Nhiều khó khăn phải đối mặt
Khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 1/2021, tới nay, sau gần một năm triển khai, vắc xin COVID-19 “made in Vietnam” Covivac vừa được quyết định tạm dừng “cuộc đua”, bởi khó khăn trong công tác tuyển tình nguyện viên.
Với tốc độ bao phủ vắc xin đang được đẩy nhanh tại nhiều địa phương, trong đó một số nơi đã đạt tới trên 90% tỷ lệ người dân được bao phủ mũi 1, nhóm nghiên cứu vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm (IVAC) không tìm được địa phương có số lượng tình nguyện viên đảm bảo đủ yêu cầu và số lượng. Theo kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt trước đó, nghiên cứu vắc xin Covivac giai đoạn 3 dự kiến cần 4.000 người tình nguyện thử nghiệm.
|
Vắc' xin Covivac đã tạm ngừng thử nghiệm giai đoạn 3 do thiếu tình nguyện viên (trong ảnh: Tiêm vắc' xin Covivac thử nghiệm giai đoạn 1) |
Trước đó, tại giai đoạn 1, vắc xin đã thử nghiệm trên 120 tình nguyện viên và giai đoạn 2 thử nghiệm trên 375 tình nguyện viên. Kết quả ban đầu, Covivac được đánh giá an toàn, sinh miễn dịch và mang lại nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, với việc không tìm đủ số lượng tình nguyện viên đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn 3 này, Covivac đã phải tạm dừng và cũng chưa rõ khi nào có thể triển khai lại nghiên cứu.
Khó khăn này sớm đã được các đơn vị nghiên cứu nhìn thấy cách đây nhiều tháng, khi một số địa phương như TPHCM, Hà Nội bắt đầu tăng tốc tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, đã cho hay, trong quá trình thí điểm giai đoạn 2, không thể tuyển ngay tình nguyện viên giai đoạn 3 để “giữ chỗ” bởi việc trì hoãn thời gian tiêm chủng của tình nguyện viên có thể khiến họ đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh. Về phương án nghiên cứu thử nghiệm vắc xin liên quốc gia, Viện trưởng IVAC khẳng định “ngoài tầm với” của đơn vị này. Cùng với khả năng kết nối, các điều kiện ràng buộc khắt khe thì kinh phí là một trong những vấn đề khó khăn mà các đơn vị nghiên cứu vắc xin phải đối mặt.
Được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá của vắc xin phòng COVID-19 “made in Vietnam”, dù được khởi động sớm nhất và đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 với hơn 14.000 tình nguyện viên song tới nay, vắc xin Nanocovax do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất vẫn chưa được cấp phép.
Phải tìm cách tháo gỡ vướng mắc
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng (Chính ủy Học viện Quân y) cho hay, Nanocovax đã nộp hồ sơ xin cấp phép khẩn, vắc xin này đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng đạo đức) đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hồi tháng 9/2021 và dự kiến, cuối tuần này sẽ tiếp tục có một cuộc họp, đánh giá với vắc xin này. Ngoài tính an toàn, tính sinh miễn dịch đã được chứng minh về hiệu quả, kết luận tại cuộc họp của Hội đồng đạo đức nêu rõ “vẫn chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của ứng viên vắc xin Nanocovax dựa trên số trường hợp mắc COVID-19 trong nghiên cứu, cần tiếp tục thực hiện đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt”.
Tuy nhiên, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng cũng nêu thực tế, hiện nay, thống kê tại nhiều địa phương cho thấy, dù tiêm vắc xin COVID-19 với các loại được cấp phép trên thế giới, song vẫn ghi nhận tỷ lệ ca mắc khá cao. Do đó, để tính hiệu lực bảo vệ đạt trên 50% số người tiêm không mắc COVID-19 sẽ là một khó khăn. Nhiều loại vắc xin trên thế giới cũng cho thấy, dù vẫn có thể nhiễm bệnh song làm giảm tỷ lệ trở nặng và tử vong của người bệnh. Ông thông tin thêm, nếu theo đề cương, tới tháng 3/2021 nghiên cứu sẽ kết thúc.
Tại cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp cả trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 thì một trong những yếu tố quan trọng là phải thực hiện phòng, chống dịch theo đúng công thức “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các giải pháp khác”. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, vắc xin có ý nghĩa quan trọng, tạo sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Vắc xin “made in Vietnam” còn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ của con người Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cả về mặt nghiên cứu, hành chính, pháp lý … phấn đấu sản xuất bằng được vắc xin của Việt Nam đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch, trên cơ sở luật pháp, điều kiện thực tế của Việt Nam; chống mọi sách nhiễu, tiêu cực, chạy đua thiếu lành mạnh, lợi ích nhóm. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ trên tinh thần tôn trọng, bám sát thực tiễn; xử lý, đề xuất giải quyết ngay các vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin, không để ách tắc, kéo dài…
Minh Quang
'