Và những chiếc lồng đèn lấp lánh sắc màu đã ra đời…

29/09/2023 - 09:29

PNO - Với mong mỏi góp phần khôi phục những nét đẹp văn hóa xưa cùng niềm đam mê cháy bỏng, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Kim Thủy (31 tuổi) và Nguyễn Hoàng Sơn (35 tuổi) đã tự mày mò nghiên cứu, phục dựng những mẫu lồng đèn có tuổi đời hàng trăm năm.

 

Đôi vợ chồng trẻ hy vọng những chiếc lồng đèn thủ công sẽ góp phần giữ gìn giá trị truyền thống, phát huy vẻ đẹp của tết Trung thu nói riêng và văn hóa Việt nói chung - Ảnh: Nguyễn Hoàng Sơn
Đôi vợ chồng trẻ hy vọng những chiếc lồng đèn thủ công sẽ góp phần giữ gìn giá trị truyền thống, phát huy vẻ đẹp của tết Trung thu nói riêng và văn hóa Việt nói chung - Ảnh: Nguyễn Hoàng Sơn

Nhìn đôi vợ chồng trẻ tỉ mỉ dùng mũi khoan bé xíu chừng 1,5mm khoan vào những sợi trúc 5mm để ghép lại với nhau tạo nên những chiếc lồng đèn hệt như ngày xưa, mới cảm nhận trọn vẹn công sức và niềm đam mê của họ. Cả hai làm việc không nghỉ để có thể kịp hoàn thành các đơn hàng nhưng niềm vui luôn ngập tràn. Bởi lẽ, việc nhận được sự hưởng ứng, yêu thích của mọi người là minh chứng họ không đơn độc trên con đường mình lựa chọn.

Kim Thủy cho biết việc phục dựng những chiếc lồng đèn cổ xưa đến với chị vô cùng tình cờ. Từ một cô gái chỉ làm và bán những chiếc lồng đèn 2 mảnh cho vui vào 5 năm trước, chị tình cờ nhìn thấy những mẫu lồng đèn xưa làm bằng giấy kiếng hình con cá, con cua, ông tiến sĩ giấy, đèn kéo quân… từ những năm 1920 qua sách báo. Khi đó, không hiểu sao trong lòng chị trỗi dậy cảm xúc rất mãnh liệt: mình phải làm những chiếc lồng đèn đẹp như vậy cho bọn trẻ. Chị muốn được nhìn thấy con trẻ chơi đùa với những chiếc lồng đèn mà cha ông từng dày công sáng tạo trong không gian hiện đại.

Năm 2019, chị bắt tay vào làm những sản phẩm đầu tiên và dĩ nhiên gặp không ít thất bại trước khi có được xưởng lồng đèn nho nhỏ mang tên Khởi đăng tác khí.

“Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc TPHCM, tôi làm về thiết kế nội thất. Đa số khách hàng tôi từng làm việc đều mong muốn có căn nhà hiện đại theo phong cách Tây phương. Suốt quá trình thiết kế, tôi luôn mang cảm giác mất mát một điều gì đó, cảm thấy có sự mất cân bằng khi những giá trị văn hóa Việt Nam chưa được mọi người biết đến. Tôi cảm thấy tiếc. Tôi tự hỏi tại sao mình không góp phần khôi phục những giá trị ấy để mọi người có thể thấy được văn hóa của nước ta đẹp và đặc biệt như thế nào” - Thủy tâm sự.

Không ai chỉ dẫn, bản thân không sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề, Kim Thủy chỉ đến với việc phục dựng lồng đèn cổ vì yêu thích nên gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều khi chị thấy “bí” trong khâu tìm nguyên liệu, dán giấy kiếng trên mặt cong, cách vẽ, sử dụng màu sao cho cân đối nhưng vẫn có nét riêng… Tất cả đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao. Gần như chị đã tiêu toàn bộ khoản tiền tích cóp trong những năm đi làm.

Với Kim Thủy, ước mơ của bản thân sẽ không thành hiện thực nếu không nhận được sự sẻ chia, ủng hộ của chồng. Sau một thời gian học hỏi, tìm hiểu ở làng lồng đèn Phú Bình (quận 11, TPHCM), rồi từ dùng khung tre chuyển qua khung trúc, sau những lần phải bỏ dở sản phẩm chỉ vì 1 thao tác sai…, cả hai chính thức tạo ra những sản phẩm đầu tiên vào năm 2022.

Bên cạnh sự hiểu nhau, cùng chung tình yêu văn hóa Việt, thỉnh thoảng, vợ chồng họ cũng bất đồng quan điểm. Nếu như Thủy muốn làm các tác phẩm thuần truyền thống thì Sơn lại muốn kết hợp một chút hiện đại nhằm phù hợp với thời đại, thu hút trẻ nhỏ vốn đang bị lôi cuốn bằng những chiếc lồng đèn ngoại nhập, nhất là trong khâu tháo ráp các bộ phận để có thể dễ dàng vận chuyển.

Sơn tâm sự nhiều đêm anh trằn trọc, thậm chí trong giấc mơ còn nghĩ phải làm sao để cải tiến sản phẩm cho tốt hơn, đẹp hơn để nhiều người biết đến.

Nhóm bạn trẻ đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho sản phẩm đèn lồng cá chép - Ảnh: Nguyễn Hoàng Sơn
Nhóm bạn trẻ đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho sản phẩm đèn lồng cá chép - Ảnh: Nguyễn Hoàng Sơn

Từ việc kéo chồng mình cùng đi, Thủy hạnh phúc khi bây giờ Sơn sẵn sàng đồng hành, cùng chị sáng tạo. Với vợ chồng họ, niềm tự hào hiện tại không chỉ là thực hiện được đam mê mà còn truyền ngọn lửa ấy đến các bạn trẻ đang phụ giúp cả hai làm lồng đèn. Nhiều bạn trẻ khi nhìn thấy các sản phẩm của Sơn và Thủy trên mạng xã hội, vì yêu thích đã tìm đến xưởng chỉ để được trải nghiệm việc dán giấy kiếng, tìm hiểu cách làm…

Với mục tiêu phục dựng lồng đèn theo dáng xưa nhưng vẫn có màu sắc mới, Thủy và Sơn miệt mài tìm hiểu tài liệu. Họ muốn tái hiện lồng đèn xưa sao cho vừa chuẩn xác, vừa sáng tạo trong cách sử dụng màu sắc nhằm thu hút trẻ em. Những chiếc lồng đèn truyền thống lấp lánh sắc màu đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những mùa Trung thu, chứ không chỉ trong những giấc mơ con trẻ. 

Chung Thu Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI