Uống thuốc Đông y bán dạo quá mạo hiểm!

19/03/2016 - 07:54

PNO - Nhiều bạn đọc phản ánh, gần đây, tình trạng bán dạo "thuốc Đông y" diễn ra khá phổ biến tại TP. HCM.

Uong thuoc Dong y ban dao qua mao hiem!
Thuốc "Đông y" được bán dạo như bán rau

Đủ loại thuốc được đóng sẵn, hoặc thảo dược để nguyên cây, củ; xắt lát, được người bán chất đống lên xe ba gác, xe đẩy chở đi rao bán khắp hang cùng ngõ hẻm, có nhiều người mua, không biết những loại thuốc này có đảm bảo an toàn?

"Chợ thuốc" di động

Tại chợ Căn cứ 26A (Q.Gò Vấp), một người đàn ông da ngăm đen, mặc áo thun, quần lửng, luôn miệng mời chào các tiểu thương: “Mua thuốc về uống cho khỏe đẹp đi em; mua cho chồng, bố mẹ, cô chú bác uống trị đau lưng, nhức mỏi, viêm thấp khớp, thần kinh tọa… bảo đảm hết. Muốn tẩm bổ thì có luôn sâm củ về ngâm rượu uống dần”... Hơn chục bao ni lông đựng đủ loại cây, lá được người này chất trên xe đẩy len lỏi vào từng ngóc ngách trong chợ.

Chỉ cần người mua cho biết bệnh là người này sẽ “hốt thuốc” bán theo kiểu ước chừng trong nắm tay, không cân đong. Tên từng loại thuốc không được ghi rõ; liều dùng, cách dùng cũng chỉ được người bán hướng dẫn sơ sài. Trong “gian hàng thuốc” này có hàng chục gói bột nhìn na ná nhau, đựng trong bịch ni lông được ép mép qua hơ lửa, có bịch rách góc, bột rơi vãi; chỉ được phân biệt bằng mảnh giấy ghi công dụng: “thuốc trị thận yếu, thận hư”, “thuốc ngâm chân trị nứt nẻ”, “thuốc tán sỏi thận cực nhanh”, “thuốc tán sỏi mật”, “thuốc ho hen, viêm họng”… Tất cả đồng giá 50.000đ/gói, mua bốn tặng một; đều pha nước uống mỗi ngày thay nước (!?).

Với gói “thuốc Đông y” bột giá chỉ 50.000đ này, người bán cho biết “là thuốc gia truyền chữa nóng gan, nóng thận, mẩn ngứa, mề đay, nổi mụn, táo bón, nhiệt miệng…” và hướng dẫn cách dùng rất chung chung: “Mỗi gói chia ra uống bốn ngày, mỗi phần cho vào phích nước nóng uống thay nước suốt ngày, bỏ bã”. Hỏi thành phần, anh này nói đại khái “gồm rau ngô, bông mã đề, giảo cổ lam, cà gai leo, diệp hạ châu… Nghe chúng tôi hỏi mua thuốc trị bệnh phụ khoa, người đàn ông này bốc ngay ba bốn loại cây, lá khô bọc lại trong gói giấy, hướng dẫn “nấu nước tắm mỗi ngày, giá 80.000đ/thang, chia hai lần tắm; dùng ít nhất hai thang, hết ngứa thì ngưng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn thuốc Đông y bán dạo được lấy từ “chợ thuốc sỉ” Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM). Tại “chợ thuốc” này, vừa biết chúng tôi có nhu cầu tìm nguồn thuốc sỉ, một người bán mời chào ngay: “Muốn mua loại nào cũng có, từ nguyên liệu đến thuốc qua bào chế, tán, xắt... Các tỉnh đều về đây lấy hàng, giá cạnh tranh”.

Một nhân viên cửa hàng thuốc Thanh Hoa báo giá với chúng tôi: nhân trần 35.000đ/ kg, kỷ tử 20.000đ/kg, thục địa 80.000đ/kg, đẳng sâm 170.000đ/kg, đương quy 350.000đ/kg, hoài sơn 85.000đ/kg… Về nguồn gốc, người bán cho biết: “Nhập trực tiếp từ Quảng Châu, Trung Quốc, một số ít từ miền Trung, Tây Nguyên”. Sở dĩ những “thầy thuốc dạo” này “sống được” là do người dùng vẫn ngây thơ cho rằng, cây cỏ tốt cho sức khỏe, không có tác dụng phụ

Coi chừng thêm bệnh!

Mang số “thuốc Đông y” tán bột đến phòng khám Tuệ Lãn (Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM), chúng tôi được lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM cho biết, thuốc Đông y đã tán thành bột thì khó biết được thành phần. Thuốc bột chỉ có hạn dùng trong sáu tháng trở lại, để lâu hơn sẽ biến chất. Lương y Nghĩa nhấn mạnh, Đông dược để riêng từng loại thì khác, khi trộn chung với nhau sẽ sinh ra phản ứng nên cần chính xác tỷ lệ % từng loại, thuốc phải được đóng bao bì kỹ lưỡng, tránh ánh nắng.

Riêng gói “thuốc trị bệnh phụ khoa”, có thành phần gồm ngũ trảo, kinh giới, hoắc hương, bạc hà… Đây là những loại thuốc thông thường dùng tắm, xông trị ngứa, nhưng không rõ thuốc được sơ chế, bảo quản có đảm bảo chất lượng, vệ sinh hay không. Thuốc đạt tiêu chuẩn phải là thuốc mới, còn mùi tinh dầu đặc trưng của cây thuốc. Về nguyên tắc, những cây thuốc có tinh dầu phải được phơi trong mát để đảm bảo hàm lượng.

Đáng lo là những gói bột, cây lá được giới thiệu là “thuốc trị bệnh” mà không có nhãn mác, thành phần, tỷ lệ rõ ràng hoặc có ghi thành phần nhưng không qua kiểm soát chất lượng thì rất nguy hiểm. “Thuốc Đông y bày bán trên thị trường phần lớn nhập từ Trung Quốc. Nếu chỉ nghe theo lời người bán, không biết rõ thành phần thuốc, không được tư vấn kỹ mà vẫn mua dùng thì quá mạo hiểm”, lương y Nghĩa lo ngại.

BS Trần Văn Năm - nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cảnh báo: “Khi dùng thuốc không đạt chất lượng, trước tiên sẽ không có tác dụng trị bệnh, đặc biệt là lãng phí thời gian đối với những bệnh cần chữa trị sớm. Nguy hiểm hơn là nấm mốc trong thuốc sẽ gây ra nhiều bệnh và dẫn đến những biến chứng. Bên cạnh đó, Đông dược còn gây độc nếu dùng quá liều lượng hoặc nguy hại hơn là để… tăng tác dụng, người bán còn pha tân dược vào Đông dược”.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI