Vắc xin cho hy vọng

02/07/2021 - 07:04

PNO - Trải qua một cơn sốt và cảm giác đau cơ, mỏi mệt toàn thân kéo dài khoảng 36 tiếng sau khi tiêm vắc xin, tôi trở lại trạng thái sức khỏe bình thường. Phấn chấn hơn khi tin rằng cơ thể mình có thêm một “lớp bảo vệ” trước COVID-19.

Thật mừng khi đọc được tin “Việt Nam bước vào chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc” trên trang Thông tin Chính phủ. Mục tiêu là có khoảng 150 triệu liều vắc xin cho 70% dân số, để Việt Nam có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 và đầu năm 2022. 

Đi tiêm vắc xin và thấy như mình được bảo vệ không chỉ từ liều vắc xin được tiêm rất nhẹ vào cơ thể, mà còn là sự ấm áp từ lòng người. Ảnh: Tam Nguyên
Ảnh: Tam Nguyên

Khi chờ đến lượt tiêm vắc xin, tôi đọc rất nhiều chia sẻ về triệu chứng hậu tiêm. Cũng lo lắng, căng thẳng khi đã có những trường hợp biến chứng xấu. Nhưng rồi mọi cảm giác lo lắng tan biến khi tôi bước vào khu vực tiêm chủng, nhìn những chiếc áo xanh, từng lượt người vào khám sàng lọc, tiêm rồi bước ra khu vực chờ 30 phút…

Sự vận hành đều đặn, phối hợp nhịp nhàng mà cũng vô cùng ân cần, dịu dàng của các tình nguyện viên, các y, bác sĩ quả có sức xoa dịu và trấn an lòng người. “Vào đến đây là được tiêm rồi, không có gì phải sợ nữa nghe”, mỗi khi nhớ lại lời của vị bác sĩ nói với mình ở bàn khám sàng lọc, tôi lại cảm thấy xúc động. Họ - những người làm việc ở tuyến đầu - có lẽ đã dành rất nhiều lời trấn an, trìu mến như vậy cho mọi người.

Nỗi ám ảnh COVID-19 đã len lỏi vào từng ngóc ngách của thành phố. Nỗi sợ dù không nói ra nhưng ai ai cũng có thể cảm nhận được suốt gần hai năm qua. Các y, bác sĩ, những người liên tục làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn ai hết lại chính là những người động viên tinh thần mọi người. Đi tiêm vắc xin và thấy như mình được bảo vệ không chỉ từ liều vắc xin được tiêm rất nhẹ vào cơ thể, mà còn là sự ấm áp từ lòng người. 

Hôm qua, tôi xem clip bác sĩ động viên bệnh nhân COVID-19 được chia sẻ trên trang Bệnh viện Chợ Rẫy. “Cố gắng nha. Vậy là đã sống rồi đó. Không có khóc. Từ từ nó sẽ khỏe nha. Có các bác sĩ đây rồi”. Tự dưng tôi chảy nước mắt, thấy thương quá đỗi.

Thấy thương quá đỗi. Các y, bác sĩ tuyến đầu, trong cuộc chiến COVID-19 căng thẳng này không chỉ gánh vác mọi phần vất vả, nguy hiểm mà còn trở thành những người bạn lớn, trấn an tinh thần người khác. Những thiên thần áo trắng đã làm việc hết công suất, mệt mỏi không than vãn mà chỉ thấy những lời động viên, chia sẻ tích cực dành cho nhau, dành cho cộng đồng. Sau những ngày tiêm vắc xin như vậy, các điều phối viên cũng như y, bác sĩ đâu được về ngay, họ phải tiếp tục xét nghiệm COVID-19 cho bản thân, phải âm tính thì mới được về nhà, trở lại nơi làm việc…

Thế kỷ này chúng ta buộc phải đối mặt với dịch bệnh và bằng mọi giá, sẽ phải vượt qua. Cái đêm nằm chịu đựng cơn sốt sau tiêm vắc xin, thuốc chống sốt để ngay đầu giường nhưng tôi không uống, vì lời dặn dò của bác sĩ: “Nếu không thật sự cần thiết, em đừng nên uống thuốc. Cơ thể mình có thể vượt qua được”. Thật sự là như vậy, hãy để cơ thể mình tự chống chọi, thích nghi và vượt qua.

Chỉ là một cơn sốt thôi mà - tôi đã nghĩ như vậy vào buổi sáng tỉnh giấc và thấy cơ thể đã hoàn toàn khỏe khoắn. Mỗi cá nhân đều có sức mạnh từ bên trong. Mỗi cộng đồng cũng sẽ như vậy, sẽ luôn có những “sức mạnh cộng hưởng” đủ để chúng ta cùng nhau vượt qua mọi vấn đề của cuộc sống, của thời đại mình. Cho dù hiện tại, các ca lây nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhưng vắc xin như một niềm hy vọng lớn cho bước khởi đầu dập tắt được dịch bệnh. 

Từ sự hoảng loạn, hoang mang ở giai đoạn đầu bùng dịch, đến lúc này, con người đã cùng nhau làm nên kỳ tích. Vắc xin đã ra đời và phát huy hiệu quả. Đã từng có những trận đại dịch giết chết hàng trăm, hàng triệu người từ những thế kỷ trước. Vậy thì, COVID-19 thuộc về thế kỷ XXI và cũng sẽ rất nhanh thôi, dịch bệnh này cũng sẽ lùi xa. 

Không có điều gì mà con người không thể vượt qua! 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI