Vắc xin mới có khắc phục được tâm lý lo sợ của người Việt?

24/04/2018 - 15:29

PNO - Vắc xin Quivaxem miễn phí sẽ "hoàn thành nhiệm kỳ" tại Việt Nam từ tháng 5/2018. Vắc xin "kế nhiệm” là ComeBe Five sẽ đảm nhận vai trò chủng ngừa 5 loại bệnh truyền nhiễm cho trẻ em Việt Nam.

Sáng 24/4, tại TP.HCM, lãnh đạo một số Vụ, Cục của Bộ Y tế công bố việc đưa loại vắc xin ComBe Five của Ấn Độ để thay thế Quinvaxem của Hàn Quốc trong năm 2018.

Tỷ lệ tai biến do vắc xin mới tương đương Quinvaxem

Chúng tôi đặt câu hỏi cho PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): “Thưa ông, nếu tôi đưa con đi chích ngừa vắc xin ComBe Five, liệu ông có đảm bảo con tôi chích vắc xin sẽ không tử vong?”.

Vac xin moi co khac phuc duoc tam ly lo so cua nguoi Viet?
Chích ngừa vắc xin Quinvaxem cho trẻ em tại quận Bình Thạnh, TP.HCM vào tháng 11/2013 - thời điểm xảy ra một số ca tử vong sau tiêm chủng

Đây không phải là câu hỏi gây khó dễ cho nhà quản lý ngành y tế, mà là điều bất kỳ người cha, người mẹ nào khi đưa con đến cơ sở y tế đều quan tâm. 

Câu trả lời của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng không khác mấy thời điểm ông đối diện với khủng hoảng vắc xin những năm 2013, 2014, khi người dân hoang mang sợ hãi trước những phản ứng sau tiêm vắc xin Qinvaxem của con trẻ trên khắp miền đất nước.

Ông Trần Đắc Phu nói: “Tôi đã nói bất kỳ vắc xin nào cũng có những phản ứng nhất định, kể cả tử vong, nhưng đều nằm trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vì vắc xin có 2 mặt: bảo vệ cộng đồng nhưng cũng có những tai biến nặng và thậm chí tử vong. Nhưng tử vong đó không lớn, rất thấp so với hiệu quả khi tiêm vaccine, thì chúng ta thực hiện thôi”.

“Nhưng chúng ta phải có điều gì để bảo đảm an toàn cho người dân chứ?”, chúng tôi hỏi tiếp.

Vac xin moi co khac phuc duoc tam ly lo so cua nguoi Viet?
Vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 sẽ kết thúc vai trò của mình từ sau tháng 5/2018

“Trong thời gian qua có 4 - 5 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin, kể cả ngẫu nhiên đã được bồi thường. Đã bồi thường khoảng 100 triệu đồng/trường hợp dù có thể là trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải do tiêm vắc xin”.

Ông Trần Đắc Phu khẳng định tỷ lệ tử vong của loại vắc xin mới ComBe Five có xuất xứ từ Ấn Độ là tương đương với Qinvaxem có xuất xứ từ Hàn Quốc.

Niềm tin đến từ đâu?

Trong cuộc khủng hoảng niềm tin vắc xin, nhiều nhà khoa học, lẫn bác sĩ có lương tâm, nhà quản lý đều lên tiếng về những lợi ích lâu dài và trên diện rộng khi cho trẻ chích ngừa vắc xin.

Nhưng không thể giải quyết khủng hoảng niềm tin bằng lý giải mang tính xác suất như "chỉ là tỷ lệ nhỏ phải chấp nhận". Đã là cha, là mẹ, có ai muốn tỷ lệ nhỏ đó rơi vào đứa con yêu quý của mình, kể cả mức bồi thường có lên đến hàng tỷ đồng đi nữa.

Niềm tin phải đến từ sự minh bạch thông tin.

Vac xin moi co khac phuc duoc tam ly lo so cua nguoi Viet?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)- người trực tiếp tham gia điều tra các vụ tai biến sau tiêm chủng

Chúng tôi đặt câu hỏi cho nhà quản lý ngành y tế về những ca phản ứng sau tiêm của loại "vắc xin đau khổ" Quinvaxem: bao nhiêu trường hợp được thống kê và nguyên nhân là gì?

Người trả lời là bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 – một thành viên tích cực trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bác sĩ Khanh cho biết ông là người trực tiếp tham gia trong nhóm thu thập thông tin, xử lý các sự cố sau tiêm chủng.

“Sự cố do vắc xin Quinvaxem nằm trong tỷ lệ cho phép của Tổ chức y tế thế giới WHO. Chiếm nhiều nhất trong các sự cố sau tiêm chủng là các trường hợp do bệnh lý ngẫu nhiên như tim bẩm sinh, xuất huyết não, sặc cháo, nhiễm trùng huyết…

Vắc xin Quinvaxem an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới chứ không phải chỉ căn cứ theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cụ thể về những trường hợp sự cố sau tiêm chủng phải cân nhắc nên không thể công khai”.

Vac xin moi co khac phuc duoc tam ly lo so cua nguoi Viet?

Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem của nhà sản xuất Berna Biotech đã được sử dụng tại Việt Nam trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ tháng 6/2010, đến nay đã tiêm 41 triệu liều miễn phí cho trẻ em Việt Nam. Thay thế cho Quinvaxem là loại vắc xin ComBe Five cho nhà sản xuất Biological E (Ấn Độ) sản xuất, được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 5/2017.

Như vậy, ngay cả ở “hoàng hôn nhiệm kỳ”, Quinvaxem vẫn giữ nguyên vẹn bí mật của mình sau những ca phản ứng nặng sau tiêm. 

Vac xin moi co khac phuc duoc tam ly lo so cua nguoi Viet?
Tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đặt câu hỏi, Bộ Y tế có kế hoạch nào để xử lý nếu chẳng may xảy ra sự cố từ vắc xin ComBe Five như Quinvaxem, nếu có, xử lý như thế nào?

Đại diện Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế không đưa ra câu trả lời cụ thể, chỉ nêu đã có một kế hoạch truyền thông được phê duyệt và đang tăng cường tuyên truyền cho người dân tại các cơ sở y tế…

Giải thích điều này, PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, sử dụng loại vắc xin nào là phụ thuộc vào đặc điểm dịch tễ học tại quốc gia đó. Trong 5 năm gần đây, số quốc gia sử dụng vắc xin vô bào (loại vắc xin dịch vụ Pentaxim và Infarix Hecxa) chỉ chiếm 35%, còn lại các các quốc gia sử dụng vắc xin toàn tế bào (như Quinvaxem, ComBE Five..).

Năm 2014, trong 19 quốc gia sử dụng vắc xin vô bào có 4 quốc gia là Anh, Mỹ, Úc và Bồ Đào Nha có sự gia tăng bệnh ho gà dù tỷ lệ tiêm chủng của họ rất cao và phản ứng sau tiêm rất thấp. Chính vì thế, WHO khuyến cáo các nước này tăng cường chích nhắc các mũi vắc xin, còn nước nào đang sử dụng vắc xin loại toàn tế bào vẫn nên giữ nguyên loại vắc xin này.

Giống như Quinvaxem, loại vắc xin mới 5 trong 1 ComBe Five sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ em để ngừa 5 loại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Loại vắc xin này được sử dụng tại 43 quốc gia, trong đó chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Á.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI