Uống nhiều nước gây loãng máu, suy thận?

12/07/2017 - 21:47

PNO - Một người xưng là bác sĩ Đông y cảnh báo: nếu không muốn chết sớm hãy uống nước ít lại. Uống nước nhiều quá có tốt không?

Trên mạng đang lan truyền một bài viết của một người xưng là bác sĩ Đông y cảnh báo: nếu không muốn chết sớm hãy uống nước ít lại.

Theo bài viết này, uống nhiều nước sẽ gây loãng máu, làm thận quá tải dẫn đến suy thận, hay uống nước nhiều làm “ngập úng” cơ thể khiến các khớp dễ bị đau nhức, chèn ép não, tim mạch; phổi bị ngập nước nên dễ bị nhiễm lạnh, cảm cúm, viêm phổi...  

Thông tin trên khiến nhiều người hoang mang. Vậy uống nước có tác dụng gì?

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, TS-BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: Nước là thành phần hóa học chính chiếm 60% khối lượng cơ thể. Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều cần nước: nước giúp thải chất độc khỏi các cơ quan quan trọng, mang chất dinh dưỡng đến tế bào, duy trì môi trường ẩm cho mô tai, mũi, họng…

Uong nhieu nuoc gay loang mau, suy than?
 

PV: Thưa BS, nên uống nước theo nhu cầu (khát mới uống) hay phải uống đủ theo liều lượng cụ thể? Trung bình mỗi người nên uống bao nhiêu lít nước mỗi ngày và uống nước nguội hay nước ấm, nước lạnh thì có lợi cho sức khỏe?

TS-BS Lâm Vĩnh Niên: Một người lớn cần trung bình 2-2,5 lít nước mỗi ngày, tính cả lượng nước uống và nước trong thức ăn. Có thể uống nước vào bất kỳ thời điểm nào, và không đợi đến cảm thấy khát mới uống.

Vì khi có cảm giác khát thì khi đó cơ thể có thể đã bị thiếu nước. Nên uống nước lọc, nước nguội hoặc nước ở nhiệt độ mát vừa phải, tránh uống nước quá lạnh vì có thể gây co thắt dạ dày. Ngoài ra, cần hạn chế thức uống có cồn hoặc nhiều đường vì các loại thức uống này làm mất nước khỏi cơ thể.

Uong nhieu nuoc gay loang mau, suy than?
 

* Uống nước nhiều quá có tốt không?

- Chỉ có hại khi uống quá nhiều nước. Vì uống quá nhiều nước có thể khiến thận không thải kịp lượng nước dư thừa, dẫn đến pha loãng các thành phần điện giải trong máu, ví dụ như gây hạ natri máu (nặng có thể gây sảng, rối loạn ý thức, co giật).

Tuy nhiên, rất hiếm gặp trường hợp uống quá nhiều nước ở người khỏe mạnh với chế độ ăn thông thường. Chỉ một số vận động viên sức bền, như người chạy marathon uống lượng nước nhiều, có nguy cơ hạ natri máu cao hơn. 

* Còn tác hại của thiếu nước đối với sức khỏe thì như thế nào, thưa BS? Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu và thừa nước?

- Tác hại của thiếu nước dễ nhận thấy nhất là làm da khô, nứt nẻ. Bên cạnh đó, còn có tác hại nguy hiểm hơn là tế bào bắt đầu rối loạn chức năng, đặc biệt là tế bào não nhạy cảm nhất đối với thiếu nước, dẫn đến rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê.

Dấu hiệu thiếu nước nhẹ đến vừa gồm khát, giảm tiết mồ hôi, nước tiểu ít, khô miệng, da khô, nứt nẻ. Thừa nước gây nhức đầu, buồn nôn, phù, nặng gây rối loạn ý thức, co giật.

Uong nhieu nuoc gay loang mau, suy than?
 

* BS cho biết những trường hợp nào cần uống nhiều nước hoặc ngược lại?

- Các trường hợp cần uống nhiều nước như: tập luyện, thời tiết nóng ẩm, các bệnh như tiêu chảy, ói mửa, phụ nữ có thai, cho con bú. 

Những trường hợp cần lưu ý hạn chế lượng nước uống vào: bệnh tim, trong đó có suy tim ứ huyết; bệnh thận, trong đó có bệnh thận giai đoạn cuối, lọc máu; bệnh hệ nội tiết, tuyến thượng thận, trong đó có suy tuyến thượng thận; điều trị thuốc corticosteroid; nồng độ natri máu thấp...

Các trường hợp trên cần hỏi ý kiến BS về lượng nước uống vào mỗi ngày. Không nên để cơ thể thiếu nước hay quá thừa nước. Vì thừa hay thiếu nước đều có những vấn đề nguy hiểm riêng. Tuy nhiên, xin khẳng định: rất hiếm gặp trường hợp thừa nước. 

Thùy Dương thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI