Ưu đãi vốn vay nông nghiệp nông thôn: Tiếp sức chưa tới - Người vay hụt hơi

25/08/2017 - 14:00

PNO - Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi vốn vay cho nông nghiệp nông thôn (NN-NT), song đến nay, nhiều đối tượng vay vẫn khó tiếp cận đồng vốn ngân hàng (NH).

Bon chen vay vốn

Anh Lê Minh Chiến (xã Nhuận Đức, H.Củ Chi, TP.HCM) cho biết, nghe Nhà nước có chủ trương cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, anh tìm đến NH nhưng rồi phải thoái lui, vì để vay vốn, nông dân phải lập dự án sản xuất, kinh doanh, sử dụng đồng vốn đúng mục đích.

Theo ông Bùi Văn Hẩu - Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Nhuận Đức (H.Củ Chi), việc NH yêu cầu để hưởng lãi suất vay ưu đãi, hộ nông dân phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm: bán sản phẩm cho ai, ở đâu… là quá khó.

Bởi hầu hết sản phẩm của nông dân đều không được bao tiêu. Bên cạnh đó, hạn mức cho vay cũng còn quá thấp so với nhu cầu người dân. 

Uu dai von vay nong nghiep nong thon: Tiep suc chua toi - Nguoi vay hut hoi
Nông dân tiếp cận nguồn vốn vay còn gặp nhiều khó khăn

Chị Nguyễn Thị Bé Ba (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn) cho biết: "Nhà tôi chỉ có 6 công đất (1 công là 0,1ha). NH chỉ cho vay 7 triệu đồng/ha. Tôi ít đất quá, làm sao đủ điều kiện vay.

Chưa kể, tôi cũng không được vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… vì những mặt hàng này đều không có hóa đơn đỏ, chứng từ theo yêu cầu của NH".

Còn anh Trương Văn Nghị (xã Phú Hòa Đông, H.Củ Chi) muốn vay để mua xe tải nhẹ phục vụ thu mua, vận chuyển bánh tráng nhưng NH quy định máy thế chấp phải có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.

Trong khi đó, phần lớn các loại máy, xe tải mà nông dân sử dụng đều sản xuất ở nước ngoài. Mà thực tế, Việt Nam cũng chưa có đơn vị nào cấp giấy chứng nhận tỷ lệ nội địa hóa, nhân viên NH cũng chưa đủ khả năng để giám định.

Gian nan để có đồng vốn vay nhưng người vay được cũng... hoảng vì thời hạn vay tối đa chỉ 12 tháng. Nhận vốn về vừa lo cải tạo vườn, chăm sóc cây giống, chưa kịp thu hoạch thì kỳ hạn trả nợ đã tới.

“Tôi vay tiền để đầu tư vườn mai, lan gốc. Song, nợ đáo hạn mà mai chưa vào kỳ thu hoạch, tôi phải vay “nóng” để trả cho NH”. - anh Nguyễn Văn Tài, P.An Phú Đông, Q.12, than thở.  

Không chỉ nông dân mà ngay cả chủ trang trại, HTX và doanh nghiệp thuộc ngành hàng này cũng rất khó tiếp cận vốn vay. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu VINA T&T - cho biết, công ty có nhiều trang trại sản xuất nông sản xuất khẩu, có hợp đồng với nông dân nhưng NH vẫn từ chối cho vay vì đất liên kết này không tính vào tài sản nên không thể thế chấp.

Trường hợp anh Ưng Thế Lãm - chủ trang trại Thanh long sạch TICAY - có hộ khẩu TP.HCM, nhưng trang trại lại ở tỉnh Bình Thuận cũng rất khó vay vốn bởi nghịch lý NH tỉnh chỉ hỗ trợ trang trại ở địa phương, còn NH TP.HCM thì e dè bởi không thể giám sát tài sản ở tỉnh. 

Gỡ vướng… gặp vướng

Ngoài 4-5 NH mặn mà với đối tượng NN-NT thì hầu hết các NH thương mại cổ phần vẫn còn e ngại khu vực này (tổng dư nợ chưa đến 25%). Theo lý giải của ThS Nguyễn Thị Gấm - NH Agribank: “Nhiều NH cho rằng khu vực này có lợi nhuận thấp, chi phí cao, nhiều rủi ro thiên tai, dịch bệnh…”. 

Bên cạnh đó, việc NH Nhà nước áp trần lãi suất cho vay đối với mỗi NH khiến NH “buộc” đưa ra mức vay ưu đãi lãi suất thấp chỉ 7%/năm. Bù lại, NH cũng tung ra hàng loạt điều kiện phức tạp để hạn chế người vay.

Đồng thời, sản phẩm tín dụng của các NH cũng đơn điệu, chỉ cho vay theo món, hạn mức, tài trợ dự án, lưu vụ (giữa vụ), thu mua nông sản (cuối vụ). Người dân muốn vay vốn để đầu tư cho sản xuất ban đầu là rất khó. 

Uu dai von vay nong nghiep nong thon: Tiep suc chua toi - Nguoi vay hut hoi
Đối tượng vay vốn khu vực NN-NT phần nhiều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều NH không mặn mà nên dù chính sách tín dụng NN-NT cởi mở và tăng mức tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo lên gấp 4-5 lần thì đối tượng vay vẫn khó tiếp cận vốn. Hơn nữa, TS Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - cũng cho biết, nghị định gỡ vướng nhưng lại… gặp vướng.

Nghị định 55 quy định khách hàng thuộc NN-NT có thể vay vốn tại các tổ chức tín dụng không cần tài sản đảm bảo nhưng lại quy định thêm là cần phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nghĩa là phải có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, phần lớn các HTX, trang trại đều không hoặc chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. 

“Các NH nên xem xét đến tài sản trên đất, sản phẩm phát sinh từ khoản vay, hợp đồng hợp tác, bảo hiểm… để làm căn cứ tài sản vay. Đồng thời, NH cũng cần có các khoản vốn vay kịp thời với thời hạn phù hợp chu kỳ sản xuất nông nghiệp”. PGS-TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu giải pháp.

Đối tượng vay vốn khu vực NN-NT phần nhiều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều bất động sản thế chấp cũng như không có vốn mạnh để đầu tư sản xuất khi cần kíp.

Đặc biệt, trong bối cảnh đòi hỏi nông nghiệp phải đầu tư, đổi mới sản xuất như hiện nay, việc làm rõ những vướng mắc trong hành trình vay vốn đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Đồng vốn được khơi thông đúng lúc, nông dân và doanh nghiệp thoát quỹ “tín dụng đen”, mạnh dạn sản xuất thì quá trình thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp mới mong có thể bứt phá. 

Theo TS Võ Mai, NH nên ưu đãi cho vay đối với các doanh nghiệp có hợp đồng liên kiết với nông dân. Từ nguồn vay này, doanh nghiệp sẽ ứng vốn, giống, vật tư, thiết bị cho nông dân. Nông dân có thể gửi hàng vào kho và nhận giấy bảo lãnh của doanh nghiệp để vay vốn NH.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI