edf40wrjww2tblPage:Content
Cách đây chừng một năm, căn bệnh xâm lấn vào gan và em đã bắt đầu những cố gắng cuối cùng bằng hóa chất, nhằm duy trì sự sống. Kể ra như thế về em, để mọi người hiểu, sự ra đi của em đáng ra phải hoàn toàn không bất ngờ. Nó đã được dự báo trước từ năm 2012. Thế nhưng, cái tin buồn ấy vẫn làm chấn động trái tim của rất nhiều người, bởi cách em đã sống có một ý nghĩa vô cùng lớn với nhiều phụ nữ mắc căn bệnh UT vú.
Tháng 10/2012, chỉ sau lễ ăn hỏi vài ngày khi vừa bước qua sinh nhật tuổi 30, Khánh Thương (Nguyễn Thị Khánh Thương hay như nhiều người gọi là Thương Sobey) nhận được kết quả xét nghiệm bệnh của mình. Khi mà bao người phụ nữ đang tưng bừng với hoa, với quà tặng và những lời chúc tụng của những người thân yêu thì cô và một vài người phụ nữ khác đứng trên hành lang bệnh viện, chết lặng với tờ kết quả xét nghiệm.
Ý nghĩ đầu tiên của cô là: mình sắp chết! Hoảng loạn, tuyệt vọng xâm chiếm cô gái trẻ đang có một tương lai rộng mở trước mặt: một đám cưới đẹp tràn đầy tình yêu, một công việc giảng dạy đầy đam mê, những hoạt động thiện nguyện đầy nhiệt huyết…
Thế nhưng Thương đã vượt qua tất cả những nỗi sợ hãi khủng khiếp, những suy nghĩ bi quan, những ám ảnh chấm dứt mọi việc cho mình và người thân bớt khổ. Và không chỉ chiến đấu với bản thân chống lại bệnh tật bằng “tinh thần chiến binh”, tháng 3/2013, Thương đã thành lập Mạng lưới UT vú Việt Nam.
Làm đám cưới, theo chồng về quê của anh ở nước Úc xa xôi để chữa bệnh, được hưởng những sự chăm sóc đặc biệt và tuyệt vời ở quê chồng, trái tim cô gái mạnh mẽ và đầy nhân hậu ấy một lần nữa lại đập những nhịp quen thuộc, như thời chưa phát hiện bệnh: Em muốn chia sẻ với mọi người những hiểu biết, cung cấp kiến thức cho mọi người, giúp mọi người có thêm niềm tin và hy vọng vào việc chữa căn bệnh đáng sợ này.
Tôi quen em đúng vào giai đoạn này, khi hai chị em cùng đứng chung trên vài trang tạp chí để viết về căn bệnh đáng sợ ấy. Sau đó, Thương tự kết nối với tôi trên FB, mời tôi tham gia Mạng lưới UT vú Việt Nam. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu về em. Những câu chuyện của em về thời điểm phát hiện bệnh, về một đám cưới đẹp như mơ sau đó với người chồng Úc, về tình trạng bệnh tật của em đã khiến tôi phải khâm phục và ngưỡng mộ.
Tôi chỉ mới kịp hiểu rằng mình đang được làm quen với một phụ nữ hết sức đặc biệt, một cô gái kiên cường, nhân hậu, thông minh, giỏi giang… thì em đã đến với tôi rất nhẹ nhàng bình thường, bằng những bài viết về kiến thức, những chia sẻ thiết thực về sức khỏe, những hỏi thăm dịu dàng, và tiếng cười giòn giã, trong trẻo qua điện thoại.
Gần hai năm trời quen em, tôi đã quên rằng đó là một cô gái bệnh tật, quên mất rằng em đang ở rất xa, quên rằng quỹ thời gian của em đang dần rút ngắn lại. Bởi từ em, tôi chỉ thấy những bài viết rất dài, ngồn ngộn kiến thức về căn bệnh của phụ nữ, bởi niềm vui của em luôn gắn liền với những gắn kết trong và ngoài nước của Mạng lưới UT vú Việt Nam.
Từ đầu năm ngoái, tình hình bệnh của em đã trở nặng. Em bắt đầu những đợt điều trị căng thẳng hơn. Thế nhưng, thay vì run sợ, tôi thấy em vẫn nghĩ ra những điều mới mẻ cho hoạt động của mình. Em thực hiện một bộ ảnh sau phẫu thuật, chỉ bằng chiếc máy ảnh và những đạo cụ của gia đình. Em tổ chức những hoạt động tặng tóc giả, tặng áo ngực cho các bệnh nhân. Em tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa các bệnh nhân trong nước và tổ chức nước ngoài… Em cố gắng làm mọi việc trong khả năng của mình. Không phân vân, ngần ngại, suy tính những điều cho riêng mình, em dành khoảng thời gian còn lại rất ít ỏi kia cho mọi người.
Tháng 6/2014, em gọi cho tôi rất nhiều lần, dù khi đó em đang bắt đầu những ngày tháng căng thẳng và mệt mỏi nhất của đợt vào hóa chất. Em hỏi chuyện về báo Phụ Nữ. Em nói về những dự án của mình thành lập một hiệp hội, một tổ chức tuyên truyền cho việc phòng, chống, chữa trị căn bệnh quái ác này. Em nói với tôi, em hy vọng báo Phụ Nữ sẽ giúp em mở rộng hơn nữa những hoạt động tuyên truyền cho các chị em…
Tôi cười và hứa với em: Ừ, mau khỏe, về Việt Nam đi, chị sẽ giới thiệu em với tổng biên tập của chị. Chị chắc là em sẽ được ủng hộ thôi. Em lại cười giòn tan: “Em… chắc không về được, nhưng các chị em trong Mạng lưới UT vú Việt Nam sẽ liên lạc với chị, khi nào em hoàn thành mọi thủ tục, chị nhé”. Lời em nói… nhẹ tênh nên tôi không nghĩ rằng em đã chuẩn bị cho một trận chiến đấu cuối cùng.
Có những buổi sáng sớm, khi gọi và trò chuyện với tôi, em mở điện thoại cho tôi nghe không gian xung quanh mình, một căn nhà giữa rừng yên tĩnh đầy tiếng chim hót và cỏ cây hoa lá. Em kể cho tôi nghe về những loài hoa quanh em. Em rất bình yên, thanh thản và yêu đời.
Sáng 17/3, khi tôi chảy nước mắt nghe tin em, một cô gái mình chưa từng gặp mặt, bạn bè hỏi tôi: “Chắc là cái chết của cô gái ấy làm mọi người buồn và lo nhiều phải không?”. Không, Khánh Thương à. Ngày hôm nay, rất nhiều người khóc em, nhưng không phải là khóc cho một bệnh nhân ra đi. Mà là những giọt nước mắt bàng hoàng không tin nổi rằng có một dòng chảy sự sống mạnh mẽ đến như thế có thể ngừng lại. Mà là điều mà chị nghĩ về em: những ngày em đã sống mạnh mẽ và lâu dài hơn chính cuộc sống của em, rất nhiều. Đến nỗi khó ai có thể tin ngay được, hay muốn tin, rằng em đã ra đi.
Và như thế là sự sống của em chưa hề ngừng lại, cả khi em đã đi rồi. Chắc chắn là có rất nhiều người phụ nữ trong Mạng lưới UT vú hôm nay sẽ nhìn nụ cười của em trong những hình ảnh còn lại để tiếp tục cuộc chiến đấu của mình với một tinh thần mới, đã có tên gọi, tinh thần Thương Sobey!
KHÁNH CHI