Vắc xin CORBEVAX đem đến thêm cơ hội cho các nước thu nhập thấp

06/01/2022 - 11:44

PNO - Vắc xin do một nhóm các nhà nghiên cứu ở Texas (Mỹ) phát triển dựa trên công nghệ chế tạo vắc xin ngừa bệnh SARS cách đây gần 2 thập kỷ. Vắc xin đã được cấp phép sử dụng vào tháng 12/2021 ở Ấn Độ, và dự kiến có thể giúp các nước có thu nhập thấp tiếp cận thêm một nguồn vắc xin COVID-19 an toàn, hiệu quả, chi phí thấp.

Vắc xin CORBEVAX được phát triển theo công nghệ cũ đã từng được sử trong việc chế tạo các loại vắc xin trước đây, nhưng có thể được sản xuất dễ dàng hơn.

Peter Hotez và Maria Elena Bottazzi
Tiến sĩ Peter Hotez và Maria Elena Bottazzi

“CORBEVAX là một nhân tố làm thay đổi “sân chơi” về vắc xin COVID-19 trên toàn cầu, cho phép các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp, có thể tự sản xuất và phân phối một cách an toàn, hiệu quả, với giá thành vừa phải”, tiến sĩ Keith Martin - Giám đốc điều hành của Hiệp hội các trường đại học y khoa toàn cầu ở Washington, Mỹ - cho biết.

Câu chuyện về CORBEVAX bắt đầu cách đây khoảng 2 thập kỷ. Khi đó, Peter Hotez và Maria Elena Bottazzi - các nhà nghiên cứu y khoa tại Đại học George Washington ở Washington - đã tìm cách chế tạo ra các loại vắc xin và phương pháp điều trị cho những bệnh được gọi là “bệnh nhiệt đới bị lãng quên”, chẳng hạn như bệnh sán máng (Schistosomiasis) và giun móc.

Khi dịch SARS - một dòng coronavirus - bùng phát vào năm 2003, hai nhà nghiên cứu đã quyết định tìm cách giải quyết căn bệnh này. Sau khi chuyển đến Houston để liên kết với Đại học Y khoa Baylor và Trung tâm Phát triển vắc xin cho trẻ em Texas, họ đã tạo ra một loại vắc xin, sử dụng công nghệ tiểu đơn vị protein. Công nghệ này dùng chính các protein từ virus hoặc vi khuẩn có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch, nhưng không gây bệnh.

Loại vắc xin dùng để phòng bệnh SARS nói trên có vẻ đem lại nhiều triển vọng. Nhưng sau đó, dịch SARS dần suy giảm và kết thúc, nên người ta đã không cần dùng đến nó.

Khi xuất hiện một dòng coronavirus mới gây ra đại dịch COVID-19, Hotez và Bottazzi nhận ra rằng có thể đem công nghệ “tồn kho” năm nào của mình ra, và sửa đổi nó để phát triển vắc xin ngừa COVID-19. (Về cơ bản, virus gây ra COVID-19 và virus gây ra bệnh SARS khá giống nhau).

Hotez cho biết, nhóm nghiên cứu đã cố gắng thu hút sự quan tâm của các quan chức chính phủ về vắc xin CORBEVAX, nhưng họ đã không có nhiều ấn tượng.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã chuyển sang kêu gọi tài trợ từ các tổ chức từ thiện tư nhân. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã tìm được một nhà tài trợ lớn cho dự án của mình ngay ở giai đoạn đầu: JPB Foundation ở New York. “Còn lại là đóng góp của một số tổ chức từ thiện ở Texas, như Kleberg Foundation, Dunn Foundation, Tito's Vodka. MD Anderson Foundeation cũng tham gia”, tiến sĩ Hotez cho biết.

Không giống như vắc xin mRNA của Pfizer và Moderna, và vắc xin vectơ virus của Johnson & Johnson, vắc xin tiểu đơn vị protein như CORBEVAX đã có một hồ sơ khá đầy đủ về các dữ liệu thử nghiệm, tiến sĩ Hotez chia sẻ. Vì vậy, cả ông và Bottazzi đều khá chắc chắn về tính an toàn và hiệu quả của CORBEVAX.

“Một điều có ý nghĩa nữa là nó rất rẻ, chỉ 1-1,5 USD cho một liều”, tiến sĩ Hotez nói.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vì sao các nhà phát triển CORBEVAX khá tự tin khi nói về hiệu quả của loại vắc xin này. Một nghiên cứu, chưa được công bố và được thực hiện ở Ấn Độ với sự tham gia của 3.000 tình nguyện viên, cho thấy vắc xin này có hiệu quả đến 90% trong việc ngăn ngừa bệnh do biến chủng virus COVID-19 ban đầu gây ra, và 80% đối với biến thể Delta. Hiện, vắc xin này cũng đang được thử nghiệm trên biến thể Omicron.

Trên thực tế, CORBEVAX đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ vào tháng 12/2021. Một nhà sản xuất vắc xin của Ấn Độ, có tên là Biological E Ltd, hiện đang sản xuất loại vắc xin này. Công ty cho biết có thể đạt công suất 100 triệu liều mỗi tháng, và đã bán 300 triệu liều cho chính phủ Ấn Độ.

“Cái đẹp thật sự của vắc xin CORBEVAX do các tiến sĩ Hotez và Bottazzi tạo ra là tài sản trí tuệ của nó sẽ được chia sẻ cho tất cả mọi người (một điều khác biệt lớn với các loại vắc xin COVID-19 hiện có). Vì vậy, các nhà sản xuất ở Senegal, Nam Phi và Mỹ Latinh đều có thể sản xuất loại vắc xin đặc biệt này”, tiến sĩ Keith Martin nhận xét.

Tuy nhiên, công nghệ để chế tạo CORBEVAX có một hạn chế, đó là nó không thể được sửa đổi nhanh chóng như vắc xin mRNA, để có thể phát huy tác dụng trên các biến thể mới của COVID-19. Điều này khiến các quan chức y tế công phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.

Nhất Nguyên (theo NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI