Lo lắng vì hết vắc xin
Tại Hà Nội, chị Lê Thu (quận Hà Đông) đang rất lo lắng vì chưa từng tiêm vắc xin ngừa bệnh trong khi đang có kế hoạch sinh con thứ hai. Cuối tuần, chị đến Đơn nguyên tiêm chủng của Bệnh viện đa khoa Hà Đông nhưng nhân viên ở đây thông báo đã hết vắc xin có thành phần phòng bệnh bạch hầu. Nhiều người đến đây để tiêm vắc xin này nhưng đều phải quay về.
Trước đó, ngoài loại vắc xin “6 trong 1” (bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm phổi, viêm mũi họng do HIP - bại liệt - viêm gan B), Đơn nguyên tiêm chủng của bệnh viện cung cấp 2 loại vắc xin “3 trong 1” (bạch hầu - ho gà - uốn ván) của Bỉ và Pháp với mức giá lần lượt là 720.000 và 630.000 đồng. Nhân viên tại đây cho hay, do số lượng người dân tiêm chủng bạch hầu tăng mạnh trong những ngày gần đây nên tất cả loại vắc xin bạch hầu đã hết, chưa biết khi nào có trở lại.
Tại Trung tâm Tiêm chủng Lò Đúc, theo thông báo sáng 13 và 14/7, cả 2 loại vắc xin phòng 3 bệnh (bạch hầu - ho gà - uốn ván) của Canada (giá 640.000 đồng) và Bỉ (720.000 đồng) đều đã hết hàng. Sáng 14/7, trung tâm này chỉ còn vắc xin phòng 4 bệnh (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt) với giá 530.000 đồng.
Ở TPHCM, những ngày qua, các dãy ghế chờ tiêm vắc xin tại Viện Pasteur TPHCM chật kín chỗ. Hầu hết người đến đều đăng ký tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu. Mặc dù ngày 11/7, viện đã ra thông báo “tạm hết” vắc xin trên trang thông tin. Khi biết tại đây hết vắc xin, nhiều người đã di chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trung tâm y tế hay các bệnh viện khác...
|
Người dân tiêm vắc xin ở Viện Pasteur TPHCM - Ảnh: Phạm An |
Anh Trần Văn An (42 tuổi, ở quận Phú Nhuận) lo lắng: “Tôi và vợ không nhớ trước đây đã tiêm ngừa vắc xin bạch hầu chưa nên khi đưa 3 đứa con đi tiêm, vợ chồng tôi cũng sẽ tiêm vắc xin luôn. Thế nhưng, Viện Pasteur TPHCM nói phải đợi một thời gian nữa mới có vắc xin, nên chúng tôi ưu tiên tiêm ngừa 6 trong 1 cho 2 bé nhỏ trước. Còn con trai lớn thì sẽ tìm nơi khác tiêm. Nếu không kịp tiêm vắc xin đầy đủ, cả gia đình sẽ ở lại TPHCM thay vì cho con về quê nghỉ hè”.
Chị Hồng Nhật (quận Bình Thạnh) cho hay, 4 ngày trước, con gái 5 tuổi của chị đã được tiêm nhắc vắc xin ngừa bệnh. Ngày 12/7, chị đưa mẹ ruột (57 tuổi) từ Vĩnh Long lên TPHCM tiêm ngừa nhưng đã hết thuốc. “Mỗi kỳ nghỉ hè tôi luôn cho con về quê chơi với bà ngoại. Đợt này không cho về thì sợ bà ngoại buồn, mà cho 2 bà cháu đi thì tôi không yên tâm” - chị băn khoăn.
Chủ động ngừa bệnh
Bác sĩ Đinh Văn Thới - Trưởng phòng Khám tiêm chủng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, nếu trước đây số lượng người dân có nhu cầu tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu chỉ hơn 10 người/ngày thì hiện tại là 100-130 người/ngày. Người đến tiêm ngừa gồm trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi…
Ông lưu ý, vắc xin ngừa bệnh bạch hầu là loại vắc xin chung trong vắc xin 4 trong 1; 5 trong 1; 6 trong 1… Do đó, nếu trẻ đã được tiêm các loại vắc xin này thì cũng đã có thể ngừa bệnh bạch hầu. Hiện tại, ngoài Viện Pasteur TPHCM và các bệnh viện, nhiều trung tâm tiêm chủng, trung tâm y tế tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đều có tiêm vắc xin ngừa bạch hầu. Vì vậy, người dân có thể đến các điểm tiêm này để tiêm ngừa trong khi chờ viện mua vắc xin.
Ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay: hiện trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin có chứa thành phần ngừa bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi, 1 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi. Đến nay, theo khyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và theo xu hướng quốc tế, từ ngày 1/8, theo Thông tư số 10/2024/TT-BYT, trẻ 7 tuổi sẽ được bổ sung một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu. Lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của WHO để tạo miễn dịch lâu dài, bảo đảm mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em trong các độ tuổi quan trọng.
Ông khẳng định, tại Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh. Do đó, người dân cần đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch nhưng không hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện truyền thông không chính thống, không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành phần ngừa bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế và theo hướng dẫn của từng loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu. Trong trường hợp cần thiết, người dân liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn các biện pháp phòng bệnh, bảo đảm thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.
Ngừa bệnh bạch hầu bằng cách nào?
Theo bác sĩ Đinh Văn Thới, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm đã có từ rất lâu, do vi trùng gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua các giọt bắn, chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh. Theo WHO, cứ 10 người bị bạch hầu thì có 1 người tử vong.
Hiện bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị, song hiệu quả phụ thuộc nhiều vào việc được điều trị sớm hay muộn. Ở Việt Nam năm 2019-2020 còn ghi nhận các ổ dịch bạch hầu. Gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện ở 2 tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, đã có ca tử vong. “Tuy nhiên, người dân cần bình tĩnh, bởi ngoài vắc xin, chúng ta cũng có thể phòng, chống bệnh bằng cách thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày. Bảo đảm nơi ở, sinh hoạt, học tập thông thoáng, sạch sẽ; vệ sinh thường xuyên sàn nhà, đồ chơi của trẻ, tay vịn cầu thang… Quan trọng, không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh” - bác sĩ Đinh Văn Thới nói thêm.
Đừng để có bệnh dịch mới đi tiêm ngừa
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, với vắc xin phòng bệnh bạch hầu, kháng thể trong máu sẽ giảm theo thời gian vì thế người dân nên tiêm nhắc lại sau 10 năm. Trong bối cảnh hiện nay, với những nơi đang có dịch bạch hầu, người dân tiêm theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương. Với những người thuộc các nơi khác nếu thấy mình có yếu tố nguy cơ thì nên đi tiêm vắc xin.
Những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm vắc xin bạch hầu gồm: trẻ em chưa tiêm chủng đầy đủ, chưa tiêm mũi nhắc lại theo quy định của Bộ Y tế; người lớn chưa từng tiêm vắc xin bạch hầu; người dân không nhớ rõ lịch tiêm đã được tiêm đủ mũi hay chưa; người lớn đã 10 năm chưa tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu; bản thân có đi lại nhiều tới vùng sâu, vùng xa nơi có dịch đang lưu hành. Lịch tiêm các mũi cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, đặc biệt lưu ý, trẻ em chưa tiêm vắc xin, tiêm chưa đủ liều kể cả những mũi cơ bản và những mũi nhắc lại thì cần đi tiêm ngay vì đây là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh.
Dù vậy, người dân nói chung không nên quá lo lắng đổ xô đi tiêm vắc xin phòng bạch hầu hay nghe theo các thông tin đồn thổi mà xếp hàng chờ đợi bởi có thể dẫn tới tình trạng thiếu vắc xin, tiêm các loại vắc xin trôi nổi, điều này là không cần thiết. Hiện, Việt Nam đã sản xuất được vắc xin bạch hầu. Đó là vắc xin của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế Nha Trang (IVAC) với chất lượng bảo đảm, giá phải chăng.
Mỗi khi có đợt dịch, người dân lại lo lắng, tìm mọi cách để tiêm phòng ngay. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có thông tin, khuyến cáo về lịch tiêm chủng với từng đối tượng. “Người dân nên thực hành tiêm chủng trọn đời, theo hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phòng, chống bệnh tật thay vì việc có bệnh dịch mới tiêm ngừa. Tỉ lệ tiêm chủng cao sẽ khắc phục được tình trạng tạo ra vùng lõm tiêm chủng để dịch bệnh xuất hiện và có cơ hội lây lan” - ông nhấn mạnh.
Huyền Anh - Phạm An