Vắc xin mở ra hy vọng chữa khỏi bệnh ung thư

08/06/2024 - 06:05

PNO - Các kết quả thử nghiệm vắc xin ung thư ấn tượng đang mang lại hy vọng lớn cho các bệnh nhân ung thư. Trong đó, phương pháp tiếp cận vắc xin mới sẽ giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ sống sót cho bệnh nhân ung thư trong những thập niên tới.

Hàng ngàn người Anh sẽ được tiêm

Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh (NHS) đang đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin ung thư. Mỗi loại sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu của từng cá nhân. Những bệnh nhân đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ được tiếp cận ngay với các thử nghiệm. Công nghệ mRNA tiên tiến sẽ tùy chỉnh từng mũi tiêm theo DNA của mỗi người. Theo NHS, hàng ngàn người đã và sẽ đăng ký tham gia chương trình thử nghiệm Cancer Vaccine Launch Pad (CVLP) tại 30 địa điểm trên khắp đất nước. Cơ quan này khởi đầu chương trình với những bệnh nhân mắc ung thư bàng quang, đại tràng, thận, phổi, da, tuyến tụy. Sẽ có thêm nhiều loại ung thư khác nữa khi chương trình tiến triển tốt.

Chương trình CVLP do NHS hợp tác với BioNTech (Đức) được công bố tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ (ASCO) vừa kết thúc ngày 4/6. BioNTech đã trình bằng chứng sơ bộ cho thấy việc đo DNA khối u có thể giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng - căn bệnh gây ra khoảng 930.000 ca tử vong toàn cầu chỉ riêng trong năm 2020.

Vắc xin đang đem lại hy vọng lớn về việc chữa khỏi cho những bệnh nhân ung thư - Nguồn ảnh: PA
Vắc xin đang đem lại hy vọng lớn về việc chữa khỏi cho những bệnh nhân ung thư - Nguồn ảnh: PA

Bệnh nhân đầu tiên của CVLP là Elliot Pfebve - 55 tuổi, đang mắc ung thư đại tràng. Ông không có bất kỳ triệu chứng gì cho đến khi phát hiện bệnh trong lần khám sức khỏe định kỳ. Pfebve đã cắt bỏ khối u, một phần ruột già và đã trải qua quá trình hóa trị. Giờ đây, khi ghi danh vào chương trình thí điểm của NHS, Pfebve sẽ là người đầu tiên trên thế giới được tiêm mũi vắc xin mRNA ung thư cùng công nghệ với vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech.

Nhà nghiên cứu chính của cuộc thử nghiệm Victoria Kunene cho rằng, còn quá sớm để biết liệu Pfebve có được chữa khỏi hoàn toàn hay không. Tuy nhiên bà rất hy vọng sẽ có kết quả tốt. “Dựa trên dữ liệu chúng tôi có về phản ứng của cơ thể đối với vắc xin, đây có thể là một bước tiến đáng kể và tích cực đối với người bệnh. Nhưng vẫn cần thêm thông tin, vì thế, chúng tôi tiếp tục tìm thêm bệnh nhân phù hợp cho thử nghiệm” - Kunene nói.

Rất vui mừng trước cơ hội thoát khỏi ung thư, Pfebve cho biết: “Tham gia thử nghiệm là một quyết định thực sự quan trọng đối với cả tôi lẫn gia đình. Sau khi trải qua quá trình chẩn đoán, phẫu thuật, hóa trị làm suy nhược cơ thể, tôi cảm thấy thật tuyệt khi có thể tham gia làm một điều gì đó có thể dẫn đến một phương pháp điều trị ung thư mới. Nếu như thành công thì đó là điều quá tuyệt vời”.

Vắc xin "cá nhân hóa"

Triển vọng đầy hứa hẹn tiếp theo thuộc về vắc xin mRNA ung thư da của 2 hãng Moderna và Merck. Đây cũng là lý do khiến Vương quốc Anh cho phép thực hiện chương trình mang tính bước ngoặt CVLP để thử nghiệm trên toàn quốc. Sau nhiều thập niên nghiên cứu, 2 hãng dược đã công bố dữ liệu tích cực từ một thử nghiệm giai đoạn giữa của loại vắc xin được “cá nhân hóa” đầu tiên trên thế giới dành cho bệnh nhân ung thư da. Đây là căn bệnh ảnh hưởng đến hơn 150.000 người/năm trên toàn cầu, theo số liệu của Quỹ Nghiên cứu ung thư quốc tế.

Khi được sử dụng cùng với liệu pháp miễn dịch đột phá Keytruda của Merck, vắc xin mRNA ung thư da “cá nhân hóa” đã giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc tái phát. Con số trình bày tại hội nghị của ASCO cho thấy, bệnh nhân sau khi cắt bỏ khối u hắc tố giai đoạn 3 hoặc 4 được tiêm vắc xin có nguy cơ tử vong hoặc bệnh tái phát sau 3 năm chưa đến 49%, thấp hơn nguy cơ tái phát trung bình sau phẫu thuật đối với nhóm bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển là 50%. Tỉ lệ sống sót không tái phát sau 2,5 năm đối với mũi tiêm kết hợp với Keytruda là 74,8%.

Điều đó mở ra kỷ nguyên mới về y học “cá nhân hóa”. Các mũi tiêm mRNA COVID-19 được thiết kế để ngăn ngừa bệnh tật bằng cách hướng dẫn các tế bào sản xuất ra một loại “protein vi rút vô hại” giúp hệ miễn dịch nhận biết và chống lại vi rút trong tương lai. Vắc xin mRNA ung thư thì có tác dụng điều trị, dành cho những người đã mắc bệnh.

Sự đột phá ở đây là mỗi loại vắc xin được phát triển bằng cách sử dụng các mẫu ung thư của từng bệnh nhân. Vắc xin giúp hệ miễn dịch nhận ra các đột biến hoặc đặc điểm riêng biệt của tế bào ung thư để tấn công khi bất kỳ đột biến hoặc đặc điểm nào vẫn còn hoặc tái phát sau phẫu thuật. Nhờ đó tăng khả năng phục hồi và giảm tái phát ung thư trong tương lai.

Ngoài ung thư da, các thử nghiệm vắc xin “cá nhân hóa” đã được lên kế hoạch hoặc đang tiến hành cho nhiều bệnh khác như ung thư cổ và đầu, ung thư phổi, tuyến tụy, bàng quang và thận. Các chuyên gia ca ngợi những mũi tiêm này là cuộc cách mạng mang lại hy vọng thực sự về việc chữa khỏi ung thư. Merck và Moderna cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho cả vắc xin ung thư da và phổi. Cả 2 chương trình đều đang tích cực tuyển người tham gia.

Liệu pháp này vẫn còn ở giai đoạn đầu và cần một chặng đường dài trước khi đi vào thực tiễn. Cho đến khi được chấp thuận, các phương pháp điều trị ung thư bằng vắc xin vẫn bị xem là một phần của các thử nghiệm lâm sàng.

Nam Anh (theo The Guardian, Forbes, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI