“Việc tiêm vắc xin COVID-19 mũi bốn sẽ tiếp tục góp phần vào việc bảo vệ nhóm nguy cơ, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng”, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) - nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM.
|
Người cao tuổi được tiêm vắc xin COVID-19 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (TP.Hà Nội) - Ảnh: Bảo Khang |
Phóng viên: TPHCM chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin COVID-19 mũi bốn cho người dân, vậy khi nào triển khai tại miền Bắc cũng như cả nước, thưa ông?
Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Quang Thái: Hiện nay, các địa phương đang rà soát và lên danh sách đối tượng tiêm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.
Hiện vắc xin đã sẵn sàng, các địa phương sau khi lên được danh sách, có kế hoạch sẽ triển khai ngay. Một số địa phương mới hoàn thành tiêm mũi ba sẽ cần thêm thời gian để triển khai tiêm mũi bốn, bởi Bộ Y tế hướng dẫn, khoảng cách tối thiểu giữa hai mũi là bốn tháng.
* Tỷ lệ tiêm mũi ba còn khá thấp, một số ý kiến băn khoăn, liệu có cần thiết tiêm mũi bốn không?
- Thực tế, sau khi tiêm mũi ba, chúng ta đã thấy tỷ lệ các ca bệnh chuyển nặng, tử vong giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, trong trường hợp đã tiêm ba mũi, vẫn có một tỷ lệ nhất định, từ 10 - 20% người dân không đáp ứng miễn dịch tốt với các lần tiêm trước kèm theo đó là hiệu lực bảo vệ giảm dần theo thời gian. Đó là lý do, vẫn có các trường hợp có thể trở nặng, tử vong, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi có bệnh nền, người trẻ bị suy giảm miễn dịch… Với tỷ lệ không đáp ứng tốt với vắc xin này, chúng ta không rõ sẽ rơi vào trường hợp cụ thể nào. Do đó, cần một chiến dịch tiêm đại trà để bổ khuyết cho nhóm đối tượng này.
Việc tiêm mũi bốn cũng góp phần hạn chế sự xuất hiện các biến chủng mới. Bởi, khi virus xâm nhập vào cơ thể, nhờ hiệu lực bảo vệ của vắc xin, chúng sớm bị trung hòa, giảm nguy cơ phát sinh biến thể mới. Nếu chúng ta chủ quan, số lượng lây nhiễm trên người càng nhiều thì nguy cơ tạo ra các chủng mới càng lớn. Như chúng ta đã biết, sự xuất hiện của các biến chủng mới của SARS-CoV-2 với tốc độ ngày càng tăng luôn khiến các nhà khoa học đau đầu bởi sự khó lường của chúng.
* Trên thế giới, việc tiêm chủng mũi bốn được triển khai như thế nào?
- Hiện đã có gần mười nước triển khai tiêm mũi bốn. Israel là nước tiên phong tiêm mũi bốn cho người từ 60 tuổi trở lên, người suy giảm miễn dịch, người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc của Mỹ (FDA) cũng phê duyệt liều thứ hai tăng cường, tức liều thứ tư cho người 50 tuổi trở lên, mở rộng đối với đối tượng suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên.
Ngay sau đó, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ cũng cập nhật khuyến cáo cho phép tiêm thêm liều tăng cường này, cách liều tăng cường thứ nhất bốn tháng. Ngoài ra, còn có các nước đã triển khai tiêm mũi bốn như Chi Lê, Hungary, Đan Mạch, Thụy Điển… Các quyết định dựa trên bằng chứng ban đầu cho thấy, mũi tiêm thứ tư tăng khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 cho những người có nguy cơ bị bệnh nặng.
* Với những người đã “tiêm trộn” vắc xin COVID-19, ví dụ hai mũi đầu tiêm AstraZeneca, mũi thứ ba tiêm vắc xin mRNA thì mũi thứ tư sẽ tiêm loại nào, thưa ông?
- Chỉ định loại vắc xin mũi bốn khá linh hoạt. Kinh nghiệm triển khai tiêm trong thời gian qua trên thế giới cho thấy, khi “tiêm trộn” các loại vắc xin , hiệu quả bảo vệ thậm chí còn cao hơn tiêm cùng một loại. Do đó, người đã tiêm vắc xin AstraZeneca và vắc xin mRNA hoàn toàn có thể tiêm một trong hai loại này trong lần tiêm thứ tư. Lưu ý, với những người đã mắc COVID-19, mũi bốn sẽ tiêm sau khi khỏi bệnh ba tháng, thay vì tiêm luôn như mũi nhắc lại thứ nhất.
TPHCM triển khai tiêm mũi bốn ngay khi Bộ Y tế cung ứng vắc xin Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký ban hành văn bản khẩn về kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 liều nhắc lại lần hai (mũi bốn) cho người dân với đối tượng được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Loại vắc xin được sử dụng là mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc xin do AstraZeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi nhắc lại lần một (mũi ba). TPHCM sẽ bắt đầu tiêm ngừa ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin. Đợt này, với người lao động đang làm việc hoặc đang điều trị nội trú tại đơn vị sẽ được tổ chức tiêm tại bệnh viện. Các trường hợp di chuyển khó khăn hoặc không thể di chuyển đến các điểm tiêm sẽ được hỗ trợ tiêm tại nhà. TP.Thủ Đức và các quận, huyện cũng tổ chức các điểm tiêm lưu động trên từng địa bàn. UBND TPHCM giao UBND phường, xã, thị trấn lập danh sách người đủ điều kiện tiêm mũi bốn; dự trù số lượng vắc xin cần sử dụng; tiếp nhận nguồn vắc xin từ Bộ Y tế và bảo quản đúng quy định, yêu cầu chuyên môn để tổ chức tiêm an toàn, chất lượng, đúng tiến độ. An Nguyên |
Kháng thể tăng đáng kể sau liều tăng cường thứ hai Trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet, các nhà nghiên cứu trong thử nghiệm Cov-Boost tại Anh cho biết đã xem xét các phản ứng kháng thể ở 133 người. Họ được tiêm liều thứ tư vắc xin COVID-19 trung bình bảy tháng sau mũi tiêm thứ ba. Ban đầu, họ đã được tiêm hai liều vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc hai liều Oxford/AstraZeneca. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra, 14 ngày sau mũi thứ tư, mức độ kháng thể chống lại SARS-CoV-2 đã tăng 1,6 lần ở những người được tăng cường bằng vắc xin Pfizer/BioNTech. Con số này là hơn hai lần ở người được tiêm nửa liều vắc xin Moderna cho mũi thứ tư. So sánh với thời điểm 28 ngày sau liều thứ ba, lúc nồng độ kháng thể ở mức cao nhất, có thể thấy liều tăng cường thứ hai gây ra đáp ứng miễn dịch thậm chí còn cao hơn phản ứng cao nhất được kích hoạt bởi liều tăng cường ban đầu. Đối với người có mức kháng thể không suy giảm nhiều theo thời gian, mức tăng thấp hơn. Ngọc Hạ (theo Gavi) |
Huyền Anh (thực hiện)