Vắc xin AstraZeneca chống được các biến chủng COVID-19 được phát hiện ở Ấn Độ

23/06/2021 - 08:05

PNO - Một nghiên cứu của Đại học Oxford hôm 22/6 cho biết vắc xin COVID-19 của AstraZeneca Plc có hiệu quả chống lại các biến chủng virus Delta và Kappa, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ.

Vắc xin COVID-19 của Astra Zeneca được xác định có thể chống các biến chủng virus lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ - Ảnh: Reuters
Vắc xin COVID-19 của Astra Zeneca được xác định có thể chống các biến chủng virus lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Tuyên bố cho biết nghiên cứu của Đại học Oxford điều tra khả năng của các kháng thể đơn dòng trong máu của những người đã hồi phục và từ những người được tiêm chủng để vô hiệu hóa các biến thể Delta và Kappa.

Tuần trước, một phân tích của Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE) cho thấy vắc xin do Pfizer Inc và AstraZeneca sản xuất có khả năng bảo vệ cao hơn 90% chống lại việc nhập viện do biến chủng virus Delta.

AstraZeneca - công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển có trụ sở chính tại Cambridge, Anh - cho biết kết quả nghiên cứu mới nhất của Oxford được xây dựng dựa trên phân tích gần đây của PHE, và trong bối cảnh người phụ trách khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 19/6 tuyên bố, biến chủng Delta đang trở thành phiên bản thống trị toàn cầu của COVID-19.

Một chuyên gia dịch tễ học của WHO hôm 21/6 đã chỉ ra nguyên nhân vì sao các vắc xin COVID-19 có dấu hiệu giảm hiệu quả đối với biến chủng virus Delta. Tuy nhiên, vắc xin vẫn được thừa nhận là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong. Vị quan chức của WHO nói thêm rằng trong tương lai, có thể có một "chòm đột biến" có khả năng khiến vắc xin mất hiệu lực chống lại COVID-19.

Biến chủng Delta plus – mới được giới y học Ấn Độ cảnh báo - được hình thành do một đột biến trong biến chủng Delta (B.1.617.2), được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ và được coi là một trong những động lực chính gây nên làn sóng thứ hai ở quốc gia Nam Á này và cả ở một số nước khác, bao gồm cả Vương quốc Anh.

Biến thể virus có khả năng lây truyền cao này (Delta plus) được liệt kê là biến chủng thứ tư khiến WHO quan tâm, từ thứ Hai tuần này đã gây ra mối đe dọa cho Vương quốc Anh, nơi các ca nhiễm mới hàng ngày một lần nữa đã tăng lên hơn con số 10.000.

Tô Châu (theo Reuters, Hindustan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI