Vắc-xin giúp Việt Nam khống chế được nhiều loại bệnh

22/07/2021 - 06:14

PNO - Khởi động từ năm 1981, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế - trong quá khứ, dịch tả, sốt xuất huyết, sốt rét là những loại bệnh truyền nhiễm xảy ra nhiều ở Việt Nam và gây ra những trận dịch lớn.

Riêng dịch tả, trong 200 năm qua, thế giới cũng phải trải qua bảy đại dịch với hàng trăm ngàn ca tử vong. Trong các thế kỷ trước, Việt Nam nhiều lần bị dịch tả tấn công, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Đậu mùa cũng từng xuất hiện ở Việt Nam cùng các dịch bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao… Nhờ có vắc-xin, bệnh đậu mùa đã biến mất. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng giúp Việt Nam thanh toán được bại liệt và khống chế được nhiều bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Ngoài các thành tựu về bảo vệ sức khỏe, chương trình còn góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vắc-xin để tự túc được nguồn dự phòng cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong các loại vắc-xin giúp phòng ngừa 12 bệnh nằm trong chương trình, Việt Nam chỉ chưa sản xuất được vắc-xin Hib.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đánh giá, việc phát minh ra vắc-xin và chương trình tiêm chủng là thành quả mang giá trị bậc nhất của nền y học. Theo ông, thế giới hiện có khoảng 30 loại vắc-xin được phép lưu hành. Việt Nam cũng đã cho phép lưu hành các loại vắc-xin này. Thông qua Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Việt Nam đã tiêm chủng miễn phí được khoảng 10 loại vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm cho trẻ em cả nước.

Bên cạnh đó, hệ thống dự phòng của Việt Nam cũng phát triển dịch vụ tiêm vắc-xin giúp ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu, quai bị, viêm gan A, viêm màng não mô cầu týp A+C, týp B+C, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa, cúm, dại, ung thư cổ tử cung… Nhưng trên thực tế, không phải bệnh viện hay trung tâm tiêm chủng nào cũng có đủ các loại vắc-xin dịch vụ cũng như đủ số lượng. Vào những đợt cao điểm của dịch bệnh, tình trạng thiếu hoặc hết vắc-xin vẫn xảy ra.

“Nhờ việc bao phủ vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, chúng ta đã khống chế được nhiều bệnh và giảm đáng kể tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi cũng như dưới 5 tuổi tử vong. Khi chưa có vắc-xin, có một số bệnh hễ mắc là chết, như bệnh dại chẳng hạn. Hiện nay, nhờ có vắc-xin, nhiều trường hợp bị chó dại cắn đã được cứu sống và không mắc bệnh dại” - phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu nói.

Đối với COVID-19, ông Nguyễn Huy Nga cho rằng, vắc-xin đã được tạo ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy, xuất hiện kịp thời. Tuy nhiên, do SARS-CoV-2 là một loại vi-rút RNA nên vắc-xin cũng khó có hiệu lực bền vững. Người ta chỉ mới đánh giá được hiệu quả trong một năm hoặc có thể thấp hơn. Các nghiên cứu cũng xác nhận về tác dụng phụ gây rối loạn đông máu của vắc-xin ngừa COVID-19, nhưng cần có niềm tin rằng, chúng sẽ được khắc phục. “Tác dụng không mong muốn là không thể tránh khỏi. Nhiều vắc-xin trong chương trình quốc gia cũng từng gặp những sự cố như thế” - phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga nhận định. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói bệnh đậu mùa được xóa sổ vào năm 1979 là muốn đề cập rằng, thông qua các nỗ lực toàn cầu, bệnh dịch đã được loại bỏ hoàn toàn, không có các trường hợp mới mắc bệnh trên toàn thế giới. Khi tuyên bố một căn bệnh nào đã được xóa sổ thì xem như không cần phải bổ sung thêm bất cứ biện pháp kiểm soát nào nữa. Còn “khống chế” là giảm đến mức không còn ca mắc, hoặc một số lượng rất thấp các trường hợp mới nhiễm bệnh trong một khu vực địa lý nhất định. Như vậy, với một bệnh đã được khống chế, các biện pháp dự phòng vẫn tiếp tục được áp dụng nhằm ngăn chặn việc lây lan.

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI