Uống rượu bao nhiêu là nhiều?

19/08/2017 - 09:00

PNO - Rượu chè là tình trạng phổ biến ở nước ta hiện nay, nhưng nhiều người vẫn rất mơ hồ về chứng nghiện rượu.

Nghiện rượu không đơn giản chỉ là uống bia rượu hàng ngày với một lượng lớn mà phức tạp hơn nhiều, là một bệnh lý thực sự. Cũng như nhiều chứng bệnh khác, nghiện rượu có các tiêu chuẩn chẩn đoán và hướng điều trị cụ thể.

Uong ruou bao nhieu la nhieu?
 

Nghiện rượu là gì?

Lạm dụng rượu là một thói quen uống rượu có hại và nguy hiểm, cụ thể là uống hàng ngày và uống quá nhiều một lần. Lạm dụng rượu ảnh hưởng rất rõ đến cuộc sống, có thể làm bạn thất nghiệp, nguy hiểm tính mạng nếu lái xe.

Khi rơi vào nhóm “lạm dụng rượu”, bạn sẽ tiếp tục uống dù biết nó gây tác hại không nhỏ. Nếu lạm dụng rượu kéo dài, tình trạng sẽ nặng dần và đi đến “lệ thuộc rượu”, thường gọi là nghiện rượu. Khi đó, bạn sẽ bị lệ thuộc tâm lý và hành vi vào rượu; bị thôi thúc phải uống rượu, tìm mọi cách để uống rượu.

Như vậy, nghiện rượu là một bệnh mạn tính, kéo dài, chứ không chỉ là một thói quen như chúng ta thường nghĩ. Là bệnh nên cũng như mọi chứng bệnh, nó có giai đoạn tiềm ẩn, có triệu chứng và nguyên nhân, có liên quan đến di truyền và ảnh hưởng của môi trường sống.

Khi đã có ít nhất ba trong số các dấu hiệu sau, có thể bạn đã nghiện rượu:
- Không thể ngừng uống hay kiểm soát được việc uống rượu (đã lệ thuộc rượu).
- Phải uống nhiều hơn trong lần sau mới thỏa mãn được như lần trước.
- Khi ngừng uống, sẽ xuất hiện các triệu chứng “cai nghiện” như đau bụng, đổ mồ hôi, cảm giác lắc lư và căng thẳng. 

Các triệu chứng cai là trở ngại lớn khiến bạn không thể ngưng uống rượu.

- Mất nhiều thời gian để uống rượu và để tỉnh táo lại sau khi uống, bỏ hết mọi việc để uống.

- Bạn cũng cố gắng để bỏ hoặc giảm lượng rượu nhưng gần như không thể làm được.

- Tiếp tục uống dù biết nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cuộc sống của mình.

Uong ruou bao nhieu la nhieu?
 

Uống bao nhiêu là nhiều?

Rất khó có câu trả lời chính xác vì còn tùy sức khỏe, tập quán địa phương và môi trường sống – làm việc của từng người; chỉ có thể ”chẩn đoán” bạn đã rơi vào nhóm nguy cơ bị nghiện rượu cần đến gặp bác sĩ nếu:

- Một phụ nữ uống hơn ba khẩu phần một lần, hoặc bảy khẩu phần trong một tuần. Một khẩu phần chuẩn tương đương một cốc bia, một ly rượu vang hay một ly hỗn hợp.
- Một nam giới uống hơn bốn khẩu phần một lần, hay hơn 14 khẩu phần một tuần.

Dấu hiệu của lạm dụng rượu, lệ thuộc rượu

Một số dấu hiệu có thể chỉ ra bạn đang có vấn đề với rượu, có thể nghiện rượu:

- Uống rượu khi mới thức giấc, thường uống rất lâu, uống một mình.

- Thay đổi đồ uống, ví dụ từ bia sang rượu vì nghĩ như vậy mình sẽ uống ít hơn.

- Cảm giác tội lỗi sau khi uống.

- Tìm cách che giấu hành vi uống rượu.

- Không nhớ những việc mình làm khi uống rượu.

- Lo lắng mình sẽ không có đủ rượu cho buổi tối hoặc ngày cuối tuần.

Uong ruou bao nhieu la nhieu?
 

Khi có những dấu hiệu trên, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Nếu thấy người thân có các dấu hiệu này, bạn nên khuyên họ gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng, tiền sử bệnh và đánh giá tâm lý. Bạn cũng sẽ được tầm soát các vấn đề liên quan đến nghiện rượu như trầm cảm hay các bệnh lý thực thể như xơ gan...

Điều trị nghiện rượu như thế nào?

Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh. Một số người có thể giảm lượng rượu uống về mức bình thường nhờ tham vấn, nghiện nặng hơn thì có thể phải nhập viện để điều trị.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ giải quyết hậu quả (giải độc rượu) sau đó mới đi vào các bước điều trị. Việc giải độc là rất quan trọng khi bạn đã nghiện, có thể phải cần đến thuốc để vượt qua các triệu chứng cai trong giai đoạn này.

Sau bước giải độc, bạn sẽ được tập trung điều trị để không “say rượu” nữa, nghĩa là ngừng uống rượu. Có nhiều liệu pháp và có thể dùng đến thuốc nếu tham vấn không hiệu quả.

Khi đã thoát khỏi tình trạng nghiện, bạn chỉ mới thành công bước đầu. Để “dứt bệnh” hoàn toàn, bạn cần phục hồi cuộc sống xã hội, những quan hệ với gia đình, bạn bè. Quá trình này là cơ sở quan trọng hỗ trợ để bạn không tái nghiện.

Nghiện rượu được xếp vào nhóm bệnh lý liên quan đến sử dụng chất gây nghiện, là một bệnh tâm thần, nên bạn có thể tìm đến các bác sĩ tâm thần để giúp giải quyết vấn đề của mình. Ở các nước phương Tây có nhiều tổ chức chuyên hỗ trợ người nghiện rượu hòa nhập với cộng đồng, vì quá trình hòa nhập thường kéo dài và dễ thất bại.

Các chuyên gia luôn nhấn mạnh, việc điều trị nghiện rượu không chỉ là làm người bệnh ngừng lệ thuộc vào rượu mà còn phải đảm bảo họ có thể sống bình thường sau khi ngưng rượu, tức là công việc, học tập và các mối quan hệ phải đủ tích cực để họ không quay lại với rượu. 

Tuyến Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI