Ướp xác chờ tái sinh - Ý tưởng viển vông hay dịch vụ hái ra tiền?

18/06/2022 - 13:12

PNO - Hình ảnh những thi thể được ướp trong bể hóa chất và bảo quản hàng trăm năm để chờ được tái sinh không chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng mà đã trở thành dịch vụ hốt bạc tại Mỹ và Úc.

 

Khu vực nhà kho nơi bảo quản hàng chục thi thể người chết trong bể chất lỏng để chờ đến ngày được... tái sinh - Ảnh: AAP
Khu vực nhà kho nơi bảo quản hàng chục thi thể người chết trong bể chất lỏng để chờ đến ngày được... tái sinh - Ảnh: AAP

Trong khu nhà kho ở Holbrook, một thị trấn nhỏ ở phía nam bang New South Wales (Úc), người ta đang chuẩn bị các bước bảo quản thi thể của một người chết trong bồn chứa với tư thế đầu hướng xuống đất và chờ ngày được… tái sinh.

Thay vì phải mang đi thiêu và chôn cất theo cách thông thường thì hiện có ít nhất 10 thi thể được đóng phí để lưu xác tại đây với niềm hy vọng mong manh rằng, tiến bộ khoa học sẽ giúp mang họ về từ cõi chết. 

Dịch vụ ướp xác này lần đầu tiên được cung cấp cho người dân tại Úc với số tiền không hề nhỏ cùng với việc giám sát khắt khe của các cơ quan thuộc chính phủ Úc.

Mô hình dịch vụ nhuốm màu khoa học viễn tưởng này khởi đầu từ doanh nghiệp phi lợi nhuận Southern Cryonics có trụ sở ở tiểu bang Arizona (Mỹ) do cựu chuyên gia marketing Peter Tsolakides sáng lập và điều hành với “191 thi thể đang được bảo quản cùng hơn 1.500 thành viên là những người còn sống đăng ký tham gia”.

Khu nhà kho ở thị trấn Holbrook là chi nhánh duy nhất hiện nay của doanh nghiệp này ở Úc với khả năng phục vụ tối đa 40 thi thể “ngủ đông hoàn toàn trong bể nitơ lỏng” sau khi đã thanh toán số tiền 70.000 đô la Mỹ (khoảng 1,6 tỷ đồng) cho một cơ hội tái sinh. Số tiền này sẽ tăng lên 150.000 đô la Mỹ/xác ướp trong thời gian tới.

“Đó là một khoản chi phí lớn, nhưng cần nhớ rằng, người ta đang trả tiền để mua dịch vụ tái sinh bằng một phương pháp thử nghiệm chứ không phải là một đám tang đắt tiền”, ông Tsolakides lý giải.

Theo ông Tsolakides, hầu hết các khoản phí thu từ khách hàng sẽ được chuyển thành những khoản đầu tư rủi ro thấp để tái đầu tư nhằm có đủ nguồn lực tài chính duy trì sự tồn tại của Southern Cryonics cũng như đảm bảo các thi thể sẽ được bảo quản "gần như mãi mãi".

Hình ảnh cho thấy quy trình bảo quản thi thể bao gồm các bước: xử lý tử thi, đưa tử thi vào một bồn kim loại không rỉ, sau đó nhúng toàn bộ quan tài thép đó vào bể chứa đầy hóa chất bảo quản dạng lỏng - Ảnh: Alcor Media
Hình ảnh cho thấy quy trình bảo quản thi thể bao gồm các bước: xử lý tử thi, đưa tử thi vào một bồn kim loại không rỉ, sau đó nhúng toàn bộ "quan tài thép" đó vào bể chứa đầy hóa chất bảo quản dạng lỏng - Ảnh: Alcor Media

Ông Max More, một trong những người đã đóng tiền để được ướp xác bằng dịch vụ do Southern Cryonics cung cấp, đánh giá: "Việc bảo quản thi thể người chết một cách an toàn trong khoảng thời gian 250 năm ở nhiệt độ -78,5°C, sau đó tái sinh cùng ký ức được khôi phục và cảm giác nguyên vẹn về bản thân là điều vô cùng thú vị và đáng để hy vọng".

Tuy nhiên, giáo sư Gary Bryant thuộc Đại học RMIT (Úc) phát biểu với tạp chí Cosmos gần đây rằng, khái niệm bảo quản thành công toàn bộ cơ thể người, với tất cả sự phức tạp về tế bào, là điều chỉ có thể tồn tại trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

Theo giáo sư, đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu không thể nào bảo quản thành công bằng phương pháp đông lạnh, ngay cả với một bộ phận đơn giản của con người.

Mặc dù vậy, giáo sư Gary vẫn nuôi hy vọng khi cho rằng, những tiến bộ của khoa học trong tương lai “có thể làm được những điều mà hiện chúng ta không thể biết được”.

Ông nêu ví dụ về việc cách đây hơn 60 năm, con người bị xem là đã chết khi ngừng thở và tim ngừng đập. “Thế nhưng ngày nay, chúng ta có thể sử dụng phương pháp hồi sức tim phổi (CPR) hoặc máy khử rung tim để cứu sống bệnh nhân đang trong tình trạng nêu trên”.

Thi thể người chết sẽ được bảo quản trong bồn chứa chất lỏng nitơ ở nhiệt độ °C - Ảnh: Jesse Rieser/The New York Times
Thi thể được bảo quản trong bồn chứa chất lỏng nitơ ở nhiệt độ -78,5°C trong khoảng 250 năm - Ảnh: Jesse Rieser/The New York Times

 Nguyễn Thuận (theo 7News Australia)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI