Vắc xin, khẩu trang, sát khuẩn… giúp tạo kỳ tích ở châu Á

25/11/2021 - 06:13

PNO - Giữa lúc COVID-19 có dấu hiệu tái bùng phát ở châu Âu và Mỹ, các quốc gia châu Á nơi từng là tâm điểm dịch bệnh dường như đã bước sang trang mới với số ca nhiễm giảm mạnh, khi độ bao phủ vắc-xin rộng và ý thức đeo khẩu trang, thực hiện các quy định phòng, chống dịch được đề cao.

Thành quả từ tiêm chủng và ý thức phòng dịch

Vào tháng 6, khi chỉ còn bảy tuần là đến Thế vận hội Tokyo, mới chỉ có 3,5% dân số Nhật Bản được tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Nhật Bản quyết định hành động, quân đội đã được huy động vào đầu tháng 7, giúp phân phối một triệu mũi tiêm vắc xin mỗi ngày.

áu tháng sau, Nhật Bản không chỉ vượt qua thời kỳ hỗn loạn ban đầu, mà hiện đã có khoảng 76% người Nhật đã chủng ngừa COVID-19 đầy đủ. Giáo sư Testuo Fukawa - nhà xã hội học tại Viện Phúc lợi Tương lai ở Tokyo - chia sẻ: “Số người chết thực sự rất thấp. Năm 2020, tuổi thọ trung bình của người Nhật thậm chí còn tăng lên. Ở các nước khác, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, tuổi thọ trung bình đều giảm vào năm 2020”. 

Nhờ chính phủ huy động nguồn lực, vận động tiêm chủng nhanh chóng cùng thói quen đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh của người dân, Nhật Bản đã nhanh chóng khống chế COVID-19 - ẢNH: GETTY IMAGES
Nhờ chính phủ huy động nguồn lực, vận động tiêm chủng nhanh chóng cùng thói quen đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh của người dân, Nhật Bản đã nhanh chóng khống chế COVID-19 - Ảnh: Getty Images 

Giáo sư Fukawa cho rằng có thể tuổi thọ cao cùng tỷ lệ béo phì thấp tại Nhật Bản góp phần giúp giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19. Ông đã so sánh tuổi thọ, tỷ lệ béo phì và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở chín nước. Kết quả, các nước có tỷ lệ béo phì thấp có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn. Hơn nữa, trên đường phố những ngày này ở London (Anh), hầu như không có ai đeo khẩu trang, ngay cả trong những không gian kín. Ngược lại ở Nhật Bản, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang, ở công viên, thậm chí trên bãi biển và trong xe cá nhân… Bên cạnh đó, người dân Nhật Bản có thói quen rửa tay. Dung dịch sát khuẩn có ở khắp mọi nơi, tại các cửa hàng tiện lợi, nhà vệ sinh công cộng, ga tàu, nhà hàng và quán cà phê… 

Tương tự, số ca nhiễm COVID-19 đang giảm mạnh ở Indonesia dù nơi đây từng là điểm nóng tại Đông Nam Á, hiện mức khoảng 360 ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày chỉ tương đương 1% của mức đỉnh ghi nhận vào ngày 18/7/2021. Tổng cộng, quốc gia vạn đảo ghi nhận 4.253.598 ca nhiễm và 143.744 ca tử vong liên quan đến COVID-19.

Chính phủ Indonesia đã hoàn thành sớm mục tiêu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số vào cuối năm 2021. Khoảng 130,3 triệu người (62,5%) đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và hơn 84,1 triệu người (40,4%) hoàn thành mũi thứ hai. Mũi tiêm nhắc lại cho nhân viên y tế cũng đạt 81% mục tiêu. Quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới có kế hoạch tiêm mũi bổ sung cho công chúng sau khi 50% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ. 

Vẫn cần thận trọng

Cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Ấn Độ vốn giết chết hàng ngàn người mỗi ngày hồi tháng Tư, Năm đã giảm mạnh nhờ các biện pháp giãn cách và thúc đẩy tiêm chủng. Vào tháng 10, Ấn Độ kỷ niệm việc cung cấp liều vắc xin thứ một tỷ, kỳ tích tưởng chừng không thể xảy ra. 

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Lancet, Covaxin - vắc xin COVID-19 đầu tiên được phát triển ở Ấn Độ - có “hiệu quả cao” và không gây lo ngại về an toàn. Sản phẩm được WHO phê duyệt khẩn cấp vào đầu tháng 11 sau nhiều tháng sử dụng nội địa. WHO mô tả Covaxin là “cực kỳ phù hợp với các nước có thu nhập thấp và trung bình do yêu cầu bảo quản dễ dàng”. Viện Huyết thanh của Ấn Độ - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới - đã cung cấp hơn 80% liều vắcxin sử dụng trong nước.

Hiện tại, Ấn Độ chưa xem xét việc tiêm liều tăng cường vì nhiều người dân đã nhiễm và khỏi bệnh tự nhiên. Thay vào đó, các nhà chức trách tập trung vào việc đảm bảo 944 triệu người trưởng thành ở Ấn Độ hoàn thành việc tiêm phòng hai liều vào tháng 1/2022. Ấn Độ ghi nhận 7.579 ca COVID-19 mới vào ngày 23/11 - con số thấp nhất trong vòng 543 ngày - nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 34,5 triệu ca. Quốc gia này cũng ghi nhận 236 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số người chết kể từ đầu đại dịch lên 466.147 người. 

Tuy nhiên, Namanjaya Khobragade - điều phối viên của tổ chức phi lợi nhuận về y tế ở bang Jharkhand - cảnh báo: “Bây giờ không phải là lúc mất cảnh giác. Nhiều người mới chỉ tiêm vắc xin liều đầu tiên. Chúng ta không thể để họ nguy hiểm và cần tăng cường tốc độ tiêm chủng”. 

Tấn Vĩ (theo NY Times, BBC, Guardian, Aljazeera, NDTV)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI