Bản thân người viết là dân miền Tây Nam Bộ cũng thấm thía và mềm môi không ít lần khi về quê đám tiệc, giải quyết công việc và đã chứng kiến cảnh các nam nhân bị thần men nhập đã làm diễn viên tấu hài, cười ra nước mắt như: xỉn thì ta khóc, xỉn thì ta gọi anh vợ là thằng, thậm chí xỉn quá ta “hò” tại mâm…
|
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com |
Nghiêm trọng hơn, có anh xỉn thì máu nóng nổi lên, sẵn sàng gây gổ, khó chịu với người thân hay bất kể ai trái ý. Có người mượn rượu bia giải quyết hiềm khích cá nhân bằng các hành vi: chửi bới, gây rối, bạo lực gia đình, đánh nhau. Người khác say lái xe gây tai nạn chết người…
Trên thực tế, tôi cho rằng thói quen uống rượu bia có khuynh hướng biến tướng tiêu cực bằng các biểu hiện như: độ tuổi uống rượu bia ngày càng trẻ hóa, nhiều bạn đang tuổi vị thành niên, trong đó có nữ giới và khá nhiều người thuộc giới sinh viên. Lối sống khoe rượu bia, tửu lượng không biết từ bao giờ đã lan đến nhiều tầng lớp trung lưu, doanh nhân, quan chức…
Trong đó, biểu hiện rõ nhất là trưng bày tủ rượu tại nhà và nhân viên tửu lượng kém hay bị đồng nghiệp chê và khó hòa nhập. Đáng lưu ý là không ít chị em lạm dụng rượu bia với lý lẽ: nam nữ bình đẳng, để rồi bị xâm hại hoặc dần mất đi sự đoan chính, ngôn hạnh của bản thân.
Rượu bia quá chén còn len lỏi vào nhiều gia đình, được các ông chồng quen sử dụng với phương châm: “Chỉ say mới cho vợ ăn đòn”. Hình ảnh người chồng bạo hành, người cha nát rượu trở nên quen thuộc với các con, từ sợ hãi lớn dần thành ác cảm rồi đối đầu loại trừ nhau, mà mới đây là vụ án con trai 14 tuổi giết cha, làm bà nội tử vong là ví dụ điển hình.
Bi hài hơn, ở quê tôi, để khắng khít tình làng nghĩa xóm, các gia đình tổ chức giao lưu cuối tuần theo phương thức xoay tua mỗi nhà. Rượu vào lời ra, mời qua mời lại; “vợ ta người nhìn” còn “vợ người ta đùa”, cuối cùng trò chơi ông nọ, bà kia diễn ra từ công khai đi vào lén lút và bước ra công khai là lúc hạnh phúc 2 gia đình cạn vơi theo chén rượu bia thiếu kiểm soát.
Nếu ai hỏi làm sao để hạn chế quá chén khi uống rượu bia trong giao tiếp để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc thì tôi xin chia sẻ rằng: Bia rượu luôn khó lường/ Tửu lượng tùy cơ địa/ Uống mà không kiểm soát/ Cuộc đời dễ bi thương. Nên biết dừng, biết từ chối rượu bia đúng lúc, đúng hoàn cảnh, không những là ứng xử khéo léo mà còn là bản lĩnh của mỗi cá nhân.
Còn về tinh thần, người xưa đã răn hậu thế bằng câu “đa tửu hại tâm”. Nhưng thời nay, sau mỗi cuộc vui, các ma men lo nhất là bị cảnh sát giao thông thổi phạt (mà mức phạt bằng 1 tháng lương công nhân); là tai nạn giao thông, trộm, cướp trên đường về hay những âm thanh cãi vã phát ra từ tổ ấm, báo hiệu cho những rạn nứt, đổ vỡ hôn nhân.
Việc quá chén từ rượu bia sẽ phát sinh nhiều hậu quả khó lường và căn cứ vào tính chất, hành vi, lỗi, hậu quả cũng như thiệt hại thực tế xảy ra theo vụ việc, pháp luật đều có các chế tài tương ứng. Điển hình một vài chế tài như:
* Chế tài hành chính: Phạt tiền từ 6-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 năm đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP); phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng (Nghị định 167/2013/NĐ-CP) hay phạt tiền đến 3 triệu đồng đối với hành vi ép người khác uống rượu bia (Nghị định 117/2020/NĐ-CP)…
* Chế tài hình sự: Nếu việc uống rượu bia gây ra các hành vi xâm hại tình dục, đánh nhau gây thương tích, chết người thì người thực hiện hành vi có thể chịu trách nhiệm theo một số tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 như hiếp dâm (điều 141); cưỡng dâm (điều 143); cố ý gây thương tích (điều 138); giết người (điều 123)…
Đi cùng với 2 chế tài này là trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho nạn nhân tùy theo hậu quả gây ra của các quý anh quý cô quá chén.
Khi phản biện, các thần men thường nói kiểu: tôi uống say đâu biết gì mà phải bị phạt/bị tội? Lý lẽ ở chỗ nào?
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Theo khoản 5, 6, điều 2 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì: Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác. Nghiện rượu, bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu, bia với biểu hiện đặc trưng như thường xuyên thèm uống, lượng uống có thể tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống.
Mặt khác, theo quy định tại chương 4, Bộ luật Hình sự 2015 thì uống rượu bia phạm tội không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; còn đối với trách nhiệm hành chính, dân sự thì đều có quy định về nghiêm cấm các hành vi uống rượu bia lái xe; kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; ép người dưới 18 tuổi uống rượu bia…
Mọi chế tài áp dụng cho cá nhân, ngoài việc phòng ngừa chung, chỉ có thể răn đe, thức tỉnh làm cá nhân đó không tái phạm, đặc biệt là các ma men phạm lỗi. Tuy nhiên, một khi những lệch chuẩn của văn hóa rượu bia còn tồn tại thì không có chế tài nào hiệu quả bằng sự nghiêm khắc, khéo léo và bản lĩnh trong từng cá nhân khi tham gia những cuộc vui. Mình răn mình vẫn luôn là giải pháp hiệu quả nhất.
Luật sư Trần Hoài Nhân -
Giám đốc Công ty Luật TNHH UNIBROS VN