Ưu đãi đặc biệt giúp ngư dân bám biển

29/05/2014 - 23:24

PNO - PN - Ngày 29/5, Chính phủ đã nghe Bộ NN&PTNT trình dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến năm 2020.

edf40wrjww2tblPage:Content

Uu dai dac biet giup ngu dan bam bien
Ngư dân Bình Định vay vốn đóng tàu công suất lớn vươn khơi (ảnh: Dịu Dịu)

Giảm lãi suất, phát triển tàu vỏ thép

Đáng chú ý, về chính sách tín dụng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị giảm lãi suất, thực hiện ân hạn để đóng mới, hoán cải tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần. Ngư dân sẽ được vay mức lãi suất tối đa 3%, ngân sách địa phương hỗ trợ bù lãi suất. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được quy định ưu đãi hơn. Mức vay cao nhất lên đến 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới; 70% giá trị dự án vay đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị). Thời hạn vay là mười năm đối với tàu vỏ thép, bảy năm đối với tàu vỏ gỗ. Lãi suất tối đa 3%/năm, thời gian ân hạn một năm.

Đồng thời, chính sách bảo hiểm và hỗ trợ khắc phục rủi ro trên biển cũng có điều chỉnh lớn. Cụ thể, sẽ hỗ trợ hàng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu; 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên; hỗ trợ một lần cho gia đình có người chết, mất tích khi lao động trên biển tối thiểu 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; cấp 15kg gạo/tháng/người trong thời gian ba tháng cho các đối tượng là con dưới 18 tuổi, những người thân khác...

Theo Bộ NN&PTNT, các đối tượng được hưởng chính sách hiện nay là 117.116 tàu, trong đó có 28.561 tàu đánh bắt xa bờ. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho hạ tầng lớn nhất, ước tính lên tới 20.000 tỷ đồng, giai đoạn 2015-2020.

Cuối phiên họp, Chính phủ đã thông qua dự thảo trên.

Không để chính sách nằm trên giấy

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ĐBQH Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nói: “Trước đây, chúng ta từng có chủ trương cho vay để đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhưng không thành công. Nay, nên áp dụng phương thức Nhà nước chủ động đóng tàu thuyền phù hợp để ngư dân thuê và mua trả góp. Bên cạnh đó, phải có vai trò của doanh nghiệp lớn. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vay vốn đầu tư đóng tàu lớn, gắn với đội tàu của ngư dân. Tàu lớn mua buôn ngay trên biển, cung cấp sản phẩm thiết yếu cho ngư dân đánh bắt hàng tháng trên biển, có đủ thiết bị bảo quản sản phẩm, trở thành “con sếu” đầu đàn. Ngư dân lúc đó chỉ lo đánh bắt, việc tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp”.

Theo ĐBQH Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, khi Chính phủ có chính sách mới, phải tập trung đưa ưu đãi tới ngư dân trong thời gian sớm nhất. Chính sách hỗ trợ ngư dân cần đảm bảo đúng người, đúng mục đích. Chỉ có ngư dân bám biển thực sự mới được thụ hưởng chính sách này. Trước đây, khi triển khai chương trình đánh bắt xa bờ, đã xuất hiện những hợp tác xã “ma”, lập ra để vay vốn ưu đãi, sau đó bán dự án trong khi ngư dân thực thụ lại không tiếp cận được.

Tổng thư ký Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, ông Trần Cao Mưu góp ý: Khi Nghị định được ban hành, việc triển khai cho ngư dân vay vốn của các ngân hàng là vấn đề được quan tâm nhất. Trước đây cũng có một số chương trình hỗ trợ người dân vay vốn, cấp dầu cho các tàu đánh bắt cá xa bờ nhưng quy trình, thủ tục quá lòng vòng. Do vậy, khâu giải ngân cho người vay vốn cần được thực hiện nhanh gọn và có trách nhiệm hơn để Nghị định không nằm trên giấy.

“Chủ trương phát triển tàu vỏ thép cho ngư dân là chủ trương đúng vì tàu thép có nhiều ưu điểm như tránh thiệt hại khi va chạm, tăng khả năng bảo quản sau thu hoạch. Nếu tàu gỗ có tỷ lệ thất thoát thủy sản sau thu hoạch từ 20 - 30% thì tàu vỏ thép giảm còn 10%. Tuy nhiên, chi phí để đóng một tàu vỏ thép phải mất khoảng bảy - chín tỷ đồng. Trong trường hợp ngư dân được vay vốn tới 90% thì vẫn phải bỏ ra từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí sửa chữa tàu vỏ thép cũng tốn kém hơn. Vì vậy, Nhà nước cần có thêm hỗ trợ các cơ sở sửa chữa và bảo quản tàu thép để tạo thành một hệ thống khép kín, giảm thiểu chi phí cho người dân”, ông Mưu nói.

 Phương Mai- Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI