Vắc xin CureVac đầy hứa hẹn đã gây thất vọng khi thử nghiệm lần cuối

03/07/2021 - 08:29

PNO - Sau các vắc xin thuộc nhóm mRNA là Pfizer và Moderna, CureVac của Đức là loại vắc xin được mong đợi từ lâu, đã được đặt trước hàng trăm triệu liều, nhưng dữ liệu thử nghiệm cuối cùng của nó đã gây thất vọng khi chỉ đạt hiệu quả 48% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng.

Dữ liệu ban đầu đáng thất vọng từ một thử nghiệm lâm sàng lớn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về điều gì đã xảy ra với vắc xin CureVac - Ảnh: phonlamai/Depositphotos
Dữ liệu ban đầu đáng thất vọng từ một thử nghiệm lâm sàng lớn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về điều gì đã xảy ra với vắc xin CureVac - Ảnh: phonlamai/Depositphotos

Cuối năm 2020, hai vắc xin COVID-19 theo cơ chế mRNA đã có kết quả thử nghiệm trên người giai đoạn cuối rất khả quan. Với hiệu quả hơn 90%, vắc xin Pfizer và Moderna đã giới thiệu cho thế giới một loại công nghệ sinh học hoàn toàn mới và đưa ra một lối thoát cho đại dịch toàn cầu tàn khốc.

Xếp sau hai loại vắc xin đó là ứng viên mRNA ngừa COVID-19 thứ ba của một công ty Đức có tên là CureVac. Được chuyên gia sinh học Ingmar Hoerr thành lập năm 2000, CureVac là một trong những công ty dược phẩm sinh học đầu tiên thực sự tập trung vào các liệu pháp mRNA.

Sau thành công của các vắc xin COVID-19 nhóm mRNA khác vào cuối năm 2020, rất nhiều sự chú ý được chuyển sang ứng cử viên đầy hứa hẹn CureVac. Công ty đã đi chậm hơn một chút trong việc phát triển sản phẩm của mình, một phần do từ chối lời đề nghị mua lại với giá hàng tỷ đô la của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuối cùng, chính phủ Đức đã đầu tư hàng trăm triệu euro để thúc đẩy công tác nghiên cứu của CureVac, nhưng mãi đến cuối năm 2020 các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn mới được thực hiện.

Vắc xin CureVac hứa hẹn những ưu thế đáng kể so với các ứng cử viên Pfizer và Moderna, nó rẻ hơn và đặc biệt là không cần bảo quản siêu lạnh như các vắc xin mRNA khác.

Các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã đặt hàng trước gần nửa tỷ liều vắc xin CureVac và loại vắc xin này được chuẩn bị để đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.

Trong vài tuần qua, dữ liệu đầu tiên từ thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô khổng lồ khắp toàn cầu của CureVac đã được tiết lộ. Cuộc thử nghiệm thu hút khoảng 40.000 người, trải dài trên 10 quốc gia và nhắm đến 15 biến chủng khác nhau của virus SARS-CoV-2.

Theo CureVac, vắc xin của công ty - được ký hiệu là CvnCoV – chỉ đạt 48% hiệu quả chống COVID-19 có triệu chứng ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào. Phân tích chi tiết hơn về dữ liệu cho thấy bức tranh tươi sáng hơn một chút với hiệu quả tăng lên 77% khi tập trung vào việc ngăn ngừa bệnh từ trung bình đến nặng ở các đối tượng từ 18 đến 60 tuổi. Và quan trọng nhất, không có trường hợp nhập viện hoặc tử vong nào trong nhóm tiêm vắc xin này.

Chính xác tại sao vắc xin CureVac không hiệu quả như Pfizer hoặc Moderna là một bí ẩn lớn. CureVac cho rằng lý do chính là do sự lây lan mạnh của các biến chủng SARS-CoV-2 trong quá trình thử nghiệm lâm sàng: Chỉ có 3% các ca nhiễm COVID-19 được phát hiện trong thử nghiệm CVnCoV đến từ chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Kathleen Neuzil, một chuyên gia về vắc xin tại Đại học Maryland (Mỹ), hoài nghi những kết quả trái ngược của CureVac có thể được giải thích chủ yếu là do các biến chủng của virus. Khối lượng dữ liệu thực tế ngày càng tăng cho thấy một vắc xin mRNA dường như có thể cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ đối với cả các biến chủng, mặc dù có yếu hơn một chút. Bà Neuzil nói với tạp chí khoa học ScienceMag: “Thật khó để tôi tin rằng các biến chủng có thể có mức độ ảnh hưởng như vậy”.

Một trong những điểm khác biệt lớn giữa vắc xin CureVac và các vắc xin Pfizer và Moderna là cách thiết kế các phân tử mRNA. CureVac từ lâu quảng cáo việc sử dụng một dạng mRNA tự nhiên, không bị biến đổi, trong khi hai loại vắc xin còn lại dựa vào một số sửa đổi cơ sở RNA quan trọng.

Giám đốc công nghệ của CureVac gần đây cho biết còn quá sớm để loại bỏ hoàn toàn mRNA tự nhiên và công ty đang nghiên cứu một phiên bản mới của vắc xin COVID-19 - vẫn sử dụng mRNA chưa sửa đổi. Nhưng các nhà nghiên cứu mRNA khác dường như tin rằng mRNA không biến đổi chỉ đơn giản là một công nghệ vắc xin kém hiệu quả hơn.

Thanh Hiền (theo New York Times, CureVac)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI