Vắc xin cúm có thể làm giảm nguy cơ nghiêm trọng của COVID-19

13/07/2021 - 06:08

PNO - Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng tiêm vắc xin cúm có thể làm giảm tác động nghiêm trọng của COVID-19.

Một nghiên cứu mới cho thấy những người được tiêm phòng cúm ít có khả năng cần phải chăm sóc khẩn cấp nghiêm trọng và việc tiêm vắc xin cúm có thể làm giảm các nguy cơ chuyển nặng và tử vong do COVID-19 gây ra.

Một phân tích trên 75.000 bệnh nhân COVID-19 từ khắp nơi trên thế giới cho thấy tiêm phòng cúm hàng năm giúp giảm nguy cơ đột quỵ, nhiễm trùng huyết và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) ở bệnh nhân COVID-19.

Theo các nhà nghiên cứu, những bệnh nhân COVID-19 được tiêm phòng cúm cũng ít có khả năng phải nhập viện và bị chuyển nặng phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Devinder Singh, giáo sư tại Đại học Y khoa Miami Miller, Mỹ, cho biết: “Phát hiện này đặc biệt có ý nghĩa vì đại dịch đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên ở nhiều nơi trên thế giới.

“Do đó, nghiên cứu của chúng tôi - nếu được xác nhận bằng các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên tiềm năng - có khả năng giảm gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới”, Singh, tác giả chính của nghiên cứu, nói thêm.

Tiêm phòng cúm hàng năm giúp giảm nguy cơ đột quỵ, nhiễm trùng huyết và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) ở bệnh nhân Covid. (Hình ảnh đại diện)
Tiêm phòng cúm hàng năm giúp giảm nguy cơ đột quỵ, nhiễm trùng huyết và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) ở bệnh nhân COVID-19 

Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng vắc-xin cúm có thể bảo vệ chống lại COVID-19, có nghĩa là nó có thể là một vũ khí có giá trị trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Đây là nghiên cứu lớn nhất thuộc loại này, được sàng lọc từ hồ sơ sức khỏe điện tử trên cơ sở dữ liệu nghiên cứu TriNeX của hơn 70 triệu bệnh nhân để xác định hai nhóm bệnh nhân  từ các quốc gia Mỹ, Anh, Đức, Ý, Israel và Singapore.

Hai nhóm được so khớp về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, bao gồm tuổi tác, giới tính, dân tộc, hút thuốc và các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, béo phì và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhóm đầu tiên được chủng ngừa cúm từ hai tuần đến sáu tháng trước khi được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19, nhóm thứ hai đã nhiễm virus nhưng không được chủng ngừa cúm.

Phân tích cho thấy những người không có vắc xin cúm có nhiều khả năng chuyển nặng và phải vào chăm sóc đặc biệt lên đến 20%. Họ cũng có khả năng đến Khoa Cấp cứu cao hơn tới 58%, có khả năng bị nhiễm trùng huyết cao hơn tới 45%, có khả năng bị đột quỵ cao hơn tới 58% và có nguy cơ bị DVT cao hơn tới 40%. Cuối cùng là "Nguy cơ tử vong không giảm"", các nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Riêng nhóm người tiêm vắc xin cúm thì được tăng cường hệ thống miễn dịch bẩm sinh, có khả năng "phòng thủ chung" với nhiều loại virus trong đó có cung cấp sự bảo vệ chống lại COVID-19.

Các tác giả nghiên cứu kết luận, họ vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh rõ hơn về mối liên hệ có thể xảy ra, nhưng trong tương lai chắc chắn vắc-xin cúm có thể được sử dụng để giúp tăng cường khả năng bảo vệ ở các quốc gia thiếu vắc-xin COVID-19.

Susan Taghioff, Đại học Y khoa Miami Miller, cho biết: “Tiêm phòng cúm thậm chí có thể mang lại lợi ích cho những người do dự tiêm vắc-xin COVID-19". Tuy nhiên, nữ tiến sĩ này cũng nói thêm, bất chấp tất cả những nghiên cứu có lợi này, vắc-xin cúm không có nghĩa là được thay thế cho vắc-xin COVID-19 và các nhà nghiên cứu đã vận động mọi người nên tiêm vắc-xin COVID-19 nếu có thể.

Thảo Nguyễn (theo AP, India Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI