Nga vừa tuyên bố đã hoàn tất việc điều chế vắc-xin COVID-19, ghi tên mình vào danh sách quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công “thần dược” điều trị coronavirus mang tên Sputnik V. Hàng loạt các cường quốc khác cũng đang dồn hết sức lực cho cuộc chạy đua này. Trong lịch sử cũng đã chứng kiến những cuộc chạy đua vắc-xin không kém phần khốc liệt như vậy.
Nga công bố đã bào chế thành công vắc-xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới - Ảnh: Globallookpress
Quả ngọt thành trái đắng
Vào ngày 12/4/1955, trang nhất tất cả các tờ báo ở Mỹ đều tràn ngập một tin tốt lành làm nức lòng tất cả dân chúng: vắc-xin điều trị virus bại liệt do tiến sĩ Jonas Salk thực hiện đã thành công. Chỉ trước đó 3 năm, lịch sử nước Mỹ đã phải chứng kiến số người chết kỷ lục trong đại dịch với virus gây bệnh bại liệt: 57.000 người bị nhiễm virus, 21.000 người bị bệnh bại liệt, và hơn 3.000 người tử vong, hầu hết là trẻ em. Nhà trẻ, công viên, hồ bơi... đều phải đóng cửa, và các ông bố bà mẹ phải giữ rịt lũ trẻ ở trong nhà với những khuôn mặt đầy lo âu.
Chính vì vậy, tin tức về vắc-xin của tiến sĩ Salk đã được hoan nghênh nhiệt liệt với những lời tán dương đầy vui mừng của người dân, và cả những giọt nước mắt nuối tiếc của những bậc phụ huynh không may vì những đứa con đã phải ra đi trước đó. Ngay chính bản thân Tổng thống Dwight D. Eisenhower, vốn là một người lạnh lùng kín tiếng, cũng phải thốt lên đến lạc giọng trong cuộc họp báo diễn ra tại vườn Hồng lúc đó: “Tôi không biết phải nói thế nào để cám ơn ngài, thưa tiến sĩ Jonas Salk. Là một người cha, một người ông, tôi chỉ biết nói rằng: Tôi rất, rất vui sướng”. Những lời này được David Oshinsky - một sử gia người Mỹ - ghi lại trong quyển sách đạt giải Pulitzer năm 2005 mang tên “Virus bại liệt: Một câu chuyện từ nước Mỹ” (Polio: An American Story).
Tuy nhiên, với tiến sĩ Salk, mọi thứ không hề là một giấc mơ ngọt ngào để ông kịp tận hưởng. Ngay sau đó, nước Mỹ lại bị bao phủ bởi sự thất vọng, nghi kị, và cả những lời chỉ trích gay gắt khi những liều vắc-xin của tiến sĩ Salk được phân phối rộng rãi ra thị trường đã vấp phải các thách thức “chí tử”: tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tác dụng phụ và những căn bệnh phát sinh sau khi tiêm vắc-xin, và cả sự cạnh tranh khốc liệt từ những công ty sản xuất vắc-xin đối thủ.
Tiến sĩ Jonas Salk, cha đẻ của vắc-xin phòng virus bại liệt đang cầm trên tay mẻ vắc-xin thử nghiệm được bào chế tại phòng lab ở Đại học Pittsburgh năm 1954 - Ảnh: AP
Vào đầu những năm 1950, chính phủ Mỹ đóng vai trò rất mờ nhạt trong lĩnh vực y tế công cộng. Thực tế cho thấy, các dự án bào chế vắc-xin hầu như chỉ nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận để có nguồn lực đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu vắc-xin, mà viện nghiên cứu thuộc Đại học Pittsburgh nơi tiến sĩ Salk làm việc là một ví dụ.
Chỉ đến năm 1954 thì ngành y tế công cộng của Mỹ mới chịu “nhúng tay” vào việc chiến đấu với virus bại liệt này bằng cách kêu gọi vận động hơn 300.000 tình nguyện viên thuộc mọi giới, mọi lứa tuổi tham gia quá trình thử nghiệm vắc-xin của tiến sĩ Salk.
Hơn 200 điểm tiêm vắc-xin được lập nên trên khắp nước Mỹ, với gần 2 triệu trẻ em được tiêm chủng bằng những liều vắc-xin vừa mới “ra lò”. Đây được xem là một đợt thử nghiệm vắc-xin khổng lồ với quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Khi đợt thử nghiệm kết thúc với những kết quả cho thấy sự thành công của loại vắc-xin này, người dân Mỹ hân hoan vui sướng với niềm tin rằng, chính phủ sẽ “bơm” tiền cho tiến sĩ Salk sản xuất đại trà vắc-xin nhằm đảm bảo từng trẻ sơ sinh, trẻ em, và thanh niên nước Mỹ đều được tiêm phòng.
Thế nhưng họ đã nhầm. Chính quyền Tổng thống Eisenhower cho rằng, sản xuất và phân phối vắc-xin là trách nhiệm của khối tư nhân. Và thế là, khi vắc-xin của tiến sĩ Salk được phê duyệt, không có một “xu” nào từ ngân khố Mỹ được cấp kèm.
Thay vào đó, việc đưa vắc-xin vào cuộc sống lại một lần nữa được đặt lên vai của các tổ chức phi lợi nhuận với khoảng 9 triệu liều được xuất xưởng, không đủ để đáp ứng nhu cầu quá cao của dân chúng. Chỉ một số ít đối tượng mục tiêu là được tiêm vắc-xin, bao gồm trẻ sơ sinh và trẻ em. Những người dưới 18 tuổi khác đã phải chịu cảnh giãn cách xã hội do virus cho đến hết mùa hè sang năm.
Tiến sĩ Salk đích thân tiêm mũi vắc-xin thử nghiệm lên cơ thể của một học sinh thuộc trường tiểu học Arsenal ở Pittsburgh năm 1954 - Ảnh: AP
Thế nhưng Canada thì ngược lại. Bộ Y tế, với sự ủng hộ tuyệt đối từ chính phủ, đã ngay lập tức chớp lấy cơ hội hợp tác với tiến sĩ Salk để đẩy mạnh việc sản xuất và phân phối vắc-xin ra công chúng. Kết quả là, tất cả trẻ em và thanh thiếu niên Canada đều được tiêm phòng vắc-xin ngay sau đó.
Những liều vắc-xin chết chóc
Năm 1955, có tất cả 6 công ty dược phẩm của Mỹ được cấp phép sản xuất vắc-xin Salk (được đặt theo tên của tiến sĩ Salk). Những liều vắc-xin này hoạt động theo cơ chế: một con virus được tiêm vào cơ thể người, rồi từ đó, cơ thể được “huấn luyện” để tạo nên hệ miễn dịch với kháng thể đủ mạnh để chống lại và tiêu diệt virus.
Về lý thuyết thì như thế, và sẽ không có chuyện gì xảy ra cho đến một ngày “xấu trời” 24/4/1955, trước chỉ một tuần khi đứa trẻ đầu tiên ở Mỹ đón nhận mũi vắc-xin tiêm vào cơ thể mình. Một bác sĩ ở Idaho cấp báo về trường hợp một bệnh nhân 7 tuổi tên là Susan Pierce có triệu chứng sốt cao kèm theo cánh tay trái tiêm vắc-xin bị tê liệt. Ba ngày sau, cô bé Susan đã tử vong.
Điều khủng khiếp là, Susan không phải là trường hợp duy nhất. Thêm 14 ca tử vong tiếp theo chỉ trong 1 tuần. Đáng ngại hơn, một người mẹ 33 tuổi cũng đã chết do nhiễm virus bại liệt lây từ chính những đứa con vừa tiêm vắc-xin của mình.
Sau khi có hàng trăm ca tử vong liên quan trên khắp nước Mỹ được ghi nhận và báo cáo, ngày 8/5/1955, Bộ Y tế Mỹ đã ra lệnh dừng ngay lập tức việc sản xuất và tiêm vắc-xin Salk cho đến khi nguyên nhân của những ca tử vong được điều tra làm rõ. Tờ New York Times chạy một bài xã luận trên trang nhất ngày 8/5/1955 mô tả “làn sóng hân hoan khi có vắc-xin đã bị thay thế bởi sự lo lắng, nghi ngờ, và mâu thuẫn chỉ trong vòng một tháng”.
Đây chính là liều vắc-xin gây nên cái chết của bé gái Susan vào ngày 24/4/1955 - Ảnh: Getty Images
“Chiến tranh lạnh” mang tên “cuộc đua vắc-xin”
Liên Xô, một đối thủ “truyền kiếp” của Mỹ thời chiến tranh lạnh, lại chính là nước đầu tiên thử nghiệm một loại vắc-xin mới mang tên Sabin, được cho phép uống thử nghiệm đại trà trên 10 triệu trẻ em Liên Xô năm 1959. Ngay khi có kết quả thành công, Liên Xô đã lập tức đặt hàng với đơn hàng “khủng”: toàn bộ công dân dưới 20 tuổi đều được uống vắc-xin Sabin, tương đương 77 triệu người. Tiếp đó, vào năm 1960, các nước Đông Âu cũ như Lithuania và Estonia cũng sử dụng vắc-xin Sabin cho dân chúng, giúp cứu sống hàng trăm triệu người.
Chính thành công của vắc-xin Sabin đã khiến dân chúng Mỹ đặt dấu chấm hỏi về việc tại sao trẻ em Liên Xô được cứu sống khỏi nạn dịch còn trẻ em Mỹ thì không? Thậm chí có nhiều lời chỉ trích chính phủ Mỹ khi chi tiêu quá nhiều ngân sách cho quốc phòng trong khi lại không quan tâm đến sức khỏe của dân chúng. Dưới sức ép của công luận, năm 1961, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) đã phải quyết định thay thế vắc-xin Salk bằng liệu trình uống Sabin cho trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ.
Tiến sĩ Albert Sabin, người tạo ra vắc-xin dạng uống mang tên mình - Ảnh: Getty Images
Cuộc chạy đua toàn cầu nhằm xóa sổ bệnh bại liệt
Từ đầu những năm 1960, cuộc chiến chống bệnh bại liệt với quy mô toàn cầu đã được phát động với niềm cảm hứng từ vắc-xin Sabin chứ không phải vắc-xin Salk. Năm 1962, Cuba bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hàng năm với vắc-xin Sabin cho toàn bộ trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi. Nhờ vậy, trong suốt những năm từ 1963 đến 1989, chỉ có 10 trường hợp mắc bệnh bại liệt được ghi nhận ở Cuba. Và đến 1994, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Cuba hoàn toàn khống chế được bệnh bại liệt.
Trong những năm 1960 đến 1970, vắc-xin ngừa bệnh bại liệt đã được tiêm phòng rộng rãi ở hầu hết các quốc gia phát triển trên khắp thế giới, bao gồm: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, hầu hết châu Âu và phần lớn các nước Trung và Nam Mỹ. Trong khi gần như toàn thế giới đều sử dụng vắc-xin Sabin cho chương trình chống bại liệt của quốc gia mình thì các nước thuộc khối Bắc Âu (Scandinavia) lại trở thành ngoại lệ khi quyết định sử dụng vắc-xin được bào chế từ công thức của tiến sĩ Salk vốn gây nên các vụ tử vong hàng loạt trước đó.
Vắc-xin đã giúp cứu sống hàng triệu trẻ em khỏi bệnh tật - Ảnh: Mississippi Department of Archives and History
Có thể nói, nhờ sự ra đời của cả hai loại vắc-xin Sabin và Salk, virus gây bệnh bại liệt đã bị tiêu diệt gần như hoàn toàn trên khắp thế giới. Thế nhưng, nghiệt ngã thay, ngay thời điểm này, loài người lại đang phải đối mặt với một loại virus quái ác mới mang tên COVID-19. Và cuộc chạy đua mang tên “vắc-xin” vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Ngày 7/1 (giờ địa phương), cảnh sát cho biết 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương, sau khi xảy ra vụ nổ súng tại 1 công ty ở bang Baden-Württemberg.