Ưu thế của cử nhân tiếng “hiếm”

23/08/2022 - 06:09

PNO - Con đường chinh phục tiếng “hiếm” như tiếng Ý, Tây Ban Nha… của nhiều sinh viên tuy gặp không ít khó khăn, nhưng họ đang dần hái được những quả ngọt.

Nhiều khó khăn khi vừa tốt nghiệp

Bạn N.Đ.T., cựu sinh viên (SV) ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) - ĐH Quốc gia (QG) TPHCM, quyết định trở về công tác tại trường ĐH mình đã theo học sau hai năm trải nghiệm các công việc trong lĩnh vực du lịch, thương mại… T. tâm sự, thời gian đầu vừa tốt nghiệp, bạn đã phải đối mặt với thử thách rất lớn khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Điều này khiến không chỉ T. mà còn nhiều tân cử nhân khác chới với vì thiếu việc làm, loay hoay tìm cách trụ lại với chuyên môn ngôn ngữ. 

Trước khi công tác tại bộ môn ngôn ngữ Tây Ban Nha ở trường đại học, N.Đ.T. từng làm hướng dẫn viên du lịch - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Trước khi công tác tại bộ môn ngôn ngữ Tây Ban Nha ở trường đại học, N.Đ.T. từng làm hướng dẫn viên du lịch - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Khi ra trường, chúng tôi phải cạnh tranh công việc với các anh chị đã du học từ Tây Ban Nha, Cuba về. Môi trường thực hành tiếng của họ quá tốt nên có lợi thế hơn hẳn”, T. cho biết. Theo chia sẻ của một SV ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, những nhà hàng, khách sạn 5 sao chỉ tuyển người biết đa ngôn ngữ hoặc phải cần thêm kinh nghiệm dồi dào đối với SV các ngành tiếng “hiếm”.

Thủy Tiên - SV ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM - tiết lộ: “Vì các công ty tuyển dụng yêu cầu cao, nhiều đàn anh đàn chị của tôi đã lựa chọn du học hoặc rẽ sang hướng khác sau khi tốt nghiệp ĐH. Song song đó, cũng có SV quyết định ở lại trường công tác cho ngành, bộ môn”.  

Môi trường đào tạo ngoại ngữ ở các trường ĐH thường chú trọng nghiên cứu tiếng, điều kiện thực hành chưa tối ưu, nên SV phải rất nỗ lực trang bị nhiều kỹ năng mới có thể có được công việc ổn định khi ra trường. Tiến sĩ Lư Đinh Giang - Trưởng bộ môn ngữ văn Tây Ban Nha, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM - cho biết: “Theo phản hồi từ nhà tuyển dụng, SV tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha đảm bảo được chuyên môn tốt, thành thạo trong việc sử dụng tiếng nhưng cần rèn luyện thêm về kỹ năng mềm và thích ứng linh hoạt khi môi trường làm việc thay đổi”. 

Hài lòng về thu nhập 

Hiện ngoài làm chuyên viên phục vụ đào tạo và nghiên cứu, N.Đ.T. còn nhận thêm các công việc khác để nâng cao chuyên môn. T. tiết lộ so với tiếng Anh, Hàn, Nhật... được đa số SV theo học, ngôn ngữ Tây Ban Nha lại mở ra nhiều cơ hội cho bạn với thu nhập lý tưởng. T. bật mí, trong ngành du lịch, công tác phí của hướng dẫn viên tiếng “hiếm” như Ý, Đức, Tây Ban Nha vào khoảng 40-50 USD/ngày, cao hơn gấp hai lần so với hướng dẫn viên tiếng Anh. Không chỉ vậy, các công việc như dịch thuật, giảng dạy, làm việc tại cơ sở kinh doanh, công ty xuất nhập khẩu… cũng là lựa chọn của nhiều SV ngoại ngữ “hiếm” vì thu nhập tương đối cao. 

Bạn Đoàn Hải Yến đang làm trợ lý giám đốc cho Công ty Terraverde Travel với mức lương 10 triệu đồng/tháng, con số khá ổn đối với một tân cử nhân tiếng Tây Ban Nha. Còn bạn Trường Chinh (SV ngành ngôn ngữ Ý) rất hài lòng về thu nhập từ việc sở hữu vốn tiếng Ý. Ngoài giờ học, Chinh làm gia sư tiếng Ý cho các bạn khóa dưới hoặc SV ngành khác muốn học thêm ngôn ngữ này. Trung bình bạn được trả 130.000 đồng/hai giờ học/SV. Một tuần bạn dạy hai buổi, và số tiền còn nhân lên theo số lượng SV. 

Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Tổ chức sự kiện Trường ĐH  KHXH&NV - ĐHQG TPHCM - nhận định: “Sự hội nhập toàn cầu rất cần nguồn nhân lực am hiểu ngôn ngữ Ý, Tây Ban Nha để có thể làm việc trong lĩnh vực đối ngoại, kinh tế, thương mại, du lịch, nghiên cứu…”. Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ phổ biến thứ hai trên thế giới và được sử dụng chính thức ở khoảng 20 quốc gia. Còn văn hóa, lịch sử, ẩm thực… Ý lại có ảnh hưởng nhất định đến văn minh nhân loại. Không khó để dự đoán các ngoại ngữ “hiếm” này sẽ ngày càng được các bạn trẻ nhạy bén chọn học. 

Hoàng Lan
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI