Vắc xin COVID-19 là thành quả tuyệt vời sao lại từ chối!

22/07/2021 - 06:20

PNO - Số ca tử vong do COVID-19 toàn cầu hiện đã vượt mốc 4 triệu. WHO khẳng định vắc xin là cách chắc chắn nhất để ngăn ngừa nhiều ca tử vong hơn.

Các chuyên gia không ngừng kêu gọi người dân tiêm vắc xin bởi đó là biện pháp duy nhất hạn chế ca nhiễm mới và tử vong, đồng thời là liều thuốc hiệu quả để đẩy lùi đại dịch.

Nhân viên y tế Thái Lan tiêm vắc-xin AstraZeneca cho những người trên 50 tuổi ở Bangkok, Thái Lan, vào ngày 16/7 - ẢNH: AFP
Nhân viên y tế Thái Lan tiêm vắc xin AstraZeneca cho những người trên 50 tuổi ở Bangkok, Thái Lan, vào ngày 16/7 - Ảnh: AFP

Một năm trước, nhiều người vẫn nghĩ rằng để có vắc xin ngừa COVID-19, thế giới sẽ phải mất nhiều năm. Nhưng thực tế, chỉ hơn mười tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận đại dịch, những liều vắc xin đầu tiên đã lần lượt được các cơ quan y tế toàn cầu phê duyệt. Siddharth Sridhar - nhà virus học lâm sàng tại Đại học Hồng Kông - cho biết vào thời điểm này năm ngoái, không ai có thể tưởng tượng được việc có thể “tha hồ lựa chọn vắc xin” như hiện nay.

Sự xuất hiện của nhiều loại vắc xin hiệu quả cao và an toàn trong thời gian ngắn  kỷ lục đã đi kèm với một số cảnh báo, đồng thời cũng nhấn mạnh những rủi ro mà các mũi tiêm - giống như bất kỳ can thiệp y tế nào - là không tuyệt đối. Tuy nhiên, có rất nhiều người đã vin vào một phần rất nhỏ của sự không hoàn hảo này để bài trừ vắc xin, để rồi hậu quả là các ca nhiễm mới và tử vong ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hiện nay đang rơi vào những người chưa tiêm chủng.

Theo các chuyên gia, đó là mức độ tiêu cực không tương xứng với rủi ro hoặc hạn chế của vắc xin, có nguy cơ làm suy yếu những nỗ lực cứu sống, đưa xã hội trở lại cuộc sống bình thường. Peter Collignon - bác sĩ bệnh truyền nhiễm và nhà vi trùng học tại Bệnh viện Canberra (Úc) - cho biết: “Vắc xin là một tin tốt và chúng ta cần nhìn nhận ở góc độ tốt hơn. Một năm trước, chúng tôi đã hài lòng với một loại vắc xin có hiệu quả 50%. Nhưng nay, hầu hết có hiệu quả từ 80% trở lên. Về cơ bản, chúng ta đang ở một vị trí tốt hơn nhiều so với một năm trước khi hiệu suất của rất nhiều loại vắc xin hiện có đều giúp ích”.

Do dự về vắc xin đã là một mối quan tâm lớn ở nhiều nước. Tại Úc, gần 1/3 số người được thăm dò cho biết họ không có ý định chủng ngừa, với khoảng một nửa trong số đó viện lý do lo ngại về tác dụng phụ cũng như cho rằng nguy cơ mắc bệnh thấp. Tại Hồng Kông, chỉ ¼ cư dân chưa tiêm phòng cho biết họ dự định sẽ tiêm trong vòng sáu tháng tới, mặc dù số lượng tiêm chủng đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. 

Đứng trước sự do dự này, các nhà chức trách đã chỉ trích những người vì quá thận trọng trước những rủi ro nhỏ mà làm ảnh hưởng đến đại cuộc chung. Các chuyên gia cảnh báo về sự tăng vọt của các ca nhiễm thậm chí ở các nước được tiêm chủng cao như Mỹ, châu Âu, Anh và Israel. Ở Anh và Israel, nơi có khoảng 57% và 66% dân số được tiêm chủng đầy đủ, các trường hợp mắc bệnh COVID-19 đã tăng đáng kể trong những tuần gần đây - nhưng tăng chủ yếu ở những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.  

Số ca tử vong do COVID-19 toàn cầu hiện đã vượt mốc 4 triệu và WHO khẳng định rằng vắc xin là cách chắc chắn nhất để ngăn ngừa nhiều ca tử vong hơn. Riêng tiến sĩ Peter Collignon cho biết, thách thức hiện tại là không để những mặt trái của vắc xin làm lu mờ những lợi ích của nó.

“Tôi biết mọi người đều muốn vắc xin có 100% hiệu quả mà không có tác dụng phụ. Điều này không sai và chúng ta vẫn phải đeo đuổi trong tương lai. Nhưng theo tôi, hiện tại chúng ta phải hướng tới những điều tích cực và loại bỏ sự tiêu cực không cần thiết về một số loại vắc xin. Rõ ràng so với những gì chúng tôi đã nghĩ hồi năm trước thì nay đã có kết quả tốt hơn rất nhiều, thậm chí là tuyệt hơn những gì chúng tôi có thể mong đợi trên thực tế”. 

Thảo Nguyễn (theo AFP, SCMP, MSM) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI