợi nhuận thường gặp khó khăn khi căn bệnh không còn ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng, tương tự như những gì xảy ra với dịch SARS năm 2003 (cho đến nay vẫn chưa có vắc-xin).

Những trăn trở trên góp phần dẫn đến việc thành lập Liên minh Đổi mới sáng tạo chuẩn bị cho dịch bệnh (CEPI), sau phản ứng toàn cầu mờ nhạt về vụ dịch Ebola năm 2014-2016 ở Tây Phi. Được chính phủ Na Uy, Quỹ Bill & Melinda Gates, Wellcome Trust, Diễn đàn Kinh tế thế giới và Cục Công nghệ sinh học Ấn Độ thành lập năm 2016, CEPI huy động tiền từ các chính phủ và các nguồn từ thiện để nhanh chóng tài trợ cho việc phát triển và sản xuất vắc-xin phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm mới. 

Hiện tại, tổ chức này đóng góp vào sự phát triển của một số loại vắc-xin tiềm năng cho SARS-CoV-2 ở tốc độ chưa từng thấy. Với tỷ lệ chín thất bại - một thành công, CEPI đang nhắm đến việc sản xuất ít nhất ba ứng cử viên vắc-xin khả thi có thể được cấp phép sử dụng cho công chúng. Một trong số đó do Moderna - công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) - phát triển. Hiện loại vắc-xin này đã trải qua một tháng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I. Chính phủ Mỹ cũng đã ký thỏa thuận với Johnson & Johnson và Moderna để sản xuất số lượng lớn vắc-xin trong tương lai. 

Tấn Vĩ (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI