Ưu tiên phân phối vắc-xin cho các nước nghèo để chấm dứt đại dịch COVID-19

02/06/2021 - 13:58

PNO - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang tập trung vào việc cung cấp vắc-xin cho các nước nghèo để ngăn chặn đại dịch trì hoãn kế hoạch phục hồi kinh tế toàn cầu.

Giám đốc điều hành IMF - Kristalina Georgieva - đang dẫn đầu nỗ lực chung trị giá 50 tỷ USD với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để mở rộng khả năng tiếp cận vắc-xin, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo khó đang chật vật tìm cách nhập được những mũi tiêm quan trọng.

Bà Georgieva sẽ chính thức trình bày đề xuất vào ngày 4/6, trước các bộ trưởng tài chính từ nhóm quốc gia G7 trong một cuộc họp ở London. Kế hoạch được công bố vào cuối tháng trước, được WB cùng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ủng hộ.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva sẽ trình bày kế hoạch tài trợ phân phối vắc-xin COVID-19 cho các nước nghèo tại buổi họp cấp bộ trưởng vào ngày 4/6
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva sẽ trình bày kế hoạch tài trợ phân phối vắc-xin COVID-19 cho các nước nghèo tại buổi họp cấp bộ trưởng vào ngày 4/6

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19, IMF và WB đã cảnh báo đại dịch này sẽ cản trở sự tiến bộ của các nước nghèo, gây ra bất bình đẳng gia tăng và tình trạng đói nghèo bùng phát trở lại.

Giờ đây, các tổ chức cho vay có trụ sở tại Washington đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng việc tiếp cận không bình đẳng với vắc-xin sẽ kéo dài đại dịch, vốn đã giết chết hơn 3,5 triệu người trên toàn thế giới.

Bà Georgieva cảnh báo các quốc gia có thu nhập thấp nhận được chưa đến 1% liều vắc-xin cần thiết, dẫn đến "sự phân hóa nguy hiểm" trong vận may kinh tế.

Do đó, sẽ mất nhiều năm để một số quốc gia có thể quay trở lại mức phát triển trước đại dịch. IMF dự kiến, các nền kinh tế ở Mỹ Latinh và Caribe sẽ không lấy lại được thu nhập bình quân đầu người trước đây cho đến năm 2024.

IMF và WB cũng thúc đẩy G20 và các chủ nợ tư nhân dừng yêu cầu thanh toán nợ đối với hàng chục quốc gia có thu nhập thấp.

IMF đã mở rộng việc giảm nợ trực tiếp cho 29 trong số "các thành viên nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất", tăng gấp đôi giới hạn tài trợ khẩn cấp và tăng gấp ba lần nguồn lực ưu đãi.

Phát ngôn viên quỹ IMF - Gerry Rice - nói với AFP: "IMF đã tăng cường hoạt động hơn bao giờ hết, cho vay khoảng 110 tỷ USD với 84 quốc gia kể từ khi đại dịch bắt đầu".

Trong khi đó, WB đã cam kết hỗ trợ hơn 108 tỷ USD trong thời gian xảy ra đại dịch ở hơn 100 quốc gia để ứng phó với "cuộc khủng hoảng nhanh nhất và lớn nhất" trong lịch sử của tổ chức này. Tuy nhiên, các nhà phê bình lưu ý rằng sự trợ giúp đối với các nước thu nhập trung bình đã bị lơ là.

Tấn Vĩ (theo AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI