edf40wrjww2tblPage:Content
Từ năm cấp III Linh đã học xa nhà, nên đến khi là sinh viên thì Linh quen với việc một mình thức dậy, tự tìm ổ bánh mì để ăn sáng. Cứ đều đặn mỗi ngày, tầm hơn 5g sáng là cô phải dậy để đi bộ ra nhà chờ xe buýt. Hà Nội những ngày mùa đông, cái rét như găm vào da thịt, một mình Linh co ro trong chiếc áo khoác. Khi thì ổ bánh mì, lúc thì nắm xôi, khi ăn trên đường, lúc lại trên xe buýt.
Cuộc sống trôi đi như thể đó là điều tất nhiên nên Linh chưa bao giờ thấy buồn hay tủi thân. Chỉ thỉnh thoảng cô nhớ nhà. “Thì cũng như bao sinh viên… không khấm khá khác mà thôi”, cô cười nhẹ khi nói về ngày ấy.
Linh nói, so với em gái, cô khiến bố mẹ lo nhiều hơn, vì cô… lỳ quá. Chẳng bao giờ khóc lóc, than thở hay mè nheo. Linh nói cái gì là làm cái đó, dù cô tự nhận mình vẫn thừa sự lãng mạn - cái lãng mạn được “truyền” từ mẹ mình, một cô giáo dạy văn. Từ bé Linh chơi với con trai, học võ… Ở trường ngoại giao, cô được dạy sự tỉnh táo và điềm tĩnh. Tất cả những điều đó làm nên một Uyên Linh của bây giờ, điềm nhiên trước mọi sóng gió và ồn ào, cô vẫn tĩnh tại trước lớp hào quang bóng bẩy của showbiz.
Nhiều người nói Linh chậm quá, số lượng sản phẩm cô ra mắt quá ít so với sự yêu mến của công chúng, chỉ có Linh là thấy mình đang đi vừa sức. Linh không phủ nhận mình khá thận trọng, nhưng đó là sự thận trọng cần có của một nghệ sĩ. Còn lại, cô thành thật cho biết, là vì cô ham kiếm tiền quá.
Album Ước sao ta chưa gặp nhau của cô được thực hiện trong một thời gian khá lâu, vì cô thận trọng và yêu cầu sự chỉn chu, và vì cô bận chạy sô. “Tôi chạy sô để kiếm tiền làm album”, cô nói. Trước câu hỏi có bao giờ cô nghĩ đến việc đi tìm số đông khán giả với những bài hát “đại chúng” hơn một chút, cô nói nếu phải như thế thì đó không còn là cô. Cô biết mình là ai, cần gì và bao nhiêu thì đủ.
Uyên Linh và mẹ năm 5 tuổi
Linh cho biết, cô bị ảnh hưởng từ bố mẹ rất nhiều trong việc hình thành nên một Uyên Linh của đời sống và của âm nhạc. Với bố, đó là sự không coi trọng hư danh, không câu nệ tiểu tiết. Với mẹ, đó là những khắt khe rất… phụ nữ. “Từ bé tôi đã không được khua chén bát khi ăn, múc canh phải úp muỗng xuống, ngày lau nhà hai lần…”, Linh kể.
Khắt khe, nhưng không áp đặt. Linh chọn con đường ca hát mà không phải là công việc theo đuổi ngành học, bố mẹ vẫn gật đầu, dù lo. Bố mẹ từng muốn Linh trở thành giáo viên, nhưng Linh nói, cô thấy mẹ vất vả quá khi gò lưng chấm bài mỗi đêm. Trên chặng đường ca hát, chặng đường trở thành một Quán quân Vietnam Idol 2012, Linh chẳng có gì ngoài đam mê. Đam mê nhưng chưa bao giờ bỏ qua tất cả chỉ vì ca hát. Với Linh, kiến thức là điều mà cô phải có, chẳng phải để đối đãi với ai, mà trước hết là để cô biết sống đúng với chính mình.
Ngày được cả nước biết đến và rồi bao thị phi ập tới, nào là Uyên Linh mắc bệnh “ngôi sao”, Uyên Linh là “người thứ ba”… cô không phản bác mà cũng chẳng giải thích, như xưa giờ vẫn vậy - chỉ làm, không nói. Chỉ có mẹ cô, dù biết rằng con gái đã bao năm xa nhà và tin rằng con sẽ chẳng làm gì sai, nhưng lo thì không thể không!
Mẹ chẳng hỏi han hay truy vấn, nhưng nét lo âu thì không giấu nổi trên gương mặt. Uyên Linh nói, nhiều khi cô thấy mình như một người đàn ông, và có phần “lạnh”. Cô chưa bao giờ giải thích mà cũng chưa bao giờ quá lo lắng khi người ta nói sai về mình. Không phải vì cô không coi trọng nhận định hay phê phán của những người xung quanh, mà cô biết “bơ” khi tự tin mình không sai.
Cuộc đời này, thị phi chỉ là một trong những vô số điều mà mỗi người sẽ gặp. Nếu có những ai để cô phải giải thích, thì đó là người trong gia đình.
Bố mẹ Uyên Linh từ hàng ghế khán giả
Vài năm nay Uyên Linh đã sống một mình, xa gia đình. Với cô, đó là cách tốt nhất để mẹ đỡ lo lắng khi cứ chứng kiến nếp sinh hoạt “không giống ai” của một ca sĩ. Bây giờ, căn hộ của cô không nhiều tiếng nói tiếng cười trong mỗi bữa ăn như ở nhà ba mẹ. Nói không nhớ một điều gì đó mỗi khi cầm bát cơm thì không phải, nhưng Linh coi đó là một điều không thể khác được.
Mỗi ngày mới của cô không diễn ra theo một khung giờ cố định, có lúc cô dậy muộn, có hôm lại dậy sớm. Có hôm vui thì vào bếp nấu ăn, hôm nào bận thì ăn qua loa. Lịch diễn, ghi hình… đan chéo nhau như một mê cung, Linh tự tháo gỡ, tự sắp xếp để dành thời gian về nhà, ăn những món mẹ nấu.
Thỉnh thoảng mẹ cô lại từ Thủ Đức lên xem con gái sống ra sao, mang theo cho Linh một món nào đó mẹ nấu. Cô ăn ít, mẹ lại mắng một trận. Cô không cãi, chỉ “dạ”, dù biết chuyện bỏ bữa rất khó tránh. “Dù có lớn như nào, có độc lập đến đâu, có đủ độ tin tưởng ra sao thì trong mắt bố mẹ, chúng ta vẫn cứ là đứa trẻ”, cô hạnh phúc nói.
Uyên Linh (trái) lúc bé
Linh “lạnh”, nhưng với gia đình thì cô “ấm”. Thật ra cô chỉ “lạnh” với những điều thuộc về lý tính, còn lại, như tình yêu chẳng hạn, cô “nóng” đến bất ngờ. Cô không quan niệm một phụ nữ cần phải dựa vào ai đó hay cần có đại gia, thứ cô cần là cảm xúc. Người đàn ông cô yêu, nhạc sĩ Dũng Đà Lạt, là người cho cô cảm xúc đó. Cô cảm nhận ở anh cái “tình” trong từng ngón đàn, thấy được phía sau đó là những nỗi niềm ẩn chứa, vậy là đủ.
Với cô, cuộc sống hôn nhân hay mái ấm gia đình là thứ tồn tại dựa trên cảm xúc, như cảm giác ấm áp cô có mỗi khi bước vào ngôi nhà mà ở đó bố, mẹ và em gái dành cho cô, hay những gì cô cảm nhận được khi thấy điều mà bố mẹ dành cho nhau. “Nếu một ngày tình yêu hết, cảm xúc không còn, thì nên giải thoát cho nhau. Tôi không nghĩ hôn nhân hay gia đình nên tồn tại chỉ bởi một lý do nào đó mà không phải tình yêu”, Linh nói.
Ngẫm nghĩ, cô nói có lẽ tính cách này, quan điểm sống này cô có ảnh hưởng từ bố, một người yêu sự tự do tự tại, phóng khoáng, không thích hình thức, không chạy theo thành tích và coi tình cảm là thứ quý giá trên hết, không bị chi phối bởi vật chất hay định kiến của người đời.
Trường đời dạy Linh sự tỉnh táo, nhưng để “lĩnh ngộ” được những bài học thâm thúy của cuộc đời thì cần có một nền tảng vững. Nền tảng đó gia đình đã cho Linh, để Linh vẫn là Linh của ngày hôm nay: hiểu được mình cần gì và bao nhiêu thì đủ.
THU HƯỜNG