Và rừng đã xanh cho thành phố…

06/11/2023 - 06:11

PNO - Nghe kể về những năm tháng người dân và lực lượng thanh niên xung phong đã cùng nhau trồng đước, phủ xanh rừng ngập mặn Cần Giờ, lòng tôi rưng rưng khi nghĩ về năm tháng của rừng và năm tháng của đời người…

1. Hơn 25 năm trước, má tôi bán vải vóc, quần áo ở chợ Tam Thôn Hiệp (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM). 

Khi đó, gian hàng của những người buôn bán như bà chỉ là những tấm bạt được trải trong các ô được chia cho từng chủ hàng. Mỗi tuần, má tôi bắt xe ôm tới phà Bình Khánh, qua sông, đi tiếp mấy bận xe đò nữa để vào khu Chợ Lớn lấy hàng về. Má ngược xuôi như vậy suốt những năm tháng tôi còn cắp sách đến trường. Còn tôi lâu lâu theo các anh chị từ Cần Giuộc (Long An) sang Nhà Bè, tới chợ thăm má.

Thời gian cứ thế trôi đi, sạp hàng nhỏ nơi chợ quê ngày ấy của má đã nuôi lớn các con và giữ cho tôi giấc mộng đẹp về giảng đường đại học. Năm tháng đó, tôi đâu thể biết mảnh đất phía đông nam TPHCM ấy lại rất có duyên với mình. Sống trong lòng phố cũng gần 2 thập niên, chưa có quận, huyện nào mà tôi có dịp trở lại nhiều như Cần Giờ dù má tôi nghỉ bán đã lâu.

Đường về Cần Giờ nay đã được trải nhựa tươm tất, có những tuyến xe buýt về đến trung tâm thị trấn, qua các xã, không còn như những ngày anh chị em tôi đạp xe trên con đường lởm chởm đá sỏi, bụi tung mịt mù thăm má. Dự án cầu Bình Khánh cũng được triển khai, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2025. Mọi thứ đều đổi thay, huyện duyên hải ngày càng phát triển. 

 

Rừng ngập mặn Cần Giờ được phủ xanh bằng bàn tay, công sức của người dân và lực lượng thanh niên xung phong TPHCM - ảnh: SƠN VINH
Rừng ngập mặn Cần Giờ được phủ xanh bằng bàn tay, công sức của người dân và lực lượng thanh niên xung phong TPHCM - Ảnh: Sơn Vinh

Hôm qua phà Bình Khánh cùng tôi, chị Huỳnh Tuyến - công tác ở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM - kể, thời sinh viên, vào những năm 1990, chị từng tham gia các đợt hoạt động tình nguyện ở Cần Giờ. Sinh viên ở cùng nhà dân, dạy học cho trẻ nhỏ, được bà con hết mực yêu thương, trìu mến. Lời kể của chị khiến tôi nhớ về tình cảm ấm lòng của người dân miền đất này: biết tôi là sinh viên, một bác xe ôm đã không lấy tiền khi chở tôi từ chợ Tam Thôn Hiệp đến bến phà Bình Khánh cho kịp chuyến xe cuối ngày về lại phố. Đó là một buổi chiều muộn của năm 2004.

Nhiều năm qua, tôi trở lại nơi này vừa trong tâm thế một người quen của đất, vừa như một lãng khách dừng chân. Cần Giờ có nhiều điểm đến cho du khách tham quan, chụp ảnh và cũng có rất nhiều giá trị văn hóa - lịch sử ẩn mình trong từng bước chân đi. Nơi này mãi mãi neo giữ giùm tôi ký ức thương nhớ về những năm tháng nghèo khó mà đầy ước vọng…

2. Nhặt một trái đước rụng ngay lối vào khu du lịch sinh thái Vàm Sát, ngẩng nhìn rừng xanh phủ bóng mát, tôi chợt nghĩ về sức sống kỳ diệu và mãnh liệt của loài cây rừng ngập mặn này. Quả đước cắm xuống đất, rễ bám sâu vào đất mặn, cây vươn mình vững chãi trên sình lầy. Rồi trái già rụng xuống lại tiếp tục đâm chồi. Rừng đước xanh biếc trên mảnh đất duyên hải của thành phố đã được trồng từ những trái giống đước Cà Mau gần 50 năm về trước.

Trong một lần kể về quãng thời gian từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, tiến sĩ Lê Đức Tuấn - chuyên gia về lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường - nhắc đến năm tháng ông và đồng đội nhận nhiệm vụ trồng đước, phủ xanh rừng ngập mặn Cần Giờ. Lúc đó, toàn dân 6 xã trong huyện, đàn ông lẫn phụ nữ và trẻ con cùng nhau “góp cây thành rừng”.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 21/1/2000. Đất hồi sinh từ một vùng trắng chết chóc từng hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn và chất độc hóa học trong chiến tranh. Thời kháng chiến chống Mỹ, Cần Giờ có vị trí chiến lược quan trọng: căn cứ của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, địa điểm vận chuyển của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và giữa 2 miền Đông - Tây Nam Bộ, lại còn là tuyến đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào cảng Sài Gòn… Vì vậy, mảnh đất duyên hải này luôn ở trong tình trạng “bom cày, đạn xới”, “chết chóc, tan hoang”. Hàng chục ngàn héc ta rừng bị hủy diệt hoàn toàn, đến nỗi nhiều chuyên gia nước ngoài từng ước tính phải cần đến trăm năm mới có khả năng hồi phục. Thế nhưng, trước sức mạnh, ý chí của đất và người, rừng ngập mặn đã thực sự được hồi sinh, chỉ sau 20 năm. 

3. Hơn 10 năm trước, tôi có chuyến công tác ở ấp đảo Thiềng Liềng, qua sông Lòng Tàu vào đúng ngày mưa gió. Năm ấy, Thiềng Liềng chưa có điện. Đêm trú chân trong ngôi nhà mái lá của bác Tư Huỳnh (Nguyễn Hồng Huỳnh, lúc ấy là trưởng ấp), được gia đình bác mời bữa cơm mộc mạc với khô cá nấu canh chua rau muống. 

Tôi ăn ngon lành giữa tiếng mưa rỉ rả cùng tiếng ếch nhái nỉ non, lắng nghe chuyện kể của người đi trước mà thấy như mình được trở về với những ngày lưu dân miền Tây xuôi theo con nước đến khai hoang lập ấp trên đảo này. Đó cũng là niềm cảm hứng để tôi viết truyện ngắn Dấu chân bốn ngón (đã in trong tập truyện ngắn Cỏ lau vạn dặm, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, năm 2015). Ngày gia đình bác Tư Huỳnh đến đây, nơi này từng được gọi tên là rạch Thiêng Liêng. 

Cuối năm 2020, tôi có dịp trở lại ấp đảo. Thiềng Liềng đã có điện, trẻ con được học vi tính, tiếng Anh; người dân có điện thoại thông minh, dễ dàng kết nối Zalo, Facebook để quảng bá du lịch cộng đồng. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, những khu vườn xanh cây trái, lá hoa. Trên sông Lòng Tàu, tắc ráng ngược xuôi chở người ấp đảo sang chợ huyện, học sinh đi học hay đưa khách phương xa về thăm mảnh đất còn được gọi là “đảo trong đảo” này. 1 năm trước, tôi về thăm, nhìn thấy trên bến tàu Cần Thạnh (qua đảo Thạnh An) đã có thêm tàu cao tốc Cần Giờ - TPHCM - Vũng Tàu. Một vẻ đẹp khang trang, hiện đại tô điểm cho bến sông - nơi hàng chục năm trước chỉ có tàu, ghe mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân miền duyên hải. 

Buổi sáng nắng vàng ươm trên lối mòn mọc đầy các loài hoa dại, trên con đường mòn từ nhà dân ra thăm ruộng muối của Thiềng Liềng, lòng tôi tự dưng nghĩ về sự kỳ diệu của thời gian. 10 năm của đời người và của đời đất, đời cây đều có thể là một dấu mốc cho thành tựu, bước ngoặt đổi thay. Người có thể làm được nhiều việc của người, trải qua nhiều chuyện trong nhân sinh, còn đất lặng lẽ trong năm tháng bao dung của đất, cây âm thầm vươn mình trong sứ mệnh tỏa bóng xanh mát của cây. Để rồi sau những dấu mốc nhìn lại ấy, những chồi non năm xưa phát triển thành rừng, vùng đất nghèo khó hoang sơ thuở nào nay trở thành “lá phổi xanh” cho thành phố, từng ngày phát triển cùng sự chuyển mình của TPHCM trong thời đại mới. 

“Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây/ Sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng/ Và rừng sẽ lên xanh/ Rừng giữ đất quê hương…”. Những giai điệu và lời ca của nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong ca khúc Một đời người, một rừng cây mãi ngân lên trong niềm xốn xang, thương nhớ mà cũng là sự biết ơn bao người của một thời… 

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI