Vắc xin COVID-19 ít có khả năng gây ra hội chứng viêm đa hệ thống hiếm gặp ở trẻ em

23/02/2022 - 13:17

PNO - Theo một phân tích về dữ liệu của chính phủ Mỹ được công bố hôm 22/2, vắc xin COVID-19 rất ít có khả năng gây ra tình trạng viêm đa hệ thống hiếm gặp ở trẻ em, ngay cả ở những trẻ đã bị nhiễm COVID-19 trước khi tiêm. Kết quả này tạo thêm sự an tâm cho các bậc phụ huynh khi cân nhắc việc tiêm ngừa cho trẻ.

Tình trạng viêm này, chính thức được gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, dẫn đến sốt và các triệu chứng ảnh hưởng đến ít nhất 2 cơ quan, trong đó thường có đau dạ dày, phát ban trên da hoặc mắt đỏ. Đây là một biến chứng hiếm gặp ở trẻ em đã bị nhiễm COVID-19, và rất hiếm khi ảnh hưởng đến người lớn. Trẻ bị tình trạng này thường phải nhập viện, nhưng đa số đều hồi phục.

khả năng vắc xin COVID-19 có thể gây ra tình trạng viêm đa hệ chỉ là lý thuyết,
Khả năng vắc xin COVID-19 có thể gây ra tình trạng viêm đa hệ thống cho trẻ em chỉ là lý thuyết

Được ghi nhận lần đầu tiên ở Anh vào đầu năm 2020, hội chứng viêm đa hệ thống đôi khi bị nhầm với bệnh Kawasaki, vốn có thể gây sưng tấy và các vấn đề về tim. Từ tháng 2/2020 đến nay, hơn 6.800 trường hợp đã được báo cáo ở Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của nước này.

CDC và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã thêm hội chứng viêm đa hệ thống vào danh sách các tác dụng phụ tiềm ẩn cần được quan tâm đặc biệt, khi theo dõi tính an toàn của vắc xin COVID-19. Đến nay, chỉ có một số ít trường hợp gặp hội chứng này, được ghi nhận ở những người không có bằng chứng rõ ràng về việc đã bị nhiễm SARS-CoV-2.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại CDC và một số nơi khác đã thực hiện một phân tích mới, được công bố hôm 22/2 trên chuyên san Sức khỏe thanh thiếu niên và trẻ em của tạp chí The Lancet.

“Hiện, khả năng vắc xin COVID-19 có thể gây ra tình trạng viêm đa hệ thống chỉ là lý thuyết, và phân tích của chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào về việc này. Chúng tôi không biết được vai trò chính xác của vắc xin trong việc gây ra hội chứng viêm đa hệ thống. Nếu chỉ tiêm vắc xin cho những người chưa bị nhiễm COVID-19 trước đó, thì có vẻ như vắc xin không phải là một tác nhân đáng kể dẫn đến các triệu chứng này”, Tiến sĩ Buddy Creech - một thành viên của nhóm nghiên cứu, là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa của Đại học Vanderbilt, và đang chủ trì một nghiên cứu về vắc xin Moderna ở trẻ em - cho biết.

Phân tích dựa trên dữ liệu giám sát trong 9 tháng đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19 ở Mỹ, từ tháng 12/2020 đến tháng 8/2021. Trong thời gian này, FDA đã phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer cho những người từ 16 tuổi trở lên; sau đó đã mở rộng cho nhóm từ 12 đến 15 tuổi vào tháng 5/2021; và chấp thuận tiêm vắc xin Moderna và Johnson & Johnson cho những người từ 18 trở lên.

Hơn 21 triệu người từ 12 đến 20 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin trong thời gian nói trên, với 21 người trong số này đã phát triển tình trạng viêm đa hệ thống. Phân tích cho thấy tất cả đều được tiêm vắc xin Pfizer. Trong số 21 người này, có 15 người có bằng chứng từ phòng thí nghiệm, cho thấy đã nhiễm COVID-19 trước khi tiêm, và có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng viêm đa hệ thống.

Sáu người còn lại không có bằng chứng về việc đã bị nhiễm COVID-19 trước đó, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, nhóm người này lại không thể xác nhận một cách chắc chắn rằng họ chưa bao giờ bị nhiễm COVID-19, hoặc một số bệnh nhiễm virus khác có thể dẫn đến tình trạng viêm. Trẻ em bị nhiễm COVID-19 thường không có triệu chứng gì, và nhiều trẻ cũng chưa bao giờ được xét nghiệm để biết được liệu đã từng bị nhiễm hay chưa.

Kết quả cho thấy, đối với trẻ em đã bị nhiễm COVID-19, tình trạng viêm đa hệ thống có thể xảy ra sau khi tiêm chủng, với tỷ lệ 1/1.000.000. Và tỷ lệ này và 1/3.000.000 đối với trẻ không có bằng chứng có thể phát hiện được về việc đã bị nhiễm COVID-19 trước đó.

Tiến sĩ Adam Ratner - một nhà khoa học nhi khoa tại Đại học Y khoa New York Langone - cho biết kết quả nói trên cho thấy nguy cơ xảy ra hội chứng viêm đa hệ thống từ cơ chế kích thích phản ứng miễn dịch của vắc xin là “siêu hiếm”. 

Nhất Nguyên (ClickonDetroit.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI