"Vác tù và hàng tổng" phải đâu chuyện dễ!

17/08/2021 - 06:21

PNO - “Là người “vác tù và hàng tổng”, tôi luôn trong tư thế chấp nhận bị càm ràm, bởi nhiệm vụ thì nhiều mà quyền hạn thì không” - bà Đinh Cẩm Tú, tổ trưởng tổ 30, khu phố 5, P.11, Q.Gò Vấp - bộc bạch.

Tâm trạng của bà Tú cũng là tâm trạng chung của hơn 25.800 tổ trưởng nhân dân ở 2.090 khu phố/ấp trên toàn thành phố trong những ngày đương đầu với dịch COVID-19.

Làm hết công suất 

Bà Đinh Cẩm Tú, 70 tuổi, được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ 30, khu phố 5, P.11, Q.Gò Vấp hơn mười năm nay. Trong đợt dịch bùng phát mới đây, bà cùng nhiều tổ trưởng trong khu phố phải làm việc hết công suất. Những ngày gần đây, bà Tú phải thức khuya, dậy sớm cùng trưởng khu phố lập danh sách tiêm ngừa, danh sách mẹ đơn thân nuôi con dưới 12 tháng tuổi, phụ nữ nuôi con dưới sáu tuổi đang nghỉ việc vì dịch COVID-19, danh sách những người lao động tự do thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 09 của HĐND Thành phố...

 

Bà Đinh Cẩm Tú trao tặng gạo do UBND phường quyên góp, chia sẻ cho người dân tổ 30,  khu phố 5, P.11, Q.Gò Vấp
Bà Đinh Cẩm Tú trao tặng gạo do UBND phường quyên góp, chia sẻ cho người dân tổ 30, khu phố 5, P.11, Q.Gò Vấp

Trưa 23/7, đang ăn cơm thì bà Tú nhận điện thoại báo có ca dương tính ở khu nhà trọ. Bỏ dở chén cơm, bà Tú đội mưa tới khu trọ để trấn an và động viên mọi người chuẩn bị thực hiện test nhanh để phòng ngừa lây nhiễm. “Lúc chưa có dịch chúng tôi làm khoảng 8 tiếng/ngày, nhưng kể từ khi dịch bùng phát tới nay, chúng tôi phải làm việc nhiều hơn, có khi làm việc đến tối cũng chưa xong, đến khuya mới được đi ngủ. Mỗi ngày đi tới đi lui không biết bao nhiêu lần” - bà Tú cho hay.

Hôm 3/8, sau khi nhận thông báo, bà Tú phải thức đến 12 giờ đêm để chờ nhận phiếu và đem phát cho những người thuộc diện cao tuổi chích ngừa vào sáng hôm sau.

Cũng như bà Đinh Cẩm Tú, hơn 40 ngày qua, ông Võ Minh Tâm, 52 tuổi, tổ trưởng tổ 6, khu phố 3, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh, đã làm việc liên tục từ 7 giờ đến 19 giờ mỗi ngày. Hằng ngày, cứ sau 19 giờ, cơm nước xong, ông lại tiếp tục công việc cùng với danh sách các nhóm đối tượng tiêm vắc-xin, hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nhà trọ khó khăn… để giúp họ nhanh chóng nhận được khoản tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND  Thành phố. 

Với những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng không nằm trong diện hỗ trợ, ông Tâm kêu gọi các nhà hảo tâm của ít lòng nhiều để có những phần quà trao tặng cho họ. 

Dân quạu, nhưng mình không được nổi nóng!

Trưa 8/8, ông Tâm đang ngồi trực tại một điểm tiêm ngừa dưới nắng gay gắt thì một người văng tục và gay gắt: “Tại sao giấy điền thông tin người có, người không?”. Rất bình tĩnh, ông Tâm giải thích với anh này: “Những người đi tiêm hôm trước, nhưng chưa tiêm được, thì có giấy hẹn. Còn những trường hợp mới đến thì mời vào bên trong sẽ có nhân viên hướng dẫn”. Mỗi ngày, ông Tâm phải giải thích rất nhiều lần như vậy, khiến giọng khản đặc. 

 

 

Sau khi hỗ trợ gác chặn tại điểm tiêm ngừa về, ông Võ Minh Tâm tiếp tục tham gia bảo vệ “vùng  xanh” trên địa bàn khu phố 3, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh
Sau khi hỗ trợ gác chặn tại điểm tiêm ngừa về, ông Võ Minh Tâm tiếp tục tham gia bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn khu phố 3, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh

Ngày 10/8, ông Tâm lại nhận lệnh “gác cửa” tại điểm chích ngừa trên đường Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh với trên 700 người được gọi đến chích. Mặc cho ông Tâm đi lại la hét, khua tay yêu cầu tuân thủ giãn cách, dòng người vẫn ùn ùn chen lấn vào cửa khiến ông bất lực. “Bà con nghe tôi đi, đứng giãn ra. Cứ như thế này thì có một ca F0 chúng ta sẽ nguy hiểm. Ai ở đâu cứ ngồi yên đó. Lần lượt cũng sẽ đến lượt các anh chị” - ông Tâm nói như năn nỉ. Nhưng một số người vẫn tỏ ra bức xúc, thậm chí còn văng tục vì chờ  đợi lâu.

Không chỉ “gác chặn” tại điểm tiêm ngừa vắc xin, ông Tâm còn nhận trách nhiệm đưa cơm tiếp tế lực lượng cán bộ y tế, sinh viên tham gia phòng, chống dịch, trạm y tế… 12 giờ trưa, cầm hộp cơm trên tay, ông Tâm vừa ăn vừa nói: “Dịch bệnh mà, người dân lo lắng, bất an, muộn phiền nên mới nóng nảy vậy”. Ăn hết hộp cơm, ông Tâm vội vã quay lại với công việc “gác chặn” cho tới hơn 15 giờ. 

Công việc tuy nhiều nhưng ông không than vãn mà quan niệm: đóng góp cho xã hội, hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch và giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn là việc nên làm. “Dân quạu với tôi thì có chứ tôi chưa hề nổi nóng với bà con” - ông nói.

Bà Lê Thái Họa Mi - Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Túc - nói về ông Tâm: “Đó là một chiến sĩ hăng hái trong cuộc chiến chống dịch. Mỗi khi cần thêm người trực chốt phong tỏa, hướng dẫn bà con thực hiện giãn cách, ổn định trật tự tại các điểm tiêm vắc-xin, chăm lo người dân nghèo trong tổ hay đưa cơm hỗ trợ anh em phòng, chống dịch… bất kể mưa nắng, anh Tâm luôn không nề hà và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ ngày 4/7 đến nay, anh Tâm đã có hơn 40 ngày liên tục làm việc từ 7g đến 19g để hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch”.

Không riêng ông Tâm, bà Tú, mà suốt hai tháng qua, những người làm công tác ở tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố/ấp ở TPHCM đã rất vất vả khi trở thành người “đứng mũi chịu sào”. Ngoài công việc thường ngày, họ còn phải làm bao công tác phòng, chống dịch, đối diện với lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, trong khi công việc không có lương, chỉ được bồi dưỡng vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Đã thế, ở nhiều nơi, họ còn không nhận được sự hợp tác của người dân, bị trách móc oan.

Bà Tú bộc bạch: “Chín người mười ý, tôi chấp nhận bị càm ràm. Chỉ hơi buồn là khi một số người không thấu hiểu, lại không trực tiếp trao đổi cho tường tận mà vội vàng đưa vấn đề lên mạng bày tỏ sự bất mãn, vô tình làm người dân hiểu sai lệch sự việc”. 

Chinh Nhân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI