Uống sữa phải tùy thể trạng của trẻ, đâu phải ai cũng có nhu cầu

01/10/2018 - 06:20

PNO - Về việc triển khai đề án “Sữa học đường” tại TP.HCM, có ý kiến cho rằng chương trình này chỉ nên thực hiện ở những vùng sâu vùng xa, ý kiến khác đề xuất nên xem lại việc sử dụng ngân sách hỗ trợ cho chương trình.

Uong sua phai tuy the trang cua tre, dau phai ai cung co nhu cau
Hình minh họa.

Bà Lê Thu Hà (Q.1, TP.HCM): Nhà ở quận tuyên bố thoát nghèo, sao hưởng được chương trình?

Theo tôi, bắt phụ huynh đóng 50% sẽ là trở ngại lớn nhất cho chương trình này. Ví dụ, khi họp phụ huynh lần nào tôi cũng nghe giáo viên nêu tên em Q. chưa đóng tiền này tiền nọ, thiếu dụng cụ học tập… Cha Q. bị bệnh ở nhà, mẹ đi làm thuê mỗi ngày được 50.000 đồng. Nhưng nhà họ ở Q.5 - quận tuyên bố thoát nghèo - nên không được xếp vào hộ nghèo… Trường hợp này làm sao được hưởng 100% chương trình “Sữa học đường”? 

Trong khi những gia đình bình thường, ngoài bữa ăn họ còn bổ sung dinh dưỡng cho con theo nhiều cách và nguồn sữa cho con cũng phong phú theo điều kiện của mỗi gia đình. Cho nên, Nhà nước nên nghĩ đến việc quản lý và giảm giá thành sữa trên thị trường để mọi người đều có thể chăm lo cho con mình mà không là gánh nặng. Hoặc chương trình này chỉ nên thực hiện ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và hoàn toàn miễn phí.

Bà Lê Mộng Cẩm (Q.12, TP.HCM): Đừng trục lợi trên sức khỏe các cháu

Tôi thấy mục đích của chương trình là tốt, nếu làm đúng theo định hướng nâng cao sức khỏe và chế độ nhân sinh cho các thế hệ mầm non. Nhưng tôi lo ngại vấn nạn trục lợi, mà trục lợi trên sức khỏe của các cháu thì tôi sợ ảnh hưởng đến tương lai về sau. Cho nên ai dám đặt cược sức khỏe và tương lai của con mình vào cái gọi là hỗ trợ 50% đó, riêng tôi thì không.

Ông Đỗ Thanh Hải (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Đừng biến trường học thành điểm kinh doanh hỗn độn

Ngành giáo dục nên làm tốt vai trò chuyên môn của mình, tức nên tập trung cho việc dạy và học. Việc “sữa học đường” nên giao lại trách nhiệm cho ngành y tế thì đúng hơn. Ngành y tế sẽ có nhiều giải pháp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để hiểu rõ vấn đề này, bởi đâu phải chỉ có một giải pháp là uống sữa mới tăng được chiều cao. Ngành GD-ĐT đừng biến các trường học thành điểm kinh doanh hỗn độn như hiện nay mà làm khổ phụ huynh HS. Tiền ngân sách có bù lỗ thì cũng là tiền thuế mà phụ huynh đóng góp. Phụ huynh chẳng ai mong muốn con mình thấp bé nhẹ cân và kém thông minh. Không ai chăm sóc thương yêu con hơn cha mẹ. Cho nên hãy để phụ huynh tự làm việc ấy. 

Bà Hồ Thị Hồng Loan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Còn nhiều chương trình cần thành phố sử dụng ngân sách hơn

Gia đình nào cũng vậy, việc đầu tư cho con trẻ luôn chiếm tỷ lệ lớn trong chi tiêu. Cho nên, việc nâng cao tầm vóc cho trẻ không chỉ là sự quan tâm của xã hội mà nó còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm cha mẹ. Tôi cho rằng, cần xem lại việc phải sử dụng ngân sách hỗ trợ cho chương trình “Sữa học đường”. Vì có nhiều chương trình cần thành phố sử dụng ngân sách hơn. Bên cạnh đó, cần xem lại hiệu quả đạt được từ chương trình này có tương xứng khoản đã bỏ ra không hay chỉ mang thêm phiền phức như những trường hợp ngộ độc từ “sữa học đường” này?

 Ông Mai Thanh Hà - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo hướng nghiệp và giáo dục truyền thống TP.HCM: Công ty bán sữa hưởng lợi nhiều nhất 

Chưa biết HS được hưởng lợi đến đâu, nhưng theo kinh nghiệm của xã hội ta bấy lâu nay, tôi nghĩ các công ty bán sữa hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình “Sữa học đường”. Song song đó là những cán bộ liên quan đến việc xét duyệt này.

Việc đưa ra đề án “Sữa học đường” dễ biến tướng thành hành vi sử dụng chính sách và sức mạnh công quyền để giúp doanh nghiệp quảng bá, bán hàng trực tiếp cho người sử dụng với chi phí thấp nhất. Cơ sở giáo dục không thể trở thành thị trường cạnh tranh của các công ty.

Theo tôi, nên chăng HS và gia đình của các em được trực tiếp mua sữa giảm giá tại tất cả các kênh phân phối. Chi phí này có thể được doanh nghiệp cân đối tương đương khoản hỗ trợ 20% mà họ phải thực hiện nếu trúng thầu cung cấp sữa cho chương trình “Sữa học đường” theo đề án của TP.HCM.

Bà Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM: Trẻ thành phố có nhu cầu không?

Tôi thấy với tư cách là đối tượng thừa hưởng và phải thanh toán tiền, việc phụ huynh tại TP.HCM đặt vấn đề chương trình “Sữa học đường” có cần thiết không là điều nên lắng nghe.

Việc bổ sung dinh dưỡng bằng sữa là một trong những nhu cầu thiết yếu, nhưng còn phải tùy theo thể trạng, phải xem loại sữa đó có phù hợp thể chất HS hay không. Ngay cả suất sữa sẵn có trong trường mà phụ huynh đã đóng trong tiền ăn rồi nhưng thậm chí nhiều trẻ còn không uống. Do vậy, cần hết sức cân nhắc yếu tố có nhu cầu không và có phù hợp không.

Nam Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI