Vắc-xin COVID-19: tiêm 2 liều, khó cho nhân loại

01/09/2020 - 09:01

PNO - Khi vắc-xin COVID-19 xuất hiện trên thị trường, mọi người có thể sẽ cần từ hai liều chứ không chỉ một - và điều đó có thể gây ra nhiều vấn đề đi kèm.

Từ khó khăn trong việc mua sắm bộ dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo hộ trong suốt thời điểm xảy ra đại dịch cho đến các vấn đề về chuỗi cung ứng cho thấy rằng việc phân phối gấp đôi liều lượng vắc-xin cho một quốc gia là cả vấn đề.

Trong khi đó, thuyết phục mọi người đến tiêm vắc-xin không phải một lần mà là hai lần, cũng cực kỳ nan giải.

Các ứng cử viên vắc-xin chống COVID-19 hàng đầu của Mỹ đều đang thử nghiệm với 2 liều cho mỗi cá nhân.
Các ứng cử viên vắc-xin chống COVID-19 hàng đầu của Mỹ đều đang thử nghiệm với hai liều cho mỗi cá nhân

Khó có thể chống bệnh từ một mũi tiêm

Cho đến nay, Chiến dịch Warp Speed, nỗ lực của chính phủ liên bang Mỹ nhằm đưa vắc-xin ra thị trường, đã chi viện tài chính cho sáu công ty dược phẩm.

Hai trong số những công ty đó, Moderna và Pfizer, hiện đang ở Giai đoạn 3, thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. 30.000 tình nguyện viên trong mỗi cuộc thử nghiệm được tiêm hai liều, với Moderna cách nhau 28 ngày và Pfizer tiêm cách nhau 21 ngày.

AstraZeneca dự kiến ​​sẽ bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn 3 trong tháng này. Thử nghiệm Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2 của họ sử dụng hai liều cách nhau 28 ngày.

Hãng Novavax chưa bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn 3 nhưng cũng sử dụng hai liều trong các thử nghiệm trước đó của họ. Còn trong các thử nghiệm Giai đoạn 3 sắp tới của Johnson & Johnson, một số người tham gia sẽ dùng một liều và những người khác sẽ dùng hai liều.

Riêng hãng Sanofi chưa đưa ra thông báo về việc liệu vắc-xin của họ sẽ cần tiêm một hay hai liều.

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên nếu vắc-xin coronavirus sẽ cần hai liều. Nhiều loại vắc-xin - bao gồm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, viêm gan A ở trẻ nhỏ và vắc-xin ngừa bệnh zona cho người lớn – đều yêu cầu hai liều.

Một số vắc-xin yêu cầu nhiều mũi tiêm hơn, ví dụ trẻ em tại Mỹ được tiêm 5 liều vắc-xin DTaP, loại vắc-xin này bảo vệ chúng chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà.

Vấn đề phía trước

Đầu tiên, việc tạo ra 660 triệu liều cho 330 triệu người Mỹ là một kỳ công khó khăn. Nada Sanders - giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Northeastern (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi đang xem xét viễn cảnh mỗi người cần hai mũi tiêm. Con số đó nghĩa là gấp đôi khả năng cung cấp - một vấn đề lớn đè lên chuỗi cung ứng".

Ngoài bản thân vắc-xin COVID-19, các vật dụng y tế đi kèm như lọ đựng, nắp đậy, kim tiêm,... đều phải tăng khả năng cung ứng tùy thuộc vào số mũi tiêm cần thiết.
Ngoài bản thân vắc-xin COVID-19, các vật dụng y tế đi kèm như lọ đựng, nắp đậy, kim tiêm... đều phải tăng khả năng cung ứng tùy thuộc vào số mũi tiêm cần thiết

Không chỉ vậy, bên cạnh vắc-xin, nhu cầu thiết bị y tế cũng tăng cao. Ông Sanders giải thích: “Bạn phải tăng gấp đôi mọi thứ trong chuỗi cung ứng. Ống tiêm, chúng có thể tăng gấp đôi không? Lọ có thể tăng gấp đôi không? Nút đậy, kim tiêm có thể tăng gấp đôi không? Mọi thứ đều phải tăng gấp đôi, và vẫn đảm bảo yêu cầu đồng bộ, kịp thời tại các thực thể khác nhau dọc theo chuỗi".

Thứ hai, việc yêu cầu đa số người Mỹ đến tiêm vắc-xin một lần đã khó khăn, chứ đừng nói đến hai lần. Theo cuộc thăm dò của CNN thực hiện trong tháng 8/2020, 40% người Mỹ nói rằng họ sẽ không tiêm vắc-xin, ngay cả khi nó miễn phí và dễ dàng tiếp cận.

Đối với những người muốn tiêm vắc-xin, yêu cầu họ phải xuất hiện hai lần đi kèm nhiều trắc trở. Chẳng hạn họ sẽ phải ghi nhớ lần hẹn thứ hai, xin nghỉ làm hai lần. Họ có thể phải xếp hàng dài chờ đợi hai lần; và có thể gặp các tác dụng phụ khó chịu, như sốt - hai lần.

Dù vậy, có nhiều cách để giải quyết những trở ngại này, chẳng hạn như các phòng khám di động để mang vắc xin đến cho mọi người thay vì ngược lại. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cũng có tiền lệ về việc phát triển các chương trình tiêm chủng đại trà trong thời gian ngắn.

Vào mùa xuân năm 2009, khi loại cúm mới xuất hiện, một chương trình vắc-xin đã tiêm chủng cho 161 triệu người Mỹ trong vòng vài tháng. Điều đó có nghĩa là chương trình vắc-xin coronavirus sắp tới sẽ khó - nhưng không phải là không thể - thành công

Tiến sĩ Nelson Michael, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Các bệnh Truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed cho biết: "Tôi cho rằng chúng ta vẫn cần suy nghĩ thêm nhiều giải pháp, để đảm bảo rằng chính phủ có thể khuyến khích mọi người quay trở lại để thực hiện chế độ hai mũi tiêm theo cách dễ dàng nhất có thể. Tuy nhiên, đây chắc chắn là bài toán khó".

Tấn Vĩ (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI