Vá lại niềm tin

16/10/2021 - 12:00

PNO - Sau bao nhiêu năm, chị mới lấy lại được niềm tin của chồng. Điều anh vui không phải vì số tiền chị tích lũy được mà cách chi tiêu của vợ cũng đã khác trước rất nhiều.

Đến tận khuya, chị mới làm xong mẻ sữa chua để kịp giao cho khách vào ngày hôm sau. Dọn dẹp xong căn bếp, chị uể oải lên phòng. Anh chưa ngủ, đang ngồi ở bàn làm việc, ghi chép sổ chi tiêu của gia đình. Chị biết đó là việc anh vẫn thường làm vào buổi tối của ngày cuối tháng.

Bất ngờ, anh quay lại đưa thẻ ATM cho chị và nói: “Tiền ngân hàng còn bốn tháng nữa là trả xong, em cầm thẻ lương mà tính toán chi tiêu trong nhà”. Chị ngạc nhiên, đã hơn ba năm nay, chuyện tiền bạc trong nhà đều do anh nắm.

Trước đó, chị là người giữ “tay hòm chìa khóa” của gia đình, anh chỉ đi làm rồi hàng tháng đưa lương về cho vợ. Chị vốn thoáng tính, tiêu pha thoải mái, cũng may thu nhập hai vợ chồng cao nên không thiếu trước hụt sau.

Sau lần bị lừa tiền,
Sau lần chị bị lừa tiền, anh trở thành người giữ "tay hòm chìa khóa" của gia đình. (Ảnh minh họa)

Anh biết tính vợ nhưng không ý kiến gì, vì biết chị đều đặn tích lũy mỗi tháng dù không rõ được ít hay nhiều. Thế rồi, chị góp vốn làm ăn cùng một người đồng nghiệp cùng cơ quan.

Lợi nhuận người đồng nghiệp đưa ra rất hấp dẫn, chị không phải làm gì, chỉ cần góp tiền, hàng tháng sẽ nhận lãi gấp năm lần so với gửi ngân hàng. Những lần đầu, chị chỉ dám rón rén góp vài chục triệu đồng, nhưng sau thấy dễ kiếm tiền quá nên rút toàn bộ tiền tiết kiệm để góp. Cứ thế, chị lén lấy sổ đỏ đi cầm để vay tiền, mong đầu tư hưởng lợi lớn.

Nửa năm sau, người đồng nghiệp bỏ trốn, nhiều người góp vốn tìm đến cơ quan làm ầm ĩ, chị mới biết mình bị lừa. Chị hoang mang đến tột độ, toàn bộ vốn liếng mất sạch thêm khoản nợ thế chấp sổ đỏ cứ tính lãi từng ngày.

Chị đành thú thật với chồng. Anh bình tĩnh hỏi chị mất hết bao nhiêu tiền. Nghe số tiền chị nói, anh vẫn lạc quan vì nghĩ chừng ấy chỉ là phần nhỏ trong số vốn của hai vợ chồng.

Nhưng đến khi chị kê khai tất cả các khoản, anh tá hỏa. Nhẩm lại tổng số thu nhập, anh vò đầu bứt tóc.

Sau vài ngày, anh bảo chị: “Em đưa thẻ lương cho anh, từ nay anh sẽ tính toán chi tiêu để trả nợ, cần mua thêm gì thì nói anh”. Chị hiểu, chồng đã mất niềm tin với mình.

Anh phải đi vay tiền ngân hàng, mượn thêm người quen để chuộc lại sổ đỏ, hàng tháng, anh đưa chị vài triệu để lo chợ búa. Trước đây, chị cầm tiền, chi tiêu rộng rãi quen rồi, giờ nhận số tiền ít ỏi, chưa mua gì đã thấy hết rất khó chịu.

Nhưng chị không dám nói gì với anh, vì biết lỗi của mình. Vả lại, anh cũng chẳng sung sướng gì khi phải nát óc tính toán cân đối chi tiêu để đủ tiền trả nợ.

Cuộc sống bức bối hơn khi phải thắt chặt tiền bạc, mọi thứ đều cắt giảm trừ những nhu cầu cần thiết. Chị bắt đầu bỏ thói quen mua đồ ăn sẵn, chuyển sang tự nấu để tiết kiệm.

Việc mua sắm cũng được tính toán chi li, cái gì cần mới mua chứ không “chốt đơn” tùy hứng như trước. Dù cố gắng tiết kiệm nhưng tiền hàng tháng vẫn hụt nên chị mới nghĩ đến việc làm thêm.

Tận dụng khả năng nấu nướng, chị bắt đầu bán online những món ăn vặt như sữa chua nếp cẩm, chân gà bóp, trà sữa… sau chuyển sang bán thêm thực phẩm tươi sống.

Số tiền kiếm được đủ để lo tiền ăn cho cả nhà còn dư ra được một ít. Nếu trước đây, có những khoản tiền ngoài thu nhập như thế, chị sẽ không tiếc để đầu tư mỹ phẩm, quần áo để làm đẹp. Nhưng giờ đây, chị gửi ngay vào tài khoản tiết kiệm để khỏi đụng đến.

Chị đã phải nỗ lực rất nhiều mới lấy lại được niềm tin từ chồng. Nhận tấm thẻ ATM
Chị đã phải nỗ lực rất nhiều mới lấy lại được niềm tin từ chồng. Nhận tấm thẻ ATM từ anh, chị mừng rơi nước mắt. (Ảnh minh họa)

Cứ ba tháng một lần, chị gom tiền tiết kiệm đưa cho anh để phụ tiền trả nợ. Nhờ thế, các khoản nợ được tất toán dần, gánh nặng giảm bớt. Anh lặng lẽ quan sát vợ, thấy với từng đó thu nhập từ việc làm bán hàng mà chị vừa lo tiền ăn vừa tiết kiệm được hẳn đã biết tính toán.

Điều anh thấy vui không phải vì số tiền chị tích lũy được mà cách chi tiêu của vợ cũng đã khác trước rất nhiều.

Nhận tấm thẻ ATM từ chồng, chị hạnh phúc đến rơi nước mắt. Sau bao nhiêu năm, chị mới lấy lại được niềm tin của chồng. Dù anh mới đưa lại thẻ lương của chị để lo việc ăn uống nhưng chị tin, anh sẽ tin tưởng giao lại “tay hòm chìa khóa” cho vợ một ngày không xa.

Không phải chị muốn nắm giữ tài chính để thoải mái tiêu pha, mà chị muốn có cơ hội chuộc lỗi. Anh quản lý tiền thì chị đỡ mệt đầu tính toán, nhưng chị thật lòng muốn san sẻ gánh nặng cùng chồng. Vừa lo việc công ty vừa tính toán tiền bạc chi tiêu cho gia đình, chắc anh cũng không thoải mái gì.

Lam Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI