Vắc xin COVID-19 sẽ kém hiệu quả với người bị phơi nhiễm hợp chất PFAS?

19/11/2020 - 06:05

PNO - Các nhà nghiên cứu đang lo các hợp chất PFAS, thường được tìm thấy trong cơ thể của người Mỹ, sẽ làm giảm hiệu quả của việc chích ngừa vắc xin COVID-19.

Tình nguyện viên David Rach được chích thử nghiệm vắc xin COVID-19 do Pfizer phát triển (Ảnh: PFIZER / Reuters)
Tình nguyện viên David Rach được chích thử nghiệm vắc xin COVID-19 do Pfizer phát triển (Ảnh: PFIZER / Reuters)

PFAS, viết tắt của các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl - là một nhóm lớn gồm hàng ngàn hợp chất nhân tạo, có mặt trong hầu như mọi thứ sản phẩm, từ chảo chống dính, quần áo chống thấm nước, cho tới hộp bánh pizza…

Các hợp chất PFAS còn được gọi là “hoá chất vĩnh cửu”, do kỵ nước, không hoà tan trong chất béo hoặc các dung môi không phân cực trong tự nhiên, nên rất bền trong môi trường và cơ thể người. Vì vậy sẽ càng tích luỹ theo thời gian. Một lượng nhỏ hợp chất PFAS thường được tìm thấy trong cơ thể người Mỹ, cũng như ở một số nước khác. 

Ước tính có hơn 200 triệu người Mỹ tiêu thụ thức ăn và nước uống có chứa “hóa chất vĩnh cửu” PFAS, với các điểm nóng được tìm thấy ở những khu vực xung quanh các căn cứ quân sự, nơi các loại hoá chất này được sử dụng trong bọt chữa cháy.

Theo nhiều nghiên cứu, PFAS gây ra tác dụng xấu với sức khỏe con người, có liên quan tới các bệnh lý tuyến giáp, tăng cholesterol máu, tác dụng trên hệ miễn dịch, tạo ra nguy cơ tổn thương gan, thận, làm giảm khả năng sinh sản, và thậm chí gây ra ung thư.

Đặc biệt, một số hóa chất loại PFAS cũng có thể gây ra một khuyết tật khác, tuy còn ít được biết tới nhưng có khả năng gây nguy hiểm, vì làm giảm hiệu quả của một số loại vắc xin. Cảnh báo này hiện bắt đầu phủ bóng lên những nỗ lực triển khai các loại vắc xin COVID-19 trong thời gian tới.

“Ở giai đoạn hiện nay, chúng tôi không biết liệu PFAS có ảnh hưởng tới việc chích ngừa virus corona chủng mới hay không, nhưng đó là một rủi ro buộc chúng ta phải vượt qua, với hy vọng vào điều tốt nhất” – ông Philippe Grandjean, trợ giảng về sức khỏe môi trường tại Trường Y tế Công cộng Harvard, cho biết.

Theo một cuộc nghiên cứu do ông Grandjean chủ trì, những trẻ em tiếp xúc với PFAS đã giảm đáng kể mức độ kháng thể sau khi được chích ngừa vắc xin uốn ván và bạch hầu.

Hiện vẫn chưa rõ vắc xin Pfizer có bị giảm hiệu quả trên những người bị phơi nhiễm PFAS hay không. Tuy vậy, với một số vắc xin cạnh tranh khác, vốn được bào chế quanh các gai protein của virus, tương tự như vắc xin phòng bệnh uốn ván và bạch hầu, có thể sẽ có kết quả kém ở những người đã tích lũy các hợp chất PFAS trong người.

“Những người tiếp xúc nhiều với PFAS có mức kháng thể không bảo vệ và rất thấp sau 4 lần chích ngừa bệnh bạch hầu và uốn ván. Vì vậy, nếu gặp một loại vắc xin cho COVID-19 cũng tương tự như vậy, PFAS trong cơ thể có thể sẽ ức chế phản ứng từ vắc xin. Nhưng đó hãy còn là một ẩn số ở giai đoạn này” - ông Grandjean chia sẻ nỗi lo của mình.

Nhựt Minh (theo The Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI