Thuốc, rượu thuốc bán đầy đường
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TPHCM), muốn bán ra thị trường, rượu ngâm thảo dược (được gọi là rượu thuốc) phải đăng ký công bố hợp quy, đăng ký chất lượng với cơ quan y tế. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn sản phẩm rượu ngâm thảo dược, kể cả các loại thuốc cường dương đang được bán trên thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Ở góc đường Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình, TPHCM), có nhiều xe đẩy treo bảng rao bán củ ba kích, mật nhân với giá 250.000 đồng/kg. Khi chúng tôi muốn mua củ ba kích, một người bán tại đây nói đã hết hàng, muốn mua thì phải đặt trước. Tại đây, người ta còn bán đủ loại thảo dược có tính cường dương khác, như nấm ngọc cẩu, sâm cau, giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, còn rượu đã ngâm sẵn các thảo dược này được bán với giá 150.000 đồng/lít.
“Các loại thảo dược này đều trồng ở Quảng Ninh nên chắc chắn là hàng thật. Bên tôi còn có rượu ngâm chung ba kích với nấm ngọc cẩu, bảo đảm tăng cường sinh lực gấp đôi, ông uống bà khen” - chủ một xe đẩy nói. Tại đây, các loại rượu thuốc tự ngâm được đựng trong các chai thủy tinh, bên ngoài không có thông tin sản phẩm.
Tại một số cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM), hầu như cửa hàng nào cũng bày bán các bình rượu ngâm đủ loại thảo dược được cho là “tráng dương bổ thận” như ba kích, nhân sâm, đỗ trọng, dâm hương hoắc, thảo dược Amakông và rượu ngâm các loại động vật còn nguyên con như rắn, tắc kè, ngọc dương, bổ củi, bọ cạp, hải long, hải mã, gạc nai, sừng tê giác, mỗi bình có giá từ 2 - 5 triệu đồng, hoặc bán lẻ với giá 150.000 - 300.000 đồng/lít tùy loại. Tất cả rượu đều đựng trong chai thủy tinh, đủ màu sắc và không có nhãn mác.
Nhân viên của một cửa hàng tư vấn, nếu không chuộng rượu ngâm sẵn, có thể mua thảo dược về ngâm, giá 300.000 - 1 triệu đồng/thang gồm 35 loại thảo dược, mỗi thang ngâm khoảng 5 lít rượu. Nghe chúng tôi than ông xã ở nhà “hơi yếu”, nhân viên khuyên nên mua ngọc dương về ngâm, chỉ có giá 100.000 đồng/bộ, ngâm chung với tắc kè, bổ củi, hải mã, hải long, giá từ 10.000 - 40.000 đồng/con. “Ông nào mua về ngâm uống cũng đều khoe “đêm bảy ngày ba” hết, chị chưa có con thì nên mua về ngâm cho chồng uống” - một nhân viên của cửa hàng Vĩnh Phát nói.
Các tiệm thuốc bắc trên đường Lương Nhữ Học và Triệu Quang Phục (quận 5, TPHCM) cũng bán đủ loại thuốc cường dương dạng hoàn, tán, bột, được cho là gia truyền, đựng trong các túi ni-lông nhỏ, không nhãn mác. Tại một tiệm thuốc, chúng tôi thấy hai phụ nữ đang cho vào bao ni-lông một loại bột màu vàng như nghệ, gọi là “sìn sú”, giá 350.000 đồng/gói 0,5g, không có nhãn mác. Theo giới thiệu của nhân viên tiệm thuốc, “sìn sú” là một bài thuốc cổ của người Ê đê ở Tây Nguyên, bao gồm nhân sâm alipas, trầm hương, đinh hương, nhung hươu, dâm hương hoắc, ba kích và nọc độc của một loại cóc rừng. Dùng bột này pha ít nước rồi thoa lên đầu dương vật, sẽ kéo dài thời gian quan hệ lên 30 - 40 phút.
Sản phẩm “sìn sú” còn được rao bán tràn ngập trên các “chợ” thương mại điện tử với đủ mức giá (từ 54.000 - 200.000 đồng/gói) và nguồn gốc khác nhau (Đồng Nai, Quảng Ninh, Điện Biên…).
Thuốc không phải để… nhậu
Tiếp nhận bệnh nhân bị cương dương suốt 30 giờ do dùng rượu, Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội chẩn đoán, bệnh nhân này đau dương vật kéo dài thể thiếu máu. Các bác sĩ đã gây tê gốc dương vật, hút và bơm rửa vật hang nhưng tình trạng cương cứng không giảm nên đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu mở thông vật xốp, vật hang.
Về trường hợp uống rượu ba kích dẫn đến cương dương 30 giờ, lương y Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định, ba kích lành tính, dù có công dụng bồi bổ, ôn thận trợ dương, cường gân cốt nhưng chắc chắn không có khả năng gây cương dương như trường hợp nói trên. Trường hợp trên có thể đã uống rượu pha một loại tân dược tăng cường sinh lý nào đó.
|
Thuốc cường dương “sìn sú” không nhãn mác được bán đầy trong các tiệm thuốc Đông y |
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, rượu thuốc nói chung giúp tăng cường sức khỏe, bổ khí huyết, bổ thận, chữa đau lưng, gai cột sống, thấp khớp, nhức mỏi… nhưng do người dân “có gì ngâm nấy” hoặc ngâm không đúng cách nên rượu được ngâm có thể gây hại cho sức khỏe. Muốn rượu ngâm thuốc có giá trị chữa bệnh, dược liệu phải chuẩn, đúng bài, đúng vị.
Việc ngâm động vật như rắn, bìm bịp, tắc kè còn nguyên con rất nguy hiểm vì trong bụng các loài động vật này chứa nhiều ký sinh trùng, uống rượu này chẳng khác gì đang uống ký sinh trùng; còn lộc nhung để nguyên lông sẽ gây tổn thương niêm mạc người uống. Nếu muốn ngâm các con vật này thì nên mổ bụng, bỏ nội tạng, bỏ lông, nướng chín trước khi ngâm; riêng lộc nhung cần cạo sạch lông.
“Các loại mối chúa, bổ củi, bọ cạp, huyết động vật… được cho là thuốc nhưng chưa có tài liệu nào chứng minh về dược tính. Đó là chưa kể, trong máu động vật chứa nhiều loại vi khuẩn ký sinh mà nồng độ cồn của các loại rượu, men tiêu hóa trong ruột không thể diệt được nên rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người dùng” - lương y Nguyễn Đức Nghĩa cảnh báo.
Tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan - Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM - cho biết viện từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai biến do uống rượu thuốc, thường gặp nhất là bị đau đầu, tăng huyết áp. Trường hợp bệnh nhân cương dương suốt 30 giờ có thể là do uống quá nhiều, quá độ, tăng ham muốn, dẫn đến rối loạn cương dương.
Theo bác sĩ Ngọc Lan, suy nhược sinh dục là do thận. Nguyên nhân gây suy nhược có thể là thận âm hư, thận dương hư, thận âm dương hư. Thận âm hư có cơ địa nóng, thận dương hư có cơ địa lạnh, ba kích có tính ấm nên bổ thận, dương.
Người có thận dương hư (với biểu hiện người bị lạnh, sinh dục suy yếu, đau lưng, mỏi gối, lạnh chân, tiểu đêm, ù tai, đi cầu phân nhão) mới được dùng rượu ba kích. Ngược lại, dùng trên cơ địa nhiệt sẽ không phù hợp, gây tăng huyết áp, tim mạch, đồng thời sẽ kích thích tăng ham muốn, quan hệ nhiều hơn, dẫn đến sinh dục sẽ càng suy nhược hơn, có khả năng không hồi phục.
Trong Đông y, để điều trị suy nhược sinh dục, người ta dùng bài thuốc bổ dưỡng và tiết chế khả năng sinh dục để “dưỡng” chứ không phải để tăng khả năng “xài” lên. Rượu tráng dương phần lớn hợp với thể hàn. Những người có thể nhiệt thì không được dùng, nhất là những người đang bị tăng huyết áp, tim mạch.
Muốn dùng rượu thuốc, phải biết thảo dược mình ngâm dạng gì, phải dùng đúng liều (30 - 40ml/lần, mỗi ngày hai lần), mua đúng loại rượu tốt từ 45 độ trở lên. “Quý ông không nên rủ bạn cùng nhậu để cùng “khỏe” vì thể trạng mỗi người khác nhau. Khi uống, phải có liều lượng; nếu uống lượng nhiều, sẽ có nguy cơ gặp sự cố, có khi nguy hiểm tính mạng” - tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan khuyên.
Phạm An - Thanh Hoa