edf40wrjww2tblPage:Content
Từ hai bàn tay trắng, chị Út Hường vươn lên làm giàu nhờ nuôi bò sữa
Dám nghĩ dám làm
Năm 1998, Út Hường lấy chồng, chưa biết làm gì để sống. “Hồi đó mới học đến lớp 9 thì nghỉ, không có trình độ thì chỉ có cách làm nông dân thôi”- chị chia sẻ. Nhưng cách làm nông của Út Hường cũng rất khác. Thời ấy, thấy cả xóm nuôi bò sữa, vợ chồng chị cũng gom góp mua được một con. Ngày dắt bò về, cả hai vợ chồng hí hửng. Chị còn nhớ như in, lúc mới mua bò cấn bầu sáu tháng, cả nhà chăm chút cho con bò từng li từng tí, chờ đến ngày bò bắt đầu cho sữa. Hớn hở mang đợt sữa đầu tiên đi bán, chị mới té ngửa: không ai chịu mua vì sữa không rõ nguồn gốc. Con bò phải được “lấy số”, dựa trên số hiệu, người ta mới dám thu mua.
“Từ chuyện không bán được mẻ sữa đầu tiên, tôi hiểu ra nhiều điều, rằng nuôi bò sữa không đơn giản, dễ dãi như những vật nuôi khác, phải có hiểu biết và nâng tầm kỹ năng lên mức chuyên nghiệp mới “ăn” được. Vả lại, nuôi bò sữa mà chỉ nuôi một con thì chẳng làm nên trò trống gì. Tôi nghĩ ngay đến việc mình phải có một đàn bò”- Út Hường chia sẻ.
Điểm khác biệt để cô nông dân này “bật” lên được là dám nghĩ và muốn làm lớn. Nhưng thực tế không đơn giản. Nhà nghèo, không có vốn, không thể vay vốn, làm sao để có đàn bò? Lúc này, chồng chị tranh thủ đi vắt sữa thuê trong xóm. Nhờ chịu thương chịu khó, anh kiếm được khoảng 200.000đ/ngày - một khoản tiền làm thuê không nhỏ ở những năm 90 của thế kỷ trước. Chị Út Hường chia sẻ mộng gầy dựng đàn bò với chồng, cả hai thống nhất việc chi tiêu tằn tiện, để dành mua thêm bò. Đồng thời, nhờ việc tự tìm tòi, học hỏi, chị chăm bò đúng phương pháp và mát tay, bò mẹ cứ đều đều đẻ, mỗi năm một con.
Sau vài năm, đàn bò sữa của vợ chồng Út Hường đã lên hàng chục. Không chỉ ngạc nhiên về tốc độ phát triển số lượng bò, xóm giềng còn ngưỡng mộ khi thấy chị tháo vát, nhanh nhẹn tạo mối quan hệ, giao dịch với những công ty sữa lớn để đảm bảo đầu ra.
Cùng nhau “sống” hoặc từng người “chết”
Tất cả những người nuôi bò sữa đều thấm thía rằng, điều quan trọng nhất vẫn là đầu ra cho sữa nguyên liệu. Mỗi ngày, một con bò cho khoảng 15kg sữa, nếu tắc đầu ra, chỉ có nước đổ sữa đi vì nông dân không có thiết bị bảo quản. Nông dân ở ta vẫn có thói quen “mạnh ai nấy làm”, nhiều khi mỗi người làm mỗi kiểu nên chất lượng sữa không tương đồng.
Đó là lý do khiến thương lái chê ỏng chê eo để ép giá. “Mình không thể vất vả sớm hôm chăm bò, cuối cùng ra được mẻ sữa thì thương lái thích phán thế nào thì phán, rồi phải ngậm đắng bán rẻ. Mình phải chủ động tất cả. Nghĩ như vậy, tôi quyết tâm đứng ra lập trạm trung chuyển sữa cho bà con nông dân. Nếu không cùng nhau “sống”, sẽ “chết” riêng lẻ” - Út Hường kể lại chuyện diễn ra năm 2004.
Chị bỏ ra hơn một tỷ đồng để đầu tư thiết bị bảo quản sữa, sau đó đến từng nhà trao đổi về việc cam đoan thu mua sữa đúng giá thị trường nếu mỗi người chịu chăm sóc bò theo đúng quy chuẩn. Mặt khác, chị đứng ra ký hợp đồng với hãng Cô Gái Hà Lan, trở thành trạm trung chuyển. Những hãng sữa lớn không đủ “chân rết” đến từng hộ nông dân để lấy sữa, họ rất cần một trạm trung chuyển uy tín như gia đình Út Hường.
Khởi xướng năm 2004, đến năm 2009, tổ sản xuất do Út Hường lập ra đã có 29 hộ tham gia. Năm 2010, chị chuyển qua làm trạm trung chuyển cho hãng Vinamilk, mỗi ngày thu và chuyển 2,4 tấn sữa nguyên liệu. Nay thì chị đã thu 7,5 tấn sữa/ngày và có đến 110 người tin tưởng giao sữa cho chị. Thấy việc bắt tay với Út Hường được nhiều cái lợi, nhất là yên tâm đầu ra và đảm bảo giá sát với thị trường, nhiều hộ đã hăng hái tham gia tổ sản xuất của chị.
Năm 2014, thấy tổ hoạt động hiệu quả, UBND xã Tân Hiệp đã khuyến khích chị lập hợp tác xã để hỗ trợ bà con nông dân được nhiều hơn. Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Phụng Hiệp ra đời, chị tổ chức tập huấn kỹ năng cho bà con nông dân, hỗ trợ máy vắt sữa cho những gia đình khó khăn.
Có lúc cao điểm, đàn bò sữa của chị lên đến 80 con, nhưng đáng ngạc nhiên là chỉ có hai người phụ việc mà mọi thứ vẫn trôi chảy. “Làm nông mà đụng việc gì cũng phải thuê người thì chẳng còn lời. Vấn đề là phải biết sắp xếp khoa học, nhịp nhàng”- chị khẳng định.
Kẻ "phá giá" tốt tính
Chị Út Hường thẳng thắn cho rằng, trong chăn nuôi, sở dĩ nhiều nông dân “nghèo vẫn hoàn nghèo” là do họ đã bị mất một phần lớn chi phí thức ăn gia súc. Khi số lượng bò tăng lên, chị đã chủ động đi tìm mua tận gốc thức ăn cho bò để giảm chi phí. Nhìn quanh làng, chị thấy bà con nông dân phải đi khá xa để mua thức ăn chăn nuôi với giá quá cao. Vậy là chị mạnh dạn lập cửa hàng bán thức ăn gia súc với giá rất cạnh tranh. Không chỉ đến tận các nhà máy Việt Nam để mua, cô nông dân này còn mạnh dạn tìm đến các công ty Hàn Quốc, Thái Lan để kiếm nguồn hàng chất lượng, giá rẻ.
“Có lần, tôi thấy cậu em của tôi mua một bao thức ăn gia súc giá 300.000đ. Đúng bao đó ở nhà máy chỉ có giá 200.000đ. Nói vậy để thấy vì sao nông dân cặm cụi chăn nuôi mãi mà không khá lên được” - chị bộc bạch.
Bán thức ăn gia súc với giá “đẹp” cho nông dân, cửa hàng của Út Hường ngày càng đông khách. Chị còn chở hàng đi bán ở tỉnh Bình Dương, Đức Hòa (tỉnh Long An), quận 12 (TP.HCM). “Với một số người buôn bán thức ăn gia súc khác, tôi giống như kẻ phá giá, chắc là có người ghét tôi lắm. Nhưng nói thật, tôi trực tiếp chăn nuôi nên thấu hiểu hết nỗi khổ của nông dân. Bây giờ, đơn giản là tôi thấy điều gì tốt cho bà con là nỗ lực làm thôi”.
Dẫn phóng viên đến nhà chị Út Hường, chị Huỳnh Thị Thiên Nga - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hiệp vui vẻ cho biết: “Út Hường cũng đang là “con buôn” đó, nhưng tôi chưa thấy “con buôn” nào thật tình và tốt với bà con nông dân như vậy. Có thể nói, sự năng động, giỏi giang của Út Hường đã hỗ trợ những người nuôi bò sữa ở đây rất nhiều. Nông dân được như Út Hường, dễ có mấy ai!”.
Có chuông điện thoại reo, chị Út Hường cười vang với người ở đầu dây bên kia. Đặt chiếc iPhone cáu cạnh xuống, chị bẽn lẽn: “Có người thấy tui trên ti vi, hôm qua tui mới được tuyên dương ở Đại hội thi đua yêu nước cấp thành phố. Nghe đâu mai mốt còn được ra trung ương nhận cờ thi đua của Thủ tướng, rồi còn được đi tập huấn nuôi bò sữa ở Thái Lan nữa…”.
TRẦN TRIỀU