Vắc xin điều trị ung thư vú sử dụng công nghệ mRNA cho kết quả khả quan ban đầu

17/04/2022 - 12:28

PNO - Các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke, bang Nam Carolina (Mỹ), đã phát hiện ra một loại vắc xin điều trị ung thư đầy hứa hẹn - dựa trên cùng công nghệ RNA hoặc mRNA, vốn được sử dụng trong điều chế vắc xin COVID-19 - có khả năng chống lại một loại ung thư vú.

Đây là sản phẩm axit nucleic RNA, có tính năng mã hóa một loại protein cụ thể, và sau đó có thể được bao bọc trong một thứ mà chúng tôi gọi là hạt nano lipid, có hình dạng như một bong bóng chất béo rất nhỏ, và có thể được tiêm vào cơ thể của con người”, tiến sĩ Zachary Hartman - phó giáo sư Khoa phẫu thuật, bệnh lý và miễn dịch học tại Trường Y khoa thuộc Đại học Duke, một thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết.

Hiện, các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn thử nghiệm 2 để tìm hiểu liệu phương pháp điều trị ung thư bằng vắc xin mRNA
Hiện, các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2 để tìm hiểu liệu pháp điều trị ung thư bằng vắc xin mRNA

Đứng đầu nghiên cứu nói trên là tiến sĩ Herbert Kim Lyerly, người đã có quá trình làm việc tại Đại học Duke gần 40 năm, và đã tận mắt chứng kiến ​​quá trình phát triển các liệu pháp điều trị ung thư, từ hóa trị liệu - một phương pháp có vô số tác dụng phụ - đến liệu pháp miễn dịch.

 

Theo Trung tâm Nghiên cứu ung thư lâm sàng, protein HER2, có liên quan đến sự phát triển mạnh của khối u, thường chiếm ưu thế trong khoảng 20% đến 30% trường hợp ung thư vú. Do đó, đa số các phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu chống lại loại protein này. Tuy nhiên, tiến sĩ Lyerly cho biết protein này lại thường kháng thuốc.

 

Vì vậy, vào năm 2019, các nhà nghiên cứu của Đại học Duke đã tìm thấy một hướng ra khả quan khác, trong việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với một loại vắc xin có khả năng chống lại sự phát triển của khối u ở 7 trong số 22 bệnh nhân bị ung thư vú tái phát. Kết quả cho thấy, có bệnh nhân sống sót tại thời điểm nghiên cứu được công bố, theo thông cáo báo chí được cập nhật ngày 9/7/2019.

 

“Chúng tôi đã nghiên cứu công nghệ vắc xin mRNA này trong nhiều năm. Đại dịch COVID-19 đã làm rõ hiệu quả của phương pháp này. Mặc dù vắc xin hiện tại là vắc xin mRNA tổng hợp, và được chế tạo để chống lại ung thư vú, nhưng nó có thể được sử dụng cho các bệnh ung thư khác có biểu hiện protein HER2, trong đó có ung thư phổi, dạ dày và ung thư thực quản.

 

Vắc xin theo công nghệ mRNA kích thích hệ thống miễn dịch, cụ thể là tế bào T, tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào khối u. Nó có khả năng lập trình để điều khiển hệ thống miễn dịch không bỏ qua các tế bào khối u, mà nhận ra chúng là kẻ xấu để tiêu diệt”, tiến sĩ Lyerly chia sẻ với tờ Fox News.

 

Hiện, các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn thử nghiệm 2 để tìm hiểu liệu phương pháp điều trị ung thư bằng vắc xin mRNA có hiệu quả hay không, khi kết hợp vắc xin với chất ức chế điểm kiểm tra miễn dịch gọi là pembrolizumab.

 

“Thông qua cơ chế hoạt động song song này, vắc xin sẽ tạo ra hệ thống miễn dịch và chất ức chế trạm kiểm soát, sau đó kích thích các tế bào T hoạt động, dẫn đến giảm khối u rõ rệt và giúp bệnh nhân hồi phục lâu dài mà không còn khối u”, các nhà nghiên cứu cho biết.

 

Nhất Nguyên (the Fox News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI