Vắc-xin COVID-19 giảm 80% nguy cơ nhiễm bệnh chỉ sau liều đầu tiên

30/03/2021 - 10:16

PNO - Nghiên cứu cho thấy hai loại vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna giúp giảm 80% nguy cơ nhiễm bệnh từ hai tuần trở lên ngay sau mũi tiêm đầu tiên.

Đồng thời, theo dữ liệu từ nghiên cứu thực tế trên gần 4.000 nhân viên y tế Mỹ đã tiêm chủng, công bố hôm 29/3, nguy cơ lây nhiễm giảm 90% sau hai tuần kể từ khi tiêm mũi thứ hai.

Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) xem xét hiệu quả của vắc-xin mRNA trên 3.950 người tham gia ở sáu tiểu bang trong khoảng thời gian 13 tuần từ ngày 14/12/2020 đến ngày 13/3/2021. Qua đó đánh giá khả năng bảo vệ của vắc-xin chống lại lây nhiễm, bao gồm cả những trường hợp không thể hiện triệu chứng.

“Nghiên cứu này cho thấy rằng các nỗ lực tiêm chủng quốc gia của chúng tôi đang có kết quả,” Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết trong một tuyên bố.

Những phát hiện từ việc sử dụng vắc-xin RNA thông tin (mRNA) trong thế giới thực xác nhận kết quả đã thấy trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng lớn, được tiến hành trước khi hai loại vắc-xin nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Các thử nghiệm lâm sàng trước đó cũng chứng minh rằng mũi tiêm giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh, nguy cơ nhập viện và tử vong.

Công nghệ vắc-xin mRNA giúp hướng dẫn tế bào trong cơ thể tạo ra các protein phản ánh một phần cấu tạo của virus. Từ đó dạy cho hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công virus thực sự.
Công nghệ vắc-xin mRNA giúp hướng dẫn tế bào trong cơ thể tạo ra các protein phản ánh một phần cấu tạo của virus. Từ đó dạy cho hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công virus thực sự

Cả hai loại vắc-xin từ Pfizer-BioNTech và Moderna đều yêu cầu hai liều cách nhau vài tuần. Hai tuần sau liều đầu tiên, các mũi tiêm phòng ngừa được 80% trường hợp nhiễm trùng; con số này đã tăng lên 90% trong hai tuần sau liều thứ hai, khi mọi người được coi là đã chủng ngừa đầy đủ.

Tiến sĩ Walensky cho biết: “Các vắc-xin mRNA COVID-19 được cấp phép đã cung cấp khả năng bảo vệ sớm, đáng kể trong thế giới thực chống lại sự lây nhiễm cho nhân viên y tế, thành viên đội phản ứng khẩn cấp và những nhân viên thiết yếu khác ở tuyến đầu”.

Tuy các kết quả không phân tích chi tiết khả năng của vắc-xin trong việc ngăn ngừa các ca bệnh không có triệu chứng hoặc ít có triệu chứng, CDC khẳng định: “Nghiên cứu chứng minh rằng hai loại vắc-xin mRNA này có thể làm giảm nguy cơ mắc tất cả các bệnh nhiễm trùng do SARS-CoV-2, chứ không chỉ ở nhóm có triệu chứng”.

CDC nói thêm rằng, các ước tính về khả năng ngăn ngừa lây nhiễm của các mũi tiêm cần được diễn giải một cách thận trọng, do một số lượng tương đối nhỏ các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Cơ quan cũng không có đủ dữ liệu trong nghiên cứu này để phân biệt hiệu quả giữa hai loại vắc-xin. Nghiên cứu diễn ra trước khi ứng viên vắc-xin thứ ba của Johnson & Johnson được phổ biến rộng rãi.

Linh La (theo Reuters, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI